03/11/2024 13:15 GMT+7

Không bỏ phố về quê, ở một chỗ trọ từ thời sinh viên đến khi cưới vợ sinh con

Trong khi nhiều người bỏ phố về quê hay loay hoay đổi trọ một năm vài lần, có không ít người bạn trẻ gắn bó với chỗ trọ của mình từ thời sinh viên đến khi lấy vợ sinh con, trở thành những không gian thân quen.

Ở trọ cả chục năm: Sao có nhiều người gắn bó lâu đến vậy? - Ảnh 1.

Anh Lương Trọng Thể đã ở phòng trọ này từ lúc độc thân đến khi lập gia đình - Ảnh: AN VI

Tới Làng đại học Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP.HCM), nơi có rất nhiều dãy trọ cho sinh viên thuê vẫn thấy có những người đã đi làm. 

Còn ở những xóm trọ công nhân, có những người đến TP.HCM mưu sinh, gắn bó với căn trọ từ khi độc thân đến khi lấy vợ sinh con.

14 năm, giá phòng trọ chỉ tăng 500.000 đồng

Đến xóm công nhân ở hẻm 36 Bùi Văn Ba (quận 7) vào ngày cuối tuần mới thấy được sự nhộn nhịp của mấy gia đình nấu ăn trước cửa phòng trọ. Một số khác tranh thủ rửa chiếc xe máy sau cả tuần đi làm. Cũng có những gia đình như anh Lương Trọng Thể (44 tuổi) cùng nhau tụm lại xem phim.

Anh Thể nói cuối tuần là khoảng thời gian hiếm hoi mà gia đình có mặt đông đủ. Bởi ngày trong tuần anh và vợ phải làm liên tục từ 7h30 sáng đến gần 18h mới về đến nhà. 

Hai đứa con nhỏ cũng đi học, tối thấy mặt nhau một chút đã ngủ.

Nhìn lên trần nhà đã nhuốm màu thời gian, bong tróc loang lổ, anh kể 20 năm trước một thân một mình lên TP.HCM. 

Lúc đầu anh làm ở Thủ Đức, sau chuyển qua quận 7 thuê được căn trọ ưng ý và gắn bó suốt 14 năm nay. 

Ở căn nhà khang trang chừng ấy năm ít nhiều cũng xuống cấp, còn phòng trọ của anh Thể được chăm chút cứ như phòng trọ mới.

Đều đặn trước khi về quê ăn Tết anh đều mua sơn sơn lại những chỗ bong tróc. Chị vợ thì chịu không được cảnh nhám chân nhám tay, ngày nào cũng lau chùi nên căn phòng luôn bóng loáng. 

Đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, đặc biệt là không gian bếp được đầu tư chẳng thiếu thứ gì từ bếp gas, máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu…

"Tôi quý căn phòng này lắm, ở mười mấy năm nay giá chỉ tăng có 500.000 đồng và hiện tại là 3 triệu đồng/tháng. Cũng từ căn phòng này mà tôi có chỗ nghỉ ngơi sinh hoạt sau khi đi làm về, có vợ có con và gia đình hạnh phúc", anh Thể tâm sự.

Vợ chồng anh Thể làm cùng công ty, mỗi tháng cộng lại cũng được hơn 20 triệu đồng. Bao lần dự tính sẽ thuê căn phòng to hơn nhưng vợ anh cản, muốn ở vậy cho tiết kiệm.

"Từ khi có hai đứa con, gánh nặng tài chính tăng lên đáng kể. Tính ra mình ở được phòng trọ như thế này cũng là may mắn, còn dư tiền lo cho con cái", anh Thể nói.

Ở trọ cả chục năm: Sao có nhiều người gắn bó lâu đến vậy? - Ảnh 2.

Căn phòng được anh Hải trang trí lại từ khi vợ anh dọn qua ở chung - Ảnh: NVCC

8 năm là khoảng thời gian vợ anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chuyển về sống cùng anh sau khi cưới nhau. Phòng trọ của anh Hải chỉ khoảng 18m2, nhưng theo anh sống chỉ 2 vợ chồng chừng đấy diện tích là quá đủ.

Căn phòng được anh Hải tận dụng không gian triệt để, mọi đồ đạc đều được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Anh đóng chiếc kệ trên tường để tiết kiệm không gian, hộp giấy được anh xếp lên kệ thành những chiếc tủ nhỏ đựng đồ. Căn phòng cũng không thiếu tiện nghi khi vợ chồng anh đã sắm thêm tủ lạnh và máy giặt.

"Mình xác định gắn bó lâu dài nên phải đầu tư một chút", anh Hải cho biết.

Biến chỗ trọ thành văn phòng xanh

Vy Thị Thanh (24 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) dù đã kết thúc quãng thời gian sinh viên nhưng vẫn gắn bó với chỗ trọ bốn năm đại học đến hiện tại. 

Cùng một dãy trọ giá rẻ nhưng trong căn phòng của Thanh có sự khác biệt. Chị trang bị thêm kệ sách, góc làm việc ngay cạnh cửa sổ được bài trí chỉn chu trên chiếc bàn học từ thời sinh viên.

Không bỏ phố về quê, ở một chỗ trọ từ thời sinh viên đến khi cưới vợ sinh con - Ảnh 4.

Góc làm việc của Thanh trong căn phòng trọ gắn bó từ thời sinh viên - Ảnh: NVCC

Thanh gắn bó với căn trọ hiện tại bởi sự thân thuộc trong khoảng thời gian ở đây và đáp ứng được thu nhập hiện tại.

Thanh nói: "Tiền trọ của tôi chiếm khoảng 1/6 thu nhập, đây là con số hợp lý để tôi đánh đổi khoảng cách xa đến chỗ làm. Chung quy cả điện nước, tiền trọ 1 tháng dao động 1,3 - 1,4 triệu đồng, vẫn còn dư kha khá để dùng cho việc khác".

Ngoài chi phí, thứ níu chị lại căn phòng trọ này gần sáu năm qua chính là cảm giác thư giãn, thoải mái khi về tới phòng. Ở suốt thời sinh viên nên Thanh cũng quen với nhiều hàng xóm và chủ trọ, việc mua sắm ở khu vực này cũng rất tiện.

Thanh chia sẻ mình đặc biệt thích không khí yên tĩnh ở khu vực Làng đại học thay vì sự ồn ào, tấp nập ở các quận trung tâm. 

Song ở đây cũng có những điều mà chị chưa ưng ý. "Tôi chưa ưng ý lắm về nguồn nước của dãy trọ, tôi phải tự mua lõi lọc về thay thường xuyên. Khi nấu ăn phải dùng nước đóng bình chứ không dám sử dụng trực tiếp nước của dãy trọ", Thanh cho biết thêm.

Trong khi đó chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (28 tuổi, ngụ Gò Vấp) đã biến phòng trọ 25m2 thành một không gian xanh phủ đầy cây cối.

Ở trọ cả chục năm: Sao có nhiều người gắn bó lâu đến vậy? - Ảnh 4.

Góc phòng trang trí rất nhiều cây xanh của chị Nhung tốn gần 10 triệu đồng - Ảnh: NVCC

Nhung sống một mình, thường làm việc tại nhà nên chị quyết định biến căn trọ thành văn phòng xanh. "Tôi rất thích cây cối, công việc của tôi cần sự sáng tạo nhiều nên tôi muốn căn phòng của mình nhìn vào là có cảm giác thoải mái. Khi đó mới có cảm hứng làm việc được", chị Nhung kể.

Để có được căn phòng ưng ý như vậy, chị Nhung đã chi hơn 10 triệu đồng để mua cây cối và sơn sửa lại. Bạn bè rất thích đến phòng chị chơi vì không gian xanh mát mẻ, đặc biệt là có view chụp hình.

Nhung gắn bó với căn phòng đến nay đã được 5 năm và dự định sẽ còn gắn bó lâu dài đến khi lập gia đình.

Không bỏ phố về quê, ở một chỗ trọ từ thời sinh viên đến khi cưới vợ sinh con - Ảnh 6.Rời phố về quê: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?

Rời Hà Nội vào Sài Gòn rồi quay lại Hà Nội, sau đó tiếp tục rời Hà Nội về quê nhà sau 20 năm gắn bó, tôi nhận ra một điều: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên