03/07/2023 14:58 GMT+7

Hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng: Bạn đọc đề nghị trả tiền lại cho người bị 'ép' mua

Xung quanh kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng sau năm thứ nhất lên đến 73%, nhiều bạn đọc cho rằng đó là chứng minh cho thấy thị trường mua bán bảo hiểm có vấn đề.

Bộ Tài chính kết luận: Bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm - Ảnh khách hàng nghe tư vấn về gói bảo hiểm sức khỏe đi kèm với bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: T.T.D.

Bộ Tài chính kết luận: Bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm - Ảnh khách hàng nghe tư vấn về gói bảo hiểm sức khỏe đi kèm với bảo hiểm nhân thọ - Ảnh: T.T.D.

Như Tuổi Trẻ phản ánh, Bộ Tài chính vừa có thông báo về kết luận thanh tra bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là qua ngân hàng) tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Đó là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas ở thời kỳ năm 2021 và các thời kỳ có liên quan.

Thông tin về kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nói trên, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc bán bảo hiểm qua ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Trước đây báo Tuổi Trẻ đã có loạt bài điều tra về việc một số ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm, qua kết luận này "hé lộ" thực tế là sau khi vay cho được (phải mua bảo hiểm) thì người mua sẽ hủy hợp đồng bảo hiểm đó vì không có nhu cầu, họ chấp nhận thiệt hại một ít để vay cho được.
Bạn đọc BÌNH MINH

Cho rằng là nạn nhân bị ép mua bảo hiểm sau khi vay vốn ngân hàng, nhiều bạn đọc bức xúc kể lại câu chuyện của bản thân.

"Tôi là người bị ép mua 2 gói bảo hiểm khi vay vốn ở Ngân hàng BIDV. Anh tôi bị ép mua 1 gói trị giá 20.296.000 đồng, đa số những người vay vốn đều thuộc diện khó khăn mới đi vay ngân hàng, vậy mà tư vấn ép người ta mua gói cao ngất ngưởng để lấy chỉ tiêu và %, sau đó không có khả năng theo đuổi thì hợp đồng bị hủy hiệu lực và người mua mất trắng" - bạn đọc Yến viết.

Cùng số phận, bạn đọc Hoa Hồng bổ sung: "Tôi bị ép mua bảo hiểm của MB rồi mới giải ngân vay mua nhà. Mua cái nhà để chui ra chui vô, nợ còng lưng đã khổ rồi, còn gánh thêm 20 triệu tiền phí bảo hiểm.

Tôi bảo khó khăn giờ chưa có tiền đóng nên đành chấp nhận cho cà thẻ tín dụng nữa. Thế là gánh thêm khoản nợ thẻ tín dụng cho phí bảo hiểm nữa. Không gì khổ bằng người đi vay tiền, đúng thiệt".

Tương tự, bạn đọc Hai bức xúc: "Không mua bảo hiểm không cho vay, tỷ lệ hủy cao đã nói lên tất cả là bị ép mua. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hãy xem xét lại loại hình liên kết này, tại sao khách hàng tiền gửi không mua mà chỉ khách hàng vay?".

Không chỉ người vay mà người gởi tiền cũng bị một số nhân viên ngân hàng vô tâm "lừa", bạn đọc số điện thoại 0909******62, kể: "Tôi gửi tiền cũng bị tư vấn mua bảo hiểm liên kết đầu tư của OCB và Generali. Tôi đã quyết định hủy hợp đồng sau 1 năm khi biết rất nhiều thông tin liên quan bảo hiểm nhân thọ không minh bạch mập mờ".

Để người dân không bị mất tiền oan uổng, bạn đọc Yến đề nghị: "Nhà nước yêu cầu công ty bảo hiểm trả lại tiền cho khách hàng bị ép mua khi vay vốn ngân hàng tôi mới tâm phục khẩu phục, chứ cứ nêu ra rồi không giải quyết được gì thì chỉ tốn thời gian thôi".

Tiếp theo ý này, bạn đọc Tô Văn Vũ thêm vào: "Cần phải thu hồi số tiền đó lại, bởi vì có đủ căn cứ đây là hoàn toàn không tự nguyện. Các bên đã lợi dụng tình hình khó khăn của người vay để thu lợi".

Bạn đọc Thương Linh mong muốn được trả tiền lại, dù biết rằng việc này "rất mong manh và khó".

Về giải pháp lâu dài, nhiều bạn đọc đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc các công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng bán bảo hiểm.

Bạn đọc Nam Ho đề xuất: "Cần phải cấm triệt để việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, bởi vì đa phần khách mua bảo hiểm qua ngân hàng đều là dạng bị ép mua khi làm thủ tục vay vốn".

Không để giá trị tốt đẹp của bảo hiểm nhân thọ bị các công ty bảo hiểm và các ngân hàng bóp méo vì người mua nào cũng cảnh giác sợ lừa đảo, bạn đọc Đoàn Hòa đề nghị thẳng: "Để thị trường kinh doanh bảo hiểm được minh bạch và phát triển lành mạnh Bộ Tài chính nên cấm ngân hàng bán bảo hiểm vì nhân viên ngân hàng hầu hết không có nghiệp vụ về bảo hiểm, chưa qua đào tạo và được Bộ Tài chính cấp chứng nhận tư vấn bảo hiểm".

Thăm dò ý kiến

Để chấm dứt tình trạng "ép" người vay vốn mua bảo hiểm tại các Ngân hàng, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ Công an đặt nhiều vấn đề vụ gửi tiết kiệm bị "hô biến" thành bảo hiểm nhân thọBộ Công an đặt nhiều vấn đề vụ gửi tiết kiệm bị 'hô biến' thành bảo hiểm nhân thọ

Lãnh đạo Cục C03 cho hay cơ quan chức năng đang xác minh việc có hay không lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên