Ngày 15-5, lực lượng cứu hộ Indonesia vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm nhiều người còn mất tích do mưa lũ nghiêm trọng vào cuối tuần qua, cuốn trôi nhà cửa và cướp đi sinh mạng của 67 người.
Để hỗ trợ công tác cứu hộ, lực lượng không quân Indonesia đã được điều động để bắn các tinh thể muối vào các đám mây, giải phóng nước trước khi tiếp tục gây mưa tại các khu vực bị lũ quét tàn phá.
Phương pháp này được gọi là "gieo hạt" trên mây để ngăn mưa đến các vùng lũ lụt, từ đó làm thay đổi thời tiết.
Lực lượng không quân Indonesia đã kết hợp với Cơ quan Công nghệ Indonesia (BPPT) thực hiện ba đợt "gieo hạt" trên mây vào ngày 15-5, sử dụng khoảng 15 tấn muối. Tất cả đám mây gây mưa di chuyển về phía các vùng lũ lụt ở Tây Sumatra sẽ được phân nhỏ bằng muối.
Trước đó, mưa xối xả kéo dài nhiều giờ vào ngày 11-5 khiến bùn và đất đá chảy vào các khu vực gần một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất Indonesia, phá hủy nhiều nhà cửa, gây hư hại đường sá và các đền thờ Hồi giáo.
Theo giới chức Indonesia, nguyên nhân gây ra lũ quét tại khu vực chân núi Marapi, Tây Sumatra là do cường độ mưa quá lớn, tập trung trong thời gian ngắn, cùng với địa hình dốc. Thêm vào đó, dòng dung nham của núi lửa Marapi, tồn tại từ lâu do những lần phun trào trước đó, cũng góp phần khiến trận lũ thêm tồi tệ.
Dù không còn nóng nữa nhưng khi mưa lớn kéo dài, nước đã cuốn dung nham trở thành lũ bùn hay còn gọi là lũ dung nham lạnh.
Trao đổi với báo giới, người đứng đầu Cơ quan Ứng phó và Giảm nhẹ thiên tai quốc gia, trung tướng Suharyanto cho biết một số người mất tích đã được tìm thấy, tuy nhiên hiện vẫn còn 20 người mất tích, trong khi số người thiệt mạng đã tăng từ 58 lên 67 người.
Lực lượng cứu hộ cho biết nhiều thi thể được tìm thấy trong hoặc xung quanh các con sông sau khi bị nước lũ cuốn trôi. Thiết bị hạng nặng đã được triển khai để dọn bùn đất từ những khu vực bị ảnh hưởng do lũ lụt và dòng dung nham lạnh.
Ước tính hơn 3.300 người đã phải sơ tán khỏi các khu vực bị ảnh hưởng.
Lũ lụt trầm trọng vì phá rừng
Indonesia thường xuyên hứng chịu các vụ sạt lở đất và lũ lụt trong mùa mưa. Năm 2022, khoảng 24.000 người đã phải sơ tán và 2 trẻ em thiệt mạng do lũ lụt trên đảo Sumatra.
Theo các nhà bảo vệ môi trường, tình trạng lũ lụt và lở đất tại hòn đảo này đang trở nên trầm trọng hơn do nạn phá rừng lấy gỗ.
Rừng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Nước mưa rơi xuống vùng có rừng bị giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, do đó, lượng dòng chảy do mưa trong mùa lũ giảm đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận