22/03/2023 09:00 GMT+7

Khởi nghiệp với khát vọng không để người dân 'hơi chút là đi viện'

Đó là ý tưởng ban đầu của thầy trò Nguyễn Hoàng Phúc tại Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Skin Dectective Khởi nghiệp với ước mơ giúp người dân hạn chế đi viện - Video: TRƯƠNG KIÊN - ANH THƯ - CÔNG TUẤN

Và sản phẩm từ ý tưởng ngày ấy giờ đây là Skin Detective - một ứng dụng (app) di động tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty Medical AI có khả năng tự động phân tích các tình trạng da và các bệnh về da, kết nối người dùng với bác sĩ da liễu cho chẩn đoán từ xa.

Hiện app Skin Detective đang thực hiện sứ mệnh như một trợ lý hỗ trợ cung cấp thông tin chứ không phải khám bệnh từ xa. Thông qua app, người bệnh sẽ được kết nối với bác sĩ để nhận tư vấn và đặt lịch hẹn khám.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc (đồng sáng lập và quản lý chung Công ty Medical AI)

Lấy đà từ những cuộc thi

Nguyễn Hoàng Phúc - đồng sáng lập và Quản lý chung Công ty Medical AI - Ảnh QUANG ĐỊNH

Nguyễn Hoàng Phúc - đồng sáng lập và Quản lý chung Công ty Medical AI - Ảnh QUANG ĐỊNH

Nhận thấy ở Việt Nam, một vấn đề về da là mụn luôn được nhiều bạn trẻ quan tâm, thầy trò quyết định làm ra một app nhằm đáp ứng nhu cầu tham vấn và liên hệ chữa trị mụn.

Đầu tháng 1-2020, thầy trò bắt đầu lập Công ty Medical AI, bắt đầu với ba bộ phận nhân sự chính: nhóm chuyên môn da liễu lâm sàng gồm bốn bác sĩ từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khoa y - Đại học Quốc gia TP.HCM và Bệnh viện Da liễu TP.HCM; một nhóm về công nghệ thông tin - AI gồm các sinh viên khoa kỹ thuật y sinh và khoa công nghệ thông tin; và một nhóm phụ trách quản lý - hành chính.

Sau đó, nhóm mang công trình đang nghiên cứu này tham dự một cuộc thi về AI của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - HAI 2020 và đoạt giải khuyến khích. 

"Việc tham dự cuộc thi này giúp ích nhiều trong việc thành lập công ty, vì qua đó chúng tôi đo lường khảo sát được nhu cầu và thị hiếu người dùng, đồng thời phân loại được đối tượng mục tiêu để tập trung nghiên cứu phát triển vào đó", anh Nguyễn Hoàng Phúc - đồng sáng lập và quản lý chung của Công ty Medical AI - chia sẻ.

Với số vốn thành lập ban đầu không nhiều, chỉ khoảng 50 triệu đồng, được nhóm huy động từ các cá nhân và cả tiền thưởng từ các cuộc thi như trên. Thông qua quan hệ của nhóm cũng như từ việc xuất hiện tại các cuộc thi, nhóm cũng có được sự hỗ trợ từ bên ngoài ít nhiều, chẳng hạn một quỹ đầu tư bên Úc hỗ trợ 200 triệu đồng để giúp nhóm phát triển.

Giúp người dùng đỡ phải "đi viện"

Người dùng scan da thông qua app Skin Detective - Ảnh: ĐTCC

Người dùng scan da thông qua app Skin Detective - Ảnh: ĐTCC

"Nhiều người bị bệnh thông thường về da hoặc chỉ muốn tham khảo sơ lược về tình trạng của mình nhưng thường đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để khám. Điều này vừa mất thời gian người đi khám, vừa mất thời gian của bác sĩ và không gian của bệnh viện. 

Xuất phát từ ý tưởng làm sao để dân tình đỡ phải "hơi chút là đi viện" vì những vấn đề như thế, chúng tôi muốn giúp họ có thể chẩn đoán da nhanh hơn, không cần tới các cơ sở y tế. Điều này đặc biệt càng có ý nghĩa với người dùng ở những nơi xa xôi, những vùng nông thôn hay hải đảo khó tiếp cận", Phúc cho hay.

App Skin Detective giúp người dùng tự động phát hiện các bệnh về da thông qua việc tải app về, ấn vào nút scan mặt hoặc scan các vùng da trên cơ thể đang cần xem xét. Từ hình ảnh scan đó, app với công nghệ AI sẽ cung cấp thông tin về các khả năng mắc bệnh lý của da, sau đó giúp kết nối với tệp các bác sĩ da liễu là đối tác của Medical AI. Người dùng có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc cơ sở y tế ngay trên app khi có nhu cầu.

"App giúp phát hiện được các bệnh về mụn chính xác tới 85%, còn các bệnh lý khác như chàm hay vảy nến thì độ chính xác khoảng 80%. Riêng tính năng phát hiện bệnh lý chàm và vảy nến vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đối soát với bác sĩ trước khi đưa ra công bố chính thức cho người dùng sử dụng", Phúc cho hay.

Được biết, hiện tại đã có hơn 1.000 lượt người dùng tải app về. Để có được người dùng, Medical AI có hai hướng tiếp cận: một là đội ngũ đi khảo sát người dùng và mời dùng thử một thời gian rồi nhận ý kiến phản hồi, hai là thông qua các biện pháp marketing và truyền thông cũng như tham gia các cuộc thi.

"Mục tiêu năm 2023 chúng tôi hy vọng có được 5.000 người dùng, tới năm 2024 kỳ vọng đạt 20.000 người dùng. Hiện nhóm vẫn tập trung hoàn thiện sản phẩm, thu hút người dùng từng bước chứ không ồ ạt", Phúc chia sẻ.

Medical AI dự kiến thu phí app từ cuối năm nay, sau khi hoàn thiện công nghệ phát hiện thêm bệnh lý chàm và vảy nến để tư vấn và cung cấp trợ lý ảo hỗ trợ chăm sóc người dùng trong việc điều trị bệnh ngoài da

Ngô Tuấn An, một người dùng app, cho hay AI của app phân tích khá chính xác, đánh giá khá đúng về tình trạng da. 

"Cần bổ sung thêm tính năng lấy thông tin loại da (da dầu, da khô, da hỗn hợp...). Phần blog cũng cần có thêm những bài viết về chăm sóc phù hợp với từng loại da. App cần bổ sung thêm việc đăng nhập đa dạng hơn như bằng Facebook", An phản hồi.

Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt làm diễn giả

Năm nay, talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp" dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4-2023, với chủ đề "Trong khủng hoảng tìm thấy cơ hội?". Ngài Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt - là một trong những diễn giả chính của chương trình. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ cho các start-up tiêu biểu cũng sẽ diễn ra ngay sau đó.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. BTC sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, IDICo, GIBC, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Vietnam Golf..., trong đó tiếp tục có một suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn với trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.

MINH HUỲNH

Tuổi trẻ Start-Up Award 2023: Đừng để người dân 'hơi chút là đi viện' - Ảnh 5.

Start-up của Nhật yêu cầu người xin việc biết dùng ChatGPTStart-up của Nhật yêu cầu người xin việc biết dùng ChatGPT

Ứng viên sẽ phải tương tác với chatbot do OpenAI phát triển trong bài kiểm tra đầu vào, theo báo The Straits Times.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên