14/08/2018 10:39 GMT+7

Không còn chỗ cho những Vũ 'nhôm'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ngành công an có còn Vũ 'nhôm' nữa không? Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm chiều 13-8 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Không còn chỗ cho những Vũ nhôm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV (chiều 13-8) - Ảnh: TTXVN

Và câu trả lời của bộ trưởng là: kiên quyết đấu tranh, xử lý không có vùng cấm, để không còn chỗ cho những Vũ "nhôm" ẩn náu.

Những "bài học xương máu"

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết cử tri bức xúc trước các vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến một số tướng lĩnh, sĩ quan công an mà vụ Vũ "nhôm" là điển hình của việc lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi. 

Ông hỏi: "Bộ Công an có rà soát xem còn kiểu Vũ "nhôm" trong ngành nữa hay không và giải pháp nào để tránh tiếp tục xuất hiện những Vũ "nhôm" thời gian tới?".

Đáp lại, Bộ trưởng Tô Lâm nói: Liên quan đến Vũ "nhôm" có 5 vụ án đã được khởi tố điều tra và tòa án đã xét xử vụ thứ nhất liên quan đến vi phạm bí mật nhà nước. Vụ này có cả cấp tướng công an đã bị xét xử trước pháp luật và một số người nguyên là lãnh đạo Bộ Công an có liên quan.

"Đây là bài học rất lớn, rất đắt giá của lực lượng công an. Chắc chắn rằng sẽ không còn để tình trạng các đối tượng, tổ chức, lực lượng lợi dụng hoạt động của ngành để có hoạt động tội phạm. Chúng tôi có giải pháp để không xảy ra những vụ như Vũ "nhôm" liên quan đến nội bộ trong ngành công an nữa" - ông Tô Lâm khẳng định.

Chất vấn tình trạng đánh bạc trên mạng, đặc biệt là vụ đánh bạc ngàn tỉ liên quan đến cán bộ, tướng lĩnh ngành công an, đại biểu Dương Xuân Hòa đề nghị người đứng đầu ngành công an cho biết ý kiến.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: Đây là vụ án Bộ Công an đã tập trung đấu tranh trong thời gian dài, sau đó Công an Phú Thọ phát hiện một mảng của vụ án và bộ quyết định giao cho Công an Phú Thọ tập trung điều tra, phá án.

Ông nói: "Đây cũng là một bài học xương máu trong lực lượng, nguyên nhân là một số cán bộ không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, bị sự cám dỗ của đồng tiền, lợi dụng được các phương tiện kỹ thuật (có thể họ biết trong lực lượng công an thì ít bộ phận có thể phát hiện loại tội phạm tinh vi này), rồi có hành vi bảo kê, có hoạt động liên quan đến các loại tội phạm này. Tuy nhiên các hành vi đó đã bị phát hiện và bị xử lý nghiêm minh.

Lực lượng công an chúng tôi đã kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh và không để tái diễn. Sau vụ án nêu trên, chúng tôi tiếp tục phát hiện các vụ án lớn, số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng, đặc biệt là mùa World Cup vừa qua, chúng tôi không phát hiện cán bộ của lực lượng công an liên quan đến các vụ này".

Không còn chỗ cho những Vũ nhôm - Ảnh 2.

Đúng quy định, sao phải thu hồi 500 biển số xanh?

Là người đầu tiên nêu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói: "Dư luận rất bức xúc về việc Bộ Công an cấp hơn 500 biển số xanh cho doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo. Vì sao có việc này, đến nay thu hồi hết chưa và đã xử lý cá nhân nào chưa?".

Chất vấn này có liên quan đến kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc rà soát việc cấp các loại biển xanh, biển đỏ cho ôtô của doanh nghiệp.

Theo giải đáp của Bộ trưởng Tô Lâm, lĩnh vực này Bộ Công an có thông tư hướng dẫn thực hiện Luật giao thông đường bộ và khi kiểm tra, rà soát thì thấy rằng phần lớn trong số hơn 500 biển số xanh được cấp đúng quy định của thông tư.

"Đối chiếu thực tế các quy định thì đây là sự vận dụng. Đến nay Bộ Công an đã thu hồi gần như toàn bộ, còn 20 biển chưa thu hồi do đơn vị giải thể hoặc xe hết hạn lưu hành, đang truy tìm để thu hồi triệt để. Chúng tôi đã kiểm điểm đơn vị, cá nhân liên quan đến việc này, đến nay việc đăng ký, cấp biển số đã đi vào nề nếp" - bộ trưởng nói.

Đại biểu Thúy tiếp tục chất vấn: "Nếu cấp các biển số xanh là đúng thì tại sao lại thu hồi? Thêm nữa tôi nghĩ rằng doanh nghiệp giải thể thì tài sản đó vẫn còn và có thể chuyển giao cho đơn vị khác, chiếc ôtô đó vẫn lưu hành thì tại sao lại không thu hồi được?".

Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận việc cấp biển xe cho các cơ quan này chưa đúng nhưng theo thông tư quy định của Bộ Công an là thẩm quyền của bộ trưởng. Lãnh đạo Bộ Công an được cấp phép một số biển số xe theo một số quy định.

"Đây là quy định trên thực tế nhưng quy định đó cũng có thể dẫn đến những việc không đúng với quy định chung. Chúng tôi đã kịp thời sửa quy định, đưa việc này vào trật tự". 

"Với những biển số chưa thu hồi được thì có một số đơn vị đăng ký các xe đó nhưng hiện nay truy tìm trên thực tế không tồn tại. Chúng tôi cũng đang tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp với Bộ GTVT để không tổ chức đăng kiểm cho những xe này. Nếu phát hiện chúng tôi cũng sẽ tổ chức thu hồi triệt để" - bộ trưởng trả lời thêm.

Phát biểu vào cuối buổi chất vấn, khi đề cập việc chấn chỉnh vi phạm trong nội bộ ngành công an, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định quan điểm của Chính phủ là đấu tranh không có vùng cấm với mọi loại tội phạm. 

Người phạm tội là bất kỳ ai, ở bất cứ vị trí nào đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Không còn chỗ cho những Vũ nhôm - Ảnh 3.

Không được "nợ" chính sách với đồng bào dân tộc

Phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến được thực hiện vào buổi sáng 13-8, với 33 lượt đại biểu nêu chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc. Đặc biệt là bốn nhóm tồn tại, hạn chế:

1 Một số chính sách chưa có tầm nhìn dài hạn, thường là 5 năm, còn có khoảng trống, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kỳ kế hoạch, chưa liên thông, liền mạch.

2 Vẫn còn sự chồng chéo ở cơ quan quản lý, đặc biệt cơ quan tham mưu chính về chính sách dân tộc là Ủy ban Dân tộc thì chưa được tập trung cao độ trong việc thẩm định, xây dựng chính sách, nhất là việc thực hiện vai trò là đầu mối phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

3 Nguồn lực bố trí chưa thực sự kịp thời, còn thiếu so với yêu cầu.

4 Còn một số lĩnh vực thực hiện chưa tốt cần khắc phục như bố trí nguồn lực chưa đủ, các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, dạy nghề, nhất là đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do đang là thách thức lớn phải giải quyết.

Điều tra không giới hạn các gian lận thi cử

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và cùng thống nhất quan điểm rằng các gian lận bị phát hiện vừa qua là rất nghiêm trọng, gây bất bình dư luận.

Người đứng đầu ngành công an cho biết các hành vi vi phạm thi cử này rất tinh vi, được phát hiện lần đầu.

"Tuy vậy, tội phạm này không phải là mới, không loại trừ đã xảy ra ở các năm trước - bộ trưởng nói và nêu ví dụ - Chúng tôi từng khảo sát các cháu điểm rất cao nhưng vào học với yêu cầu cao đã không học được".

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề được nhiều cử tri quan tâm: Ngoài các vụ án đã khởi tố, công an có mở rộng điều tra ra các tỉnh, TP khác hay không?

Có điều tra tình trạng các năm trước hay không? Đặc biệt là thời hạn điều tra, kết quả xử lý các vụ việc vừa qua bao giờ có thể công bố, bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của nhiều học sinh, đặc biệt là các học sinh có điểm tiệm cận với điểm chuẩn mà trường đó có các học sinh điểm cao đang thuộc diện điều tra, kiểm tra.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: "Các lực lượng điều tra rất muốn kết thúc nhanh. Nhưng mục đích của chúng tôi, của lực lượng điều tra là làm rõ vụ việc, vạch trần hành vi phạm tội, làm rõ hành vi các đối tượng phạm tội.

Khi nào làm rõ những vấn đề này thì mới kết thúc được điều tra. Thời hạn điều tra ban đầu là 4 tháng, trong thời gian này nếu cần thiết phải mở rộng phạm vi điều tra để đạt được mục đích nêu trên thì phải tiếp tục gia hạn để làm rõ.

Ngoài ra, nếu phát hiện các vi phạm ở bất cứ địa phương nào thì sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ, không giới hạn thời gian. Các năm trước nếu có dấu hiệu vi phạm, tội phạm thì cũng phải điều tra làm rõ".

Kê biên biệt thự, tài sản "khủng" của ông Vũ Nhôm vụ Ngân hàng Đông Á Kê biên biệt thự, tài sản 'khủng' của ông Vũ Nhôm vụ Ngân hàng Đông Á

TTO - Ngoài căn biệt thự tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, hơn 125 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á do Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ và 17 đối tượng liên quan sở hữu cũng bị kê biên.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên