Cơ quan điều tra Bộ Công an khám xét nhà ông Phan Ngọc Thạch, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Đà Nẵng, sáng 9-8 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Cả 4 bị can trên đều bị khởi tố về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú do liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất cho ông Phan Văn Anh Vũ, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Đó là các ông Nguyễn Công Lang (nguyên giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng, là công ty quản lý toàn bộ nhà công của TP Đà Nẵng), Phan Ngọc Thạch (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng), Trần Phi (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng) và Huỳnh Tấn Lộc (tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng).
Bán rẻ, hạ hệ số sinh lợi
Hầu hết cơ sở nhà đất công mà 3 công ty trên được mua đều có bóng dáng của Vũ "nhôm" phía sau.
"Công thức làm ăn" là sau khi được Nhà nước ưu ái bán nhà đất, các công ty này "chuyển quyền sử dụng" lại cho Vũ "nhôm" hoặc người thân của ông này. Các công sản này được bán không qua đấu giá theo quy định.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhà đất tại số 100 Bạch Đằng trước đây thuộc sở hữu nhà nước (diện tích sử dụng là 246m2, diện tích đất là 113m2) được giao cho Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng, do ông Nguyễn Công Lang làm giám đốc, thuê.
Năm 2009, Công ty Quản lý nhà TP Đà Nẵng xin lập thủ tục bán nhà đất 100 Bạch Đằng cho Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng và được chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương.
Tại cuộc họp ngày 19-10-2009, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho phép áp dụng hệ số sinh lợi cho nhà 100 Bạch Đằng là 1,5, đồng thời giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan xác định giá chuyển quyền sử dụng đất.
Điều đáng nói là chỉ nửa tháng sau, Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng có văn bản xin giảm hệ số sinh lợi với nhà đất 100 Bạch Đằng, Đà Nẵng từ 1,5 xuống còn 1,3.
Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng thể hiện sự ưu ái bằng việc ra quyết định điều chỉnh hệ số sinh lợi đất từ 1,5 xuống 1,3, đồng thời phê duyệt giá bán nhà là 2,2 tỉ đồng, nếu nộp đủ tiền trong vòng 30 ngày thì được giảm 10%.
Tương tự, nhà đất tại 34 Hoàng Văn Thụ thuộc sở hữu nhà nước cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuê. Năm 2009, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng có văn bản xin mua và đề nghị xét giảm hệ số sinh lợi từ 1,4 xuống còn 1,2 và được chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý.
Phê duyệt giá bán là hơn 12,5 tỉ đồng, vẫn bổn cũ: giảm 10% trên tổng số tiền sử dụng đất nếu nộp đủ một lần trong thời hạn 30 ngày.
Chiêu thức trên cũng được áp dụng đối với nhà đất số 37 Pasteur (diện tích 968m²), được UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng thuê và đồng ý chủ trương chuyển quyền sử dụng năm 2008; chấp thuận giảm hệ số sinh lợi từ 1,5 xuống 1,3;
Duyệt giá chuyển quyền sử dụng đất là 16,9 tỉ đồng so với 19,5 tỉ đồng trước đó. Vẫn điều khoản cũ: giảm thêm 10% tổng số tiền sử dụng đất nếu nộp tiền một lần trong thời hạn 30 ngày.
Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng cũng bán không qua đấu giá khu nhà đất số 57 Lê Duẩn (1.770m2) cho Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng với giá 62 tỉ đồng, cũng với điều khoản giảm 10% nếu nộp đủ tiền trong 30 ngày.
Tuy nhiên trong thương vụ này, dù Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng không thanh toán tiền sử dụng đất đúng theo hợp đồng nhưng vẫn được giảm 10% (!).
Ngoài ra, Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng còn được mua nhà đất công số 121 Phan Châu Trinh cũng với giá hời và phương thức tương tự.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm việc tại nhà ông Huỳnh Tấn Lộc - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng - chiều 9-8 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Lòng vòng rồi về tay Vũ "nhôm"
Rất mau mắn, chỉ 2 tháng sau khi được Nhà nước bán nhà đất, Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng đã có văn bản xin chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất tại nhà đất số 100 Bạch Đằng cho ông Ngô Áng Hùng (anh rể ông Vũ "nhôm").
Tương tự, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng cũng có văn bản xin đổi tên đơn vị nhận quyền sử dụng đất tại 34 Hoàng Văn Thụ là Công ty TNHH IVC (của ông Vũ "nhôm") đứng tên nộp tiền mua nhà. UBND TP Đà Nẵng nhanh chóng cấp giấy chứng nhận cho Công ty TNHH IVC.
Cũng hệt như vậy, sau một hồi lòng vòng, cuối cùng khu đất số 37 Pasteur Công ty cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng cũng được chuyển cho ông Phan Văn Anh Vũ.
Tương tự cách thức nêu trên, Công ty Xây dựng 79 (do ông Phan Văn Anh Vũ làm chủ tịch HĐQT) thông qua các công ty trên để được mua nhà công sản của Nhà nước theo giá chỉ định mà không qua đấu giá là hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (trong đó bao gồm cả việc giảm hệ số sinh lợi).
Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng - Ảnh: HỮU KHÁ
Đà Nẵng xin trả tiền lấy lại sân Chi Lăng
Ngày 9-8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu đề xuất phương án thu hồi dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.
Theo văn bản này, trước đó trong quá trình rà soát, UBND TP đã có báo cáo Ban thường vụ Thành ủy cho chủ trương để Ban cán sự Đảng UBND TP hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng và các cơ quan trung ương xử lý vụ việc theo hướng cho phép TP Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất sân vận động Chi Lăng.
Đổi lại TP sẽ chuyển trả lại toàn bộ số tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao đất, có tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng tại thời điểm thanh toán thực tế.
Khởi tố thêm tội danh với ông Vũ "nhôm"
Cùng ngày 9-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", về hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Việc khởi tố Vũ "nhôm" thêm tội danh và khởi tố những người trên là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Đà Nẵng.
Xem xét kỷ luật Đảng với nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Liên quan đến vụ án này, trước đó ngày 17-4, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Minh (nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2006-2011) về cùng hành vi trên.
Chiều 9-8, Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng có hội nghị để thực hiện các bước theo quy trình kỷ luật đảng viên đối với cán bộ vi phạm pháp luật với những sai phạm của ông Trần Văn Minh.
Theo đó, trong thời kỳ giữ chức vụ chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2004-2011), ông Trần Văn Minh đã có những vi phạm rất nghiêm trọng.
Trả lời Tuổi Trẻ, lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng từ chối cho biết về kết quả bỏ phiếu. Tuy nhiên, theo nguồn tin Tuổi Trẻ, có nhiều người bỏ phiếu đề nghị xem xét khai trừ Đảng đối với ông Trần Văn Minh.
Ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014, cùng với nguyên giám đốc, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường và nguyên giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cũng bị khởi tố điều tra về hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận