09/05/2016 09:07 GMT+7

Hút đầu tư, có nhà máy người lao động sẽ ở lại

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện (tridung@tuoitre.com.vn)
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện (tridung@tuoitre.com.vn)

TTO - Cấp bách thu hút đầu tư để giữ chân người lao động, TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP Cần Thơ đề xuất...

Anh Lâm Vuông (38 tuổi) lên TP.HCM làm thợ hồ đã được 4 tháng. Anh chia sẻ: “Sống bám vào cây lúa mà giờ nước ngập mặn hết, cực chẳng đã mới phải rời quê tha phương cầu thực kiểu này” - Ảnh: Duyên Phan
Anh Lâm Vuông (38 tuổi) lên TP.HCM làm thợ hồ đã được 4 tháng. Anh chia sẻ: “Sống bám vào cây lúa mà giờ nước ngập mặn hết, cực chẳng đã mới phải rời quê tha phương cầu thực kiểu này” - Ảnh: Duyên Phan

Cấp bách thu hút đầu tư để giữ chân người lao động, TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh TP Cần Thơ, đã đề xuất như vậy trước thực trạng người dân miền Tây di cư ồ ạt đến các địa phương khác tìm sinh kế (Tuổi Trẻ 6-5). Ông Dũng nói:

- Tình trạng nông dân miền Tây rời quê đến các nơi khác tìm sinh kế đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân chính là do người dân không có đủ công ăn việc làm tại chỗ. Những năm 1990, dân số ĐBSCL chiếm khoảng 22% dân số cả nước thì hiện nay còn khoảng 19,5%.

Theo dõi những số liệu người lao động đi ra khỏi vùng các năm qua cho thấy dường như những năm khó khăn về kinh tế người dân đi nhiều hơn. Còn năm nay sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL hết sức khó khăn bởi thiên tai, hạn hán khốc liệt nên lao động di cư rời quê tìm sinh kế lớn hơn.

Ông Võ Hùng Dũng - Ảnh: C.Quốc
Ông Võ Hùng Dũng - Ảnh: C.Quốc

 

Đã cấp bách lắm rồi

* Để có thể níu chân nông dân, giải quyết bài toán di dân ồ ạt, liệu thu hút đầu tư, tạo ra nhiều nhà máy để giải quyết công ăn việc làm cho dân có là giải pháp then chốt?

- Tôi nghĩ đặt vấn đề như vậy là hoàn toàn chính xác. Trước đây, các tỉnh trong vùng có làm không? Câu trả lời là có, nhưng trước đây tính cấp bách không rõ, không bị thúc ép nhiều. Một là lãnh đạo các tỉnh, thành quan niệm sản xuất nông nghiệp chúng ta tốt, luôn tăng trưởng rất đẹp, số liệu xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản che đi thực trạng, thậm chí nhiều khi không muốn báo thật, hoặc thấy nhưng cho rằng chưa tới mức độ cấp bách.

Dựa trên nền suy nghĩ này, khi nói về nông nghiệp, chúng ta luôn tự hào là thành tích xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, còn những dấu hiệu di chuyển dân số ra bên ngoài do không có công ăn việc làm thì được nhìn nhận phân tích đánh giá rất hời hợt, thậm chí không thèm nghe, không thèm để ý. Tương tự, chủ trương thu hút đầu tư thì tỉnh nào cũng muốn, nhưng cứ đủng đỉnh, chưa ai thấy được tính cấp bách.

Bây giờ, khi thấy nông dân rời bỏ ruộng đồng ồ ạt nên các tỉnh cấp bách muốn thu hút các nhà đầu tư để mở nhà máy, tạo việc làm cho nông dân thì nên nhìn lại địa phương đã đáp ứng những điều kiện gì để thu hút đầu tư? Muốn thu hút đầu tư thì điều kiện tiên quyết là phải có cơ sở hạ tầng tốt, làm sao cho nhà đầu tư cảm thấy đến đây đầu tư có nhân công tốt, làm ra sản phẩm tốt...

Các điều kiện này địa phương phải đáp ứng, chứ anh nói anh dư thừa lao động nhưng giờ người lao động không có, vườn trống, nhà bỏ hoang... Vậy thì tôi lập nhà máy ở đây giải quyết bài toán công ăn việc làm ra sao?...

* Theo ông, có thể kêu gọi đầu tư vào ngành nào khả thi nhất để giải quyết bài toán công ăn việc làm cho dân địa phương?

- Gần đây, ĐBSCL được đánh giá có cải thiện đáng kể về hạ tầng giao thông, có sân bay quốc tế Cần Thơ kết nối Hà Nội và các trung tâm TP lớn, đường bộ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM tới các địa phương như Cần Thơ chỉ còn 3 giờ, nên thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư. Cùng với điều kiện hạ tầng giao thông như vậy là một loạt dự án nhà máy điện ven biển, khu cảng, logistics...

Nhờ vậy, có thể kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào đây, đầu tư vào những ngành có thể giải quyết công ăn việc làm trước mắt như ngành may mặc sử dụng nhiều lao động.

Ưu đãi phải rất cụ thể

* Thời gian qua, các tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước, nhưng vì sao lượng doanh nghiệp về vùng này vẫn còn quá ít so với kỳ vọng, thưa ông?

- Lý thuyết trong thu hút đầu tư là dự án sẽ lấp đầy từ nơi dễ nhất tới nơi khó nhất. Nhưng nhìn lại công tác xúc tiến mời gọi đầu tư một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau thời gian qua, tôi thấy đang có nhiều hạn chế.

Ngoài các công trình của Chính phủ đầu tư ở đây thì công trình tư nhân đầu tư quy mô lớn chưa có nhiều. Công tác xúc tiến yếu, bên cạnh đó hạ tầng kết nối xuống các địa phương này cũng còn khó khăn. Thiếu hai điều kiện trên làm sao thu hút đầu tư, có trải thảm đỏ cũng không hơn được.

Bây giờ lãnh đạo các tỉnh nói “trải thảm đỏ” thì phải chỉ ra cụ thể rằng đến đây nhà đầu tư được ưu đãi cái gì, có ưu đãi gì trong việc tuyển dụng lao động. Rồi tỉnh sẽ có chương trình nào hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư trong việc đào tạo lao động để thích ứng như thế nào.

Vì lâu nay lực lượng lao động ở địa phương chủ yếu quen làm nghề bắt cá, mò cua, giờ chuyển sang lao động khác là doanh nghiệp phải bỏ chi phí ra đào tạo, nhưng tỉnh có hỗ trợ khoản này không?... Do vậy phải bằng những quyết định chính sách ưu đãi cụ thể thì mới thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn vào lập nhà máy.

Tỉ lệ di dân cao

Các số liệu thống kê cho thấy từ năm 2009-2010, mỗi năm khu vực ĐBSCL có khoảng 8,4% dân số di cư, tập trung ở các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... Công ăn việc làm khó khăn, không có dịch vụ, không có công nghiệp nên tỉ lệ di chuyển ra bên ngoài rất cao. Cụ thể, Cà Mau năm 2010, tỉ suất di cư thuần lên tới 27%. Còn Sóc Trăng, Bạc Liêu từ năm 2009-2010 đều có số lao động đi ra ngoài tỉnh trên 10%.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy năm 2013, tỉ lệ di dân của toàn vùng khoảng 4,3%, trong đó Bạc Liêu là 13,9%, Cà Mau 8,5%, Sóc Trăng 6,3%. Năm 2015 và từ đầu năm đến nay còn khốc liệt hơn, nhưng phải đợi đến hết năm nay hoặc năm sau nữa mới có con số thống kê này.

* Ông Trần Khắc Tâm (đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng):

Ông Trần Khắc Tâm - Ảnh: H.T.D.
Ông Trần Khắc Tâm - Ảnh: H.T.D.

Phải gỡ từng nút thắt cho doanh nghiệp

Tôi ủng hộ quan điểm kêu gọi doanh nghiệp về các tỉnh ĐBSCL để đầu tư, trong đó có Sóc Trăng, nhằm mang lại việc làm cho người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp khó có thể đến và ở lại nếu chỉ nghe lời kêu gọi, mà họ muốn nhìn thấy chính sách cụ thể, hành động cụ thể của lãnh đạo tỉnh và cả bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh. Muốn vậy, lãnh đạo phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhau ngồi bàn để tháo gỡ từng khó khăn, nút thắt một.

Tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quy hoạch lại toàn bộ vùng sản xuất ĐBSCL, buộc các địa phương trong khu vực phải ngồi lại với nhau để đánh giá tình hình, phân vùng sản xuất cho phù hợp.

Đồng thời với quy hoạch là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực phải thật sự tạo được chuyển biến tích cực. Có như vậy chúng ta mới hi vọng quá trình chuyển dịch kinh tế và giữ chân người lao động tại quê hương.

Ông Huỳnh Văn Thòn (tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời):

Ông Huỳnh Văn Thòn - Ảnh: Chí Quốc
Ông Huỳnh Văn Thòn - Ảnh: Chí Quốc

Cần phát triển công nghiệp chế biến

Ngoài việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nhà máy xí nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, tôi kiến nghị Chính phủ nên tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời phát triển đa ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, ở nông thôn vẫn phải duy trì, gầy dựng bộ phận nông dân tri điền trẻ nối tiếp công việc đồng áng, gắn bó với ruộng đồng. Đó là những nông dân có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất được trang bị khoa học kỹ thuật, biết cách làm ăn, có ý chí vươn lên và đủ sức làm chủ.

Ông Đào Sáu (51 tuổi, ngụ ấp Bàu Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang):

Ông Đào Sáu - Ảnh: K.Nam
Ông Đào Sáu - Ảnh: K.Nam

Ước gì quê mình cũng có hãng xưởng

Thanh niên trai tráng quê tui bỏ quê đi Sài Gòn, Bình Dương... làm mướn mấy năm rồi. Năm nay hạn hán gay gắt như vầy, người đi càng nhiều hơn. Tụi nó gọi điện về dặn tui chừng nào mưa xuống nhớ cho hay để về làm vụ lúa kiếm gạo ăn.

Nhà tui có sáu đứa vừa con, dâu, rể đều dắt nhau đi Bình Dương làm nhà máy. Ba đứa con tụi nó để lại cho tui giữ. Bà xã tui cũng theo lên trển để phụ nấu cơm, đi chợ, coi nhà cho mấy đứa trẻ đi làm. Xa nhà vui sướng gì, bỏ con lại nheo nhóc, cảnh nghèo mới phải đi. Nông dân như tụi tui cứ ao ước quê mình có đường sá rộng rãi, có nhà máy, hãng xưởng... để lúc nông nhàn thì đi mần kiếm thêm tiền.

Chị Thạch Thi Sa Vết (40 tuổi, ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng):

Chị Thạch Thi Sa Vết - Ảnh: T.Trang
Chị Thạch Thi Sa Vết - Ảnh: T.Trang

Mong có chỗ làm gần nhà, gần con

Sở dĩ tui phải đi tận Bình Dương tìm việc vì trên đó dễ tìm việc hơn, lên là có việc làm liền, không phải đợi lâu mất thời gian. Một buổi, tui phụ người ta đi phơi khô, buổi chiều thì đi giúp việc nhà. Chịu khó tằn tiện một chút, hằng tháng cũng gởi về cho mẹ và hai đứa nhỏ được hơn 1 triệu đồng, đủ sống qua ngày.

Tui đâu muốn bỏ nhà, bỏ con lại để đi xa làm ăn. Ở nhà không có công ăn chuyện làm, không có tiền còn khổ hơn. Phải chi gần nhà có công ty, xí nghiệp để làm công nhân ổn định lâu dài thì hay quá, lương ít chút cũng được nhưng gần nhà, gần con, đi lại cũng dễ dàng hơn.

H.T.DŨNG - Đ.VỊNH - T.TRANG - K.NAM ghi

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện (tridung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên