06/04/2023 08:42 GMT+7

Kết tội ông Trump được không?

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vô tội khi trình diện tòa vào ngày 4-4 ở New York (Mỹ) và bị cáo buộc 34 tội danh liên quan vụ "bịt miệng" nữ diễn viên phim khiêu dâm nhiều năm trước.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và nhóm luật sư tại buổi nghe cáo trạng tại tòa án ở New York ngày 4-4 - Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và nhóm luật sư tại buổi nghe cáo trạng tại tòa án ở New York ngày 4-4 - Ảnh: Reuters

Buổi đọc cáo trạng thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận khi đây là lần đầu tiên một cựu tổng thống Mỹ bị truy tố hình sự.

Dấu hỏi ở "tội danh thứ hai"

"Che đậy vi phạm còn tệ hơn vi phạm", đây có thể là câu nói diễn tả cô đọng nhất về vụ truy tố ông Trump. Trong cáo trạng công bố sát lúc ông Trump ra tòa, ông bị cáo buộc 34 tội danh về gian lận sổ sách, tất cả đều là tội nhẹ. 

Nhưng theo luật New York, ông Trump đối mặt khả năng bị tội nặng nếu công tố viên chứng minh được ông đã phạm các tội danh trên nhằm che đậy cho một tội danh thứ hai.

Trọng tâm của 34 tội này liên quan tới vụ việc liên đới hai người: ông Micheal Cohen - từng là luật sư riêng của ông Trump, và bà Stormy Daniels - nữ diễn viên phim người lớn. Bà này tuyên bố đã ngủ với ông Trump trước khi ông làm tổng thống Mỹ. 

Ông Cohen được cho là đã nghe theo chỉ đạo của ông Trump chi 130.000 USD để "bịt miệng" bà Daniels khi ông Trump đang tranh cử tổng thống Mỹ 2016.

Phát biểu sau buổi đọc cáo trạng, công tố viên quận Manhattan, ông Alvin Bragg, khẳng định ông Trump đã làm giả số liệu kinh doanh nhằm che giấu khoản tiền phải trả ông Cohen.

Vấn đề mấu chốt hiện nay là việc che giấu số tiền trả cho ông Cohen có đúng là nhằm che đậy một tội khác không, cụ thể ở đây là nhằm "bịt miệng" bà Daniels để không mất uy tín khi tranh cử. Trong tuyên bố, cáo trạng viết những người liên quan trong vụ việc đã "vi phạm luật bầu cử", và đây có thể xem là "tội danh thứ hai".

Ông Bragg không nêu chi tiết cũng như cơ sở pháp lý và lập luận cho việc quy tội nặng cho ông Trump. Điều này khiến một số chuyên gia thất vọng, dù theo luật, đây là giai đoạn đọc cáo trạng và công tố viên không cần nêu các chi tiết khác ngoài những cáo buộc đơn thuần.

Nguồn: Axios - Dữ liệu: Nhật Đăng - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: Axios - Dữ liệu: Nhật Đăng - Đồ họa: TUẤN ANH

Hai khó khăn cho ông Bragg

Chiến thuật của công tố viên trong vụ ông Trump hiện nay được hiểu như sau: (1) chứng minh ông Trump làm giả sổ sách kinh doanh trong các khoản chi cho ông Cohen; (2) chứng minh việc chi tiền "bịt miệng" ấy nhằm phục vụ cuộc tranh cử 2016 - tức vi phạm luật bầu cử; (3) che đậy vi phạm bằng một vi phạm khác, vì vậy phải kết án tội nặng (felony).

Hiện tại chưa rõ Văn phòng công tố viên Manhattan còn giữ lại những bằng chứng thuyết phục nào, nhưng ông Bragg và các cộng sự sẽ phải xử lý hai vấn đề.

Thứ nhất, ông Trump bị cáo buộc chỉ đạo chi tiền "bịt miệng" vào cuối năm 2016, tức trong giai đoạn tranh cử. 

Một số thông tin cũng nói ông Trump cố gắng nhắn nhủ ông Cohen chi cho bà Daniels sau bầu cử, vì nếu bại lộ cũng không nhiều rắc rối. 

Tuy nhiên kể cả khi việc này xảy ra lúc đang tranh cử, công tố viên cũng cần chứng minh ông Trump hành động "vì lợi ích bầu cử".

Để né tội danh, ông Trump hoàn toàn có thể lấy lý do chi tiền để không bị tổn hại danh tiếng cá nhân và gia đình chứ không liên quan tới bầu cử.

Hãng tin AP dẫn lại trường hợp của cựu thượng nghị sĩ John Edwards bên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2008. 

Ông này từng bị cáo buộc chi gần 1 triệu USD trong quỹ đóng góp cho chiến dịch tranh cử nhằm che giấu vụ người tình mang thai. 

Khi đó, ông Edwards lập luận khoản chi trên là vấn đề cá nhân, nhằm để giấu vợ chứ không liên quan tới bầu cử, và ông được tha bổng.

Hiện nay phe Cộng hòa khẳng định vụ truy tố ông Trump chỉ là màn tấn công đối thủ chính trị của phe Dân chủ, nên "án lệ" của ông Edwards có thể được lấy ra để cáo buộc một "tiêu chuẩn kép" nào đó.

Vấn đề thứ hai thuộc về pháp lý. Nếu ông Bragg thực sự cho rằng ông Trump khai gian sổ sách nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử, rắc rối sẽ nảy sinh khi bản thân vị công tố viên này không có thẩm quyền với luật pháp liên bang. Những chi tiết tiếp theo, bao gồm kỳ vọng về các lập luận và bằng chứng cụ thể mà ông Bragg chưa công bố, sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

Sẽ không ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử?

Theo Đài CNN, các công tố viên cho biết sẽ công bố các kết quả điều tra trong 65 ngày tới. Đội ngũ luật sư của ông Trump có thời hạn tới 8-8 để trình kiến nghị, công tố viên sẽ hồi đáp vào ngày 19-9.

Theo thẩm phán Juan Merchan tại tòa New York, ông sẽ công bố quyết định đối với các kiến nghị ấy trong phiên điều trần tiếp theo vào ngày 4-12.

Nhìn chung, việc xét xử ông Trump sẽ kéo dài vài tháng và nhiều khả năng không trực tiếp ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử 2024.

Ngay sau khi đến tòa và trở về Florida, ông Trump đã tổ chức họp báo và tuyên bố "chưa từng bao giờ nghĩ rằng có việc như vậy (tiến trình truy tố ông) xảy ra ở nước Mỹ", cho rằng "cái "tội" duy nhất của tôi là đã cam kết bảo vệ một cách không sợ hãi đất nước của chúng ta khỏi những kẻ tìm cách hủy hoại nó".

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCathy khẳng định Quốc hội sẽ buộc ông Alvin Bragg chịu trách nhiệm về việc "vũ khí hóa chính trị" khi truy tố ông Trump.

Phiên tòa kế tiếp xét xử ông Trump diễn ra khi nào?Phiên tòa kế tiếp xét xử ông Trump diễn ra khi nào?

Ngày 4-4, các công tố viên quận Manhattan nói với thẩm phán Juan Merchan của Tòa án Tối cao New York rằng họ muốn phiên tòa xét xử cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được lên lịch vào tháng 1-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên