04/09/2021 22:24 GMT+7

Huyện Củ Chi là cơ sở thay đổi chiến lược phòng dịch ở TP.HCM sau ngày 15-9

KIM ÚT
KIM ÚT

TTO - Tại buổi làm việc với huyện Củ Chi chiều 4-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá "những kết quả ở Củ Chi đến giờ này là cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược chống dịch ở TP.HCM".

Huyện Củ Chi là cơ sở thay đổi chiến lược phòng dịch ở TP.HCM sau ngày 15-9 - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc - Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Chiều 4-9, đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Huyện ủy Củ Chi về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tham gia cùng đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ông Nguyễn Quyết Thắng - bí thư Huyện ủy Củ Chi.

Theo Bí thư Thành ủy, hiện nay TP.HCM đang tính toán để có thể bổ sung, thay đổi chiến lược trong giai đoạn tới. "Có thể khẳng định rằng những kết quả ở Củ Chi đến giờ này là cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng chống dịch ở TP.HCM", ông Nên nói.

Ông Nên đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM chọn huyện Củ Chi và quận 7 là hai mũi đột phá, thí điểm cho kịch bản bình thường mới của TP.HCM sau ngày 15-9.

Đối với huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy đề nghị chuẩn bị kịch bản từ nay đến trước ngày 15-9, trong đó cần quan tâm truyền thông để mọi người phấn khởi với kết quả đã đổi bằng mồ hôi, công sức. Cần trân trọng, giữ gìn, tuyệt đối không được thỏa mãn, không được chủ quan, lơ là vì dịch còn diễn biến phức tạp.

"Huyện cần vận động người dân không chủ quan trong phòng chống dịch", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Nên, cần tập cho người dân có thói quen sống chậm lại, luôn cảnh giác, thực hiện khuyến cáo mới của Bộ Y tế, 5K, vắc xin, thuốc… Thậm chí 7K cũng không thừa; 3T là tự phát hiện, tự cách ly và tự chăm sóc. Người dân cần biết cách chăm sóc mình. Như thế, phải tập tâm thế sống trong điều kiện có dịch, để có sức vượt qua được đúng với vai trò của người chiến sĩ chiến đấu tự lực cánh sinh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, củng cố hệ thống y tế đủ sức, duy trì trung tâm y tế, củng cố y tế cộng đồng đủ mạnh để khi người dân tự test, phát hiện báo thì có người tư vấn, hướng dẫn kịp.

Đồng thời, Củ Chi cần tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, cố gắng hỗ trợ, không để thiếu ăn, thiếu mặc. Tăng cường cảnh giác trước các âm mưu của kẻ xấu về vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả - rất nguy hiểm. Thông tin giả - bịa đặt làm hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: "TP.HCM đã trải qua 3 tháng căng mình chiến đấu, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng, đến lúc này cần tính toán thế nào cho cụ thể, hiệu quả.

Do đó, Củ Chi cần chủ động, sáng tạo, năng động, quyết liệt, để tiếp tục là một trong những ngọn cờ đi đầu, tạo ra những giải pháp mới phù hợp hơn nữa, góp phần cùng TP.HCM trên chặng đường trở lại cuộc sống mới trong điều kiện còn có dịch".

Dịp này, đoàn công tác đã trao quà cho 21 xã, thị trấn thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Báo cáo tại buổi làm việc, chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết đến nay huyện đã cơ bản kiểm soát được dịch. Hiện có 14 xã, thị trấn "vùng xanh", 3 xã "vùng cận xanh", 3 xã "vùng vàng", 1 xã "vùng cam".

Về công tác tiêm vắc xin, chủ tịch UBND huyện cho biết toàn huyện đạt vượt chỉ tiêu và tiến độ thời gian đề ra. Tính đến ngày 31-8, toàn huyện tiêm chủng đạt 93,32%, vượt 23,32% so với chỉ tiêu TP đề ra.

Đối với xét nghiệm, đến nay huyện đã xét nghiệm đạt 300% qua 3 vòng vùng "đỏ, cam, vàng"; đạt 100% "vùng xanh" và đang xét nghiệm vòng 2 đối với "vùng xanh".

Riêng về công tác điều trị F0 tại các khu thu dung được nâng cao và hoàn thiện từng bước về chăm lo sức khỏe tinh thần và thể chất, qua đó hạn chế thấp nhất trường hợp chuyển biến nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh đó, huyện cải tạo, sửa chữa và đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Củ Chi số 1 với quy mô 200 giường, trang thiết bị hiện đại, không sử dụng ngân sách nhà nước, với kinh phí vận động hơn 30 tỉ đồng.

"Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc, điều trị kịp thời các trường hợp chuyển nặng mức độ vừa và trung bình từ các khu cách ly tập trung của huyện, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên của TP", bà Phạm Thị Thanh Hiền nói.

Về công tác an sinh xã hội, bà Phạm Thị Thanh Hiền cho biết huyện tiếp tục triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng và không bỏ sót đối tượng, đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân và chăm lo tốt cho các hộ khó khăn, với phương châm "người có lo cho người khó, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị thiếu đói".

Quận 7 và huyện Củ Chi công bố: Cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 Quận 7 và huyện Củ Chi công bố: Cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19

TTO - Ngày 2-9, ở hội nghị sơ kết 15 ngày ra quân thần tốc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn theo các tiêu chí của Bộ Y tế.

KIM ÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên