Theo Đài Sputnik, phát biểu với các phóng viên tại cuộc tập trận trong ngày 28-10, chỉ huy Lực lượng lục quân Iran, Kioumars Heydari, tuyên bố lực lượng lục quân “đã đặt ngón tay vào cò súng” và sẵn sàng đáp trả “bất kỳ mối đe dọa nào, tại bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ quy mô nào và trong thời gian ngắn nhất có thể”.
Ông Heydari nhấn mạnh cuộc tập trận là “một cuộc diễn tập huấn luyện để ứng phó với các mối đe dọa bất ngờ” và nhằm truyền tải “một thông điệp về hòa bình và hữu nghị, đặc biệt là với các nước láng giềng, đồng thời thể hiện sức mạnh của Cộng hòa Hồi giáo Iran trước kẻ thù”.
Cuộc tập trận được tổ chức trên khắp tỉnh Isfahan ở miền trung Iran, có sự tham gia của tất cả các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy lục quân, bao gồm các cuộc diễn tập xe tăng quy mô lớn cũng như việc sử dụng một loạt thiết bị cùng vũ khí mới và nâng cấp, trong đó có Shafaq (tên lửa không đối đất), Almas và Dehlaviyeh (tên lửa chống tăng có điều khiển).
Tên lửa này được bắn vào các mục tiêu cách đó 8-20km.
Cuộc tập trận cũng bao gồm các cuộc xuất kích vào ban đêm với sự tham gia của các máy bay được trang bị hệ thống quan sát xuyên đêm, gây nhiễu radar và tên lửa tầm xa.
Một phiên bản hoạt động trên máy bay trực thăng của tên lửa hành trình chống thiết giáp và phá hầm ngầm Heidar, được dẫn đường bằng GPS đã được bắn thử, tên lửa mang đầu đạn nặng 20kg bắn trúng mục tiêu thông thường cách đó khoảng 30km.
Ngoài ra, lục quân Iran còn thử nghiệm Sina và Fateh, hai máy bay không người lái (drone) mang bom, đạn tự sản xuất trong nước.
Trong khi drone chiến thuật đa chức năng Ababil-4 cũng thả bom lượn thông minh Qaem-5 xuống các mục tiêu cách đó 7km.
Theo truyền thông Iran, Fath 360, một tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn dẫn đường bằng vệ tinh và tên lửa đạn đạo Fajr-3, cũng đã được phóng trong cuộc tập trận, với tầm hoạt động 120-180km.
Sự leo thang kịch tính trong khu vực ở Trung Đông - sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7-10 vào miền nam Israel và vụ bắn phá Gaza của Israel - đã tập trung sự chú ý của toàn cầu vào phản ứng của Iran đối với cuộc khủng hoảng, do sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước.
Cộng hòa Hồi giáo Iran có một trong những căn cứ công nghiệp quân sự quốc gia lớn nhất và toàn diện nhất ở Trung Đông, bao gồm khả năng sản xuất drone, tên lửa, radar và thiết bị điện tử quốc phòng.
Trong quá khứ, Iran đã nhiều lần biểu thị sức mạnh quân sự cùng ý chí bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình. Chẳng hạn như bắn drone do thám của Mỹ trị giá 220 triệu USD năm 2019 khi nó xâm nhập không phận Iran.
Trong cuộc chiến Israel - Hamas, theo Đài Sputnik, thay vì làm gia tăng căng thẳng, Iran đã cùng với Nga, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và các cường quốc khác kêu gọi ngừng ngay lập tức cuộc chiến.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nói với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong một cuộc họp hôm 27-10 rằng Iran sẵn sàng ủng hộ bất kỳ giải pháp chính trị nào nhằm ngăn chặn cuộc chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận