Không cấm hôn nhân đồng tínhNgười đồng tính ngày càng “dễ thở”
Phóng to |
Đám cưới tập thể của người đồng tính ở Hà Nội - Ảnh: Nga Linh |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng khi đã tiến thêm một bước về quyền con người thì nên công nhận hôn nhân đồng tính chứ không nên quy định nửa vời.
Không cấm, nhưng không thừa nhận
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là thực tế ở VN. Mặc dù pháp luật hiện hành đã lựa chọn giải pháp cấm việc kết hôn nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này.
“Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, Chính phủ cho rằng Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng Nhà nước cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung” - ông Cường nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đồng tình với Chính phủ: “Tôi đồng ý quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính, nghĩa là người ta thích thì cứ về ở với nhau thôi, mình không phạt. Mọi vấn đề pháp lý nảy sinh (con cái, tài sản…) sẽ giải quyết theo pháp luật dân sự”.
Phó chánh án TAND tối cao Tưởng Duy Lượng cũng đồng ý với “quy định có lộ trình như hướng xử lý của Chính phủ, đến khi nào nhận thức xã hội cởi mở hơn thì cho họ kết hôn”.
Không nghĩ như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lên tiếng: “Đây là thực tế xã hội, nhiều nước đã thừa nhận, và nó là quyền con người. Theo tôi là chúng ta nên công nhận, chứ không chỉ nói là không thừa nhận. Luật trước đây cấm, bây giờ không cấm nghĩa là người dân được làm (nguyên tắc Nhà nước pháp quyền). Luật pháp phải rõ ràng, không nên quy định nửa chừng như vậy”.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị quy định rõ tính pháp lý đối với trường hợp những người chuyển giới: “Lúc đầu họ là người cùng giới sống với nhau, nhưng sau đó qua Thái Lan chuyển giới, vậy xử lý thế nào?”.
Cho mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Luật hiện hành quy định cấm mang thai hộ dưới mọi hình thức, nhưng Chính phủ nhận thức đây cũng đang là vấn đề thực tế ở VN, tạo ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Nhiều cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, họ có nguyện vọng được thực hiện quyền làm cha, mẹ bằng biện pháp mang thai hộ.
"Không phải tất cả các trường hợp mang thai hộ đều được công nhận mà chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với những quy định chặt chẽ, cụ thể về: người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác có liên quan đến việc mang thai hộ; trách nhiệm pháp lý (dân sự, hành chính, hình sự) của các bên trong việc vi phạm quy định về mang thai hộ” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.
Quan điểm trên nhận được sự đồng tình của thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội và đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị quy định rõ các trường hợp ra nước ngoài nhờ người mang thai hộ.
Có nên cho nam giới kết hôn tuổi 18?
Pháp luật hiện hành quy định tuổi kết hôn của nam là 20 và nữ là 18. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc dự luật quy định độ tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình với quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự trong công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự.
“Theo pháp luật dân sự hiện hành, cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên và có quyền tham gia tất cả các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự, trừ khi họ ở tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, ở độ tuổi này, cá nhân cũng có thể được pháp luật ghi nhận là có năng lực pháp lý để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các quan hệ xã hội khác ngoài lĩnh vực dân sự” - ông Cường giải thích.
Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý cho rằng cần phải tính toán kỹ quy định mới này, bởi không phải ngẫu nhiên mà trước nay quy định tuổi kết hôn của nam cao hơn nữ. “Ví dụ, 18 tuổi có đủ năng lực đảm bảo cuộc sống của gia đình không?” - ông Lý hỏi.
Phải có giấy phép lao động mới được nhập cảnh vào VN Đây là quy định bắt buộc đối với người nước ngoài muốn vào lao động tại VN, được thể hiện trong dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN, được Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng cùng ngày. “Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào VN với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu (đây là vấn đề phức tạp mà các bộ, ngành, địa phương đang phải phối hợp giải quyết)” - ông Nam cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận