09/06/2020 10:30 GMT+7

Khai thác tốt EVFTA để không 'uống nước đục'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - "EVFTA (Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam) không phải là con đường cao tốc miễn phí, và chúng ta phải trả phí cho quá trình này" - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Khai thác tốt EVFTA để không uống nước đục - Ảnh 1.

Lễ ký kết EVFTA vào ngày 30-6 tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một người bạn làm tư vấn xuất nhập khẩu chia sẻ câu chuyện khách hàng của anh rất vui vì trong mùa COVID-19 lại nhận được đơn đặt hàng "khủng" may đồ bảo hộ lao động từ đối tác Thụy Điển, với yêu cầu một container/tháng và đơn hàng quanh năm. Thế nhưng mọi chuyện không đơn giản...

Khi bắt tay trực tiếp làm đơn hàng, chủ doanh nghiệp đã phải rảo từ Nam ra Bắc để tìm nhà cung cấp vải có giá cạnh tranh như khách yêu cầu. "Chúng tôi như bỏ cuộc đến nơi rồi, cho đến khi tìm được nhà cung cấp vải từ Trung Quốc với mức giá tốt". 

Nhưng vị doanh nhân này vẫn lo ngại việc chưa đáp ứng yêu cầu "từ vải trở đi" mà EVFTA (Hiệp định tự do thương mại châu Âu - Việt Nam) đặt ra, tức là vải phải có xuất xứ Việt Nam. Không được hưởng giảm thuế từ hiệp định, hàng Việt Nam không còn cơ hội.

Thật vậy, "EVFTA không phải là con đường cao tốc miễn phí, và chúng ta phải trả phí cho quá trình này" - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đại biểu Thái Bình) nói trước khi bấm nút thông qua hiệp định, để thấy rằng để tận dụng hiệu quả cam kết, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi nhằm nâng tầm chất lượng, thương hiệu sản phẩm khi bán hàng cho người châu Âu.

Tham gia góp ý cho đàm phán về những cam kết với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - từng chia sẻ rằng dù doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ nguồn nguyên liệu, nhưng không vì thiếu vải mà ta phải chăm chăm đầu tư sản xuất vải. 

Ông nói, sự phát triển của ngành dệt may phải dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhìn tổng thể chuỗi cung ứng và xem thực lực sức khỏe để tính toán đầu tư sao cho hợp lý.

Đó là một cách nhìn khác, khi người hưởng lợi không chỉ nhắm đến việc đáp ứng yêu cầu một cách có chọn lọc những gì mà hiệp định đặt ra để hưởng thuế. Mục tiêu tối thượng của một ngành trong hội nhập và phát triển là đầu tư gì để ngành có thêm năng lực cạnh tranh, chứ không đơn thuần đầu tư để đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm hưởng thuế thấp. Bởi nếu chỉ đơn thuần đáp ứng yêu cầu "từ vải trở đi" và doanh nghiệp đua nhau đổ tiền đầu tư vải thì có thể dẫn tới nguy cơ thua lỗ. Đó không phải là chiến lược đúng đắn khi lựa chọn thế mạnh để cạnh tranh.

Những câu chuyện trên cho thấy sau khi kỳ công để có được EVFTA, lúc này chúng ta phải suy nghĩ nát óc để có thể khai thác tốt nhất EVFTA mà không bị "uống nước đục" hoặc tự làm khó mình bởi các quyết định không cân nhắc trước sau. Nếu chúng ta cứ máy móc đầu tư khép kín để đáp ứng điều kiện miễn thuế, không khéo lợi bất cập hại.

Đấy chính là thử thách cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn còn hạn chế về thông tin để có thể chọn cho mình hướng đi đúng khi tham gia khai thác các lợi ích từ EVFTA mang lại.

EU kiểm soát dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam EU kiểm soát dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam

TTO - Theo Bộ Công thương, quy định kiểm soát dịch bệnh của Liên minh Châu Âu (EU) trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU, nhưng có thể ảnh hưởng đến hoạt động luân chuyển hàng hóa giữa hai bên.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên