12/08/2021 08:48 GMT+7

Hơn 700.000ha lúa miền Tây chín rục, trái cây rẻ bèo thiếu người mua, gỡ gấp cách nào?

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Lúa hè thu chín rục đầy đồng, nhiều loại nông sản trái cây như nhãn, chuối, chanh, khóm... của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có giá rẻ bèo như cho, thậm chí rơi rụng đầy gốc mà không có thương lái đến mua.

Hơn 700.000ha lúa miền Tây chín rục, trái cây rẻ bèo thiếu người mua, gỡ gấp cách nào? - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG

Đó là thực tế đã và đang diễn ra mà nhiều người cho rằng chưa bao giờ nông dân vùng đất này gặp phải như vậy.

Nguyên nhân khiến lúa ế, trái cây không bán được ai cũng biết là do đứt gãy chuỗi cung ứng, tất cả các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt nhiều tỉnh thành lập chốt chặn nghiêm ngặt, với quy định lái xe và phụ xe, thương lái... phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được vào địa phương khiến cho việc lưu thông hàng hóa ách tắc, trong khi nhiều chợ đầu mối lớn và chợ truyền thống đồng loạt đóng cửa.

Cả vùng còn hơn 700.000ha lúa hè thu đang giai đoạn chín, dự kiến kết thúc thu hoạch vào giữa tháng 9 năm nay với sản lượng khoảng 4 triệu tấn; còn nông sản trái cây còn gần 1,1 triệu tấn cũng đang thu hoạch. 

Với lúa hè thu rớt giá, nông dân có thể nấn ná thu hoạch và có thể trữ vài tuần còn trụ được, nhưng các loại trái cây thì không thể trì hoãn, thu hoạch xong không có thương lái thì hư thối phải đổ bỏ.

Không thể tưởng tượng 1kg nhãn xuồng loại 1 vài tháng trước có giá 15.000 - 20.000 đồng (tại vườn) mà nay nông dân ở Cần Thơ chỉ bán với giá 8.000 đồng/kg; chanh ở Hậu Giang hay Vĩnh Long từ 8.000 - 10.000 đồng/kg thì hiện giờ cũng chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, vậy mà bán cũng không được.

Trước thực tế này, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương tìm cách gỡ khó cho nông sản. Tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thẳng thắn chỉ ra bất cập đó là: Thủ tướng nói các địa phương không được ngăn sông cấm chợ để hàng hóa thông thương, các tỉnh cũng nói việc lưu thông hàng hóa thông suốt hết, nhưng thực tế dưới xã, huyện không phải như vậy, dân khó khăn trăm bề. 

Ông đề nghị trước mắt các bên doanh nghiệp và chính quyền cùng ngồi lại bàn cách tháo gỡ, mỗi bên cần chia sẻ, chịu thiệt một chút để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Đáng mừng là ngay sau chỉ đạo điều hành của các bộ và Chính phủ, trong những ngày qua một số địa phương đã có các động thái vào cuộc như: kết nối tiêu thụ nông sản cho TP.HCM, các tỉnh miền Trung, bán hàng qua mạng, vận động đoàn thể giải cứu, bốn tỉnh thành An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đã thống nhất lập đường dây nóng để tháo gỡ khó khăn cho thương lái và nhân công vào mua hàng nông sản...

Đã đến lúc chuyện liên kết vùng cần được phát huy, các tỉnh phải ngồi lại cùng nhau gỡ khó cho nông sản của nông dân với quyết tâm chính trị cao nhất, phòng chống dịch không lơi lỏng nhưng cũng không được cứng nhắc, cát cứ và thiếu nhất quán ở các địa phương. 

Một bộ phận dựng lên hàng rào phong tỏa và nắm giữ chìa khóa, trong khi một bộ phận khác loay hoay đi tìm chìa khóa để mở thì vừa mất thời gian lại vừa tiêu tốn công sức, mà thiệt hại cuối cùng vẫn là nông dân phải gánh chịu.

Doanh nghiệp kêu khó vận chuyển nông sản vì mỗi nơi quy định một kiểu Doanh nghiệp kêu khó vận chuyển nông sản vì mỗi nơi quy định một kiểu

TTO - Nhiều doanh nghiệp về cung ứng, xuất khẩu lương thực, thực phẩm cho biết vẫn có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu trong việc kiểm soát phương tiện, một số chốt kiểm dịch hoạt động cứng nhắc và chậm cấp luồng xanh.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên