20/05/2013 10:35 GMT+7

Triết lý hạnh phúc

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - “Chốn địa đàng cuối cùng”- (The last Shangri-la), “Thiên đàng nơi hạ giới”, “Đất nước hạnh phúc nhất thế giới”, “Thụy Sĩ của phương Đông”... Đấy là một vài danh xưng khác của vương quốc Bhutan.

jbzTqsWj.jpgPhóng to
Sân bay Paro, một thung lũng hẹp bị kẹp giữa các vách núi, được mệnh danh là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới - Ảnh: L.Đ.Dục
4oOLhVyE.jpgPhóng to
mc7sIXhX.jpgPhóng to
Có những lúc ngỡ như cánh máy bay chạm vào vách núi
4ItO6VWV.jpgPhóng to
Thimphudzong-công trình kiến trúc điển hình ở thủ đô Thimphu
5srcF3zq.jpgPhóng to
Từ trên máy bay có thể nhìn thấy nhứng đỉnh núi phủ tuyết vây quanh thung lũng Paro
XVsA0kDm.jpgPhóng to
Nhìn lên các dzong và núi tuyết từ phi trường Paro

Nhiều người nghe cái tên Bhutan hơi lạ lẫm, như mười năm trước, một người bạn sau khi viết xong cuốn sách về Tây Tạng mang đến tặng tôi và nói: “Đi Tây Tạng về càng khao khát đi Bhutan hơn, đó mới thật sự là xứ sở tuyệt vời bởi còn bảo tồn được Phật giáo Himalaya nguyên thủy!”. Khi ấy tôi cũng buột miệng hỏi: “Bhutan - đó là xứ sở nào vậy?”. Và giấc mơ được đặt chân đến Bhutan đã gieo mầm trong tâm thức tôi từ ngày ấy, tròn mười năm về trước...

Chạm mặt địa đàng

Một ngày cuối tháng 4 vừa qua, sau chuyến bay khuya Sài Gòn - Bangkok, vạ vật tại phi trường Suvarnabhumi thêm mấy giờ đợi làm thủ tục check-in ở quầy của Hãng hàng không quốc gia Bhutan Drukair, chiếc xe buýt chở chúng tôi ra điểm đỗ của chiếc máy bay Airbus mang quốc kỳ Bhutan lúc 4g sáng. Khi leo hết bậc cầu thang lên máy bay, gương mặt thanh thoát với đôi mắt xếch của cô tiếp viên hàng không trong bộ trang phục kira truyền thống đứng chào đón cho tôi cảm giác dường như mình đã chạm được vào Bhutan, dù rằng hành trình từ Bangkok đến Bhutan phải thêm hơn ba giờ bay vượt quãng đường mấy ngàn cây số từ miền nắng ấm Đông Nam Á để hạ cánh xuống một sân bay bên triền Himalaya được mệnh danh là nguy hiểm nhất thế giới: sân bay Paro! Sân bay quốc tế này của vương quốc Bhutan chỉ có duy nhất một... đường băng để cất và hạ cánh, nằm lọt thỏm giữa thung lũng và hai bên là những dãy núi cao vút.

Có lẽ là một cơ may khi được chạm mặt Bhutan vào buổi bình minh của một sáng mùa xuân như hôm nay, khởi đầu một ngày mới, khởi đầu một cuộc viễn du mới, tới một vùng đất mình đã từ lâu mơ ước. Máy bay giảm độ cao trườn vào giữa khe núi, nhìn ra hai bên cảm giác như vách núi gần chạm vào cánh bay.

Đội bay của Drukair - Hãng hàng không quốc gia Bhutan - vốn chỉ có vài chiếc máy bay này được mệnh danh là những phi công giỏi nhất thế giới. Những máy bay của các tỉ phú, nguyên thủ quốc gia khác muốn hạ cánh thăm viếng Bhutan cũng phải nhờ vào họ, bởi việc luồn lách một chiếc phản lực giữa những vách núi không hề là chuyện dễ dàng. Và giờ đây, từ sân bay quốc tế bé nhỏ với đường băng duy nhất ấy, hàng không Bhutan đã có đường bay tới Bangkok (Thái Lan), Dhaka (Bangladesh), Singapore, Kolkata, Delhi (Ấn Độ), Kathmandu (Nepal)... Thế nhưng không một hãng hàng không nước nào lại có thể bay tới được Bhutan! Trong câu chuyện gian nan và phát triển của hàng không Drukair, tôi lờ mờ nhận ra một triết lý đồng điệu với triết lý phát triển của đất nước này, và cũng chỉ vừa kịp nghĩ đến đó, tiếng vỗ tay của hơn 100 hành khách trên chuyến bay vang lên rào rào kéo tôi ra khỏi mạch nguồn “triết lý Bhutan”. Đấy là tiếng vỗ tay hân hoan chào mừng máy bay đã đáp xuống đường băng an toàn, bởi có lẽ những du khách đến Bhutan trên chuyến bay này, họ cũng như tôi, đã không thể không có chút lo lắng mơ hồ khi đọc về những chuyến bay mạo hiểm qua những vách đá. Và chắc mỗi ngày trên phi trường Paro này những phi công của Drukair đều luôn nhận được những tràng pháo tay bày tỏ sự khâm phục và mừng vui như thế.

weKzK0C2.jpgPhóng to
Thiên nhiên tươi đẹp hòa quyện vào đời sống tâm linh và xã hội công bằng làm nên hạnh phúc cho Bhutan - Ảnh: L.Đ.Dục

“Tại sao Bhutan?”

Chắc chắn đó là một câu hỏi của bất kỳ ai muốn tìm hiểu về quốc gia bé nhỏ và khá biệt lập này! Thập niên 1950-1960, khi Mỹ và Liên Xô đã phóng những vệ tinh vào vũ trụ thì Bhutan vẫn chưa có... đường ôtô, và cũng chỉ hơn mười năm trước, năm 1999, khi Internet bắt đầu phổ biến trên thế giới thì ở Bhutan người dân bắt đầu nhìn thấy những “chiếc hộp kỳ lạ” biết ca hát và nhảy múa - đấy là những chiếc tivi đầu tiên đến với xứ sở Bhutan. Có nhiều câu chuyện hài hước của người dân khi tiếp cận với phương tiện văn minh này, rằng nhiều người dân đã chui xuống gầm giường để... trốn khi thấy trên tivi những võ sĩ to béo đang nổi giận chỉ vì sợ “họ nhảy ra khỏi cái hộp đó và đánh mình” (!). Một họa sĩ khi đang vẽ bức tranh tường trên Tu viện Taktshang (Tiger’s Nest), cheo leo trên vách đá ở độ cao hơn 700m, đã suýt rơi khỏi giàn giáo vì trông thấy một “ngôi nhà hình con cá khổng lồ đang chao lượn và gầm rú” - mà thật ra đó là chiếc máy bay đang chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Paro gần đó.

Những câu chuyện thoạt nghe có vẻ hài hước nhưng đằng sau nó chứa đựng hình ảnh một Bhutan dường như rất xa lạ với thế giới văn minh! Vậy nhưng chỉ hơn mười năm sau đó, giờ đây Bhutan đang là giấc mơ của nhiều quốc gia khác, và cũng chỉ là giấc mơ thôi, bởi để có được những gì Bhutan đang có không phải dễ. Với công thức làm nên tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) dựa trên bốn mục tiêu: phát triển kinh tế - xã hội bền vững/bảo vệ môi trường/bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống/một chính quyền hoạt động hiệu quả và trong sạch.

Chỉ bốn vấn đề ấy thôi, nhưng khi tìm hiểu về GNH của Bhutan, tôi đã tìm thấy trong tài liệu của The Centre for Bhutan Studies (CBS-Trung tâm Nghiên cứu Bhutan), để tính toán chỉ số hạnh phúc của người dân Bhutan, những nghiên cứu viên của trung tâm này đã có những chỉ số tính toán mà tôi chưa bao giờ nghe thấy, ví như số... giờ ngủ bình quân của một người Bhutan trong năm (!) bởi theo tính toán của GNH, để người dân ngủ đủ số giờ cần thiết cũng là một chỉ số đo lường hạnh phúc! Lo đến từng giấc ngủ cho dân cả một nước, chỉ riêng chuyện này thôi đủ cho chúng tôi tin Bhutan thật sự là “địa đàng chốn trần gian” dù những ngày ở Bhutan chúng tôi biết dân Bhutan chưa phải giàu có, nhưng hạnh phúc với người Bhutan lại không nằm ở những chuyện bạc tiền vật chất, điều ấy có lẽ ngược lại với nhiều xứ sở khác trên Trái đất này!

Một quốc gia với diện tích 47.500km2 và dân số chừng 70 vạn người, nằm kín trong vùng lục địa Nam Á, lọt thỏm giữa hai quốc gia to lớn là Ấn Độ và Trung Hoa. Bhutan tuy bé nhỏ nhưng vẫn an nhiên tự tại giữ gìn nguyên vẹn bản sắc văn hóa của đất nước mình, bảo tồn nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh đang che phủ hơn 72% diện tích đất nước với phong cảnh tuyệt đẹp.

Bhutan là nước duy nhất trên thế giới cấm săn bắn và đánh cá. Là nước duy nhất cấm được chuyện hút thuốc lá trong dân chúng. Là nước duy nhất đưa ra khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia” (gross national happiness-GNH) thay cho tổng sản phẩm quốc nội (gross domestic product) bởi theo Quốc vương Jigme Singye Wangchuck, người đưa ra khái niệm GNH, ông cho rằng GDP chưa chắc mang lại hạnh phúc cho người dân mà hạnh phúc chính là sự phát triển nhằm vào sự tăng tiến giá trị đời sống nhưng vẫn bảo tồn được thiên nhiên và văn hóa, chứ không phải nằm ở số lượng vật chất sản xuất và tiêu thụ!

___________

Kỳ tới: Môi trường trong từng... hơi thở

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên