Đề xuất đúng luật vẫn nằm chờ
Ông Nguyễn Hữu Đường, chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình - chia sẻ tại tọa đàm tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội, được tổ chức sáng 31-5, tại Hà Nội.
Ông Đường nói: "Khi chúng tôi gửi hồ sơ lên TP Hà Nội đề xuất đưa hai khu đất của doanh nghiệp (số 393 đường Lĩnh Nam; và số 4-6-8 ngõ 321 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) để làm nhà ở xã hội theo quy định tại điều 57 Luật Nhà ở, TP Hà Nội đồng ý ngay và chuyển hồ sơ sang Sở Kế hoạch và đầu tư để giải quyết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hẹn 35 ngày đến giải quyết thủ tục cấp chủ trương đầu tư cho hai dự án, nhưng sau một vòng lấy ý kiến các sở, ngành, quận Hoàng Mai, và trình Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội thì có ý kiến cho rằng hai khu đất của Hòa Bình là đất vàng, đề nghị làm nhà ở thương mại".
Ông Đường không hiểu vì sao luật khuyến khích, thành phố có chủ trương nhưng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi từ đất xây nhà ở thương mại sang xây dựng nhà ở xã hội.
"Công ty chúng tôi phải chờ hơn 500 ngày, đến ngày 24-5-2023 mới được thành phố cấp chủ trương đầu tư nhà ở xã hội trên một lô đất, hy vọng lô đất còn lại cũng được TP Hà Nội chấp thuận", ông Đường cho biết thêm.
Sửa Luật Nhà ở để gỡ vướng
Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết có 4 nhóm vấn đề đang "làm khó" doanh nghiệp.
Đó là việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu đất nằm trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới. Theo luật thì nhà đầu tư phải dành 20% diện tích đất dự án nhà ở thương mại, đô thị để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định cứng nhắc dẫn tới các dự án nhà ở, khu đô thị có giá trị đầu tư cao, các dự án resort nghỉ dưỡng cũng phải bố trí đất xây nhà ở xã hội trong dự án là không phù hơp. Trong khi quỹ đất chỉ đáp ứng 30% nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua.
Nhóm vấn đề thứ hai là thủ tục đầu tư, trình tự thực hiện dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại, thậm chí phát sinh thêm một số thủ tục. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân dự án nhà ở xã hội được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, lãi vay, dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở xã hội xây nhà ở thương mại để bán. Vì thế thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội thường kéo dài hơn nhà ở thương mại.
Nhóm vấn đề thứ ba là việc chứng minh đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn dàn hàng ngang, dẫn đến nhóm đối tượng có nhu cầu thuê nhà ở xã hội vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thu nhập, cư trú.
Nhóm vấn đề thứ tư là ưu đãi cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội chưa thực chất. Chủ đầu tư dự án không được tính ưu đãi vào giá bán, thực chất chỉ người mua nhà được hưởng ưu đãi nên không thu hút được các nhà đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội.
Ông Hưng cho hay những vướng mắc này đang được Bộ Xây dựng đề xuất tháo gỡ trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong những ngày tới.
Còn theo ông Bùi Tiến Thành - trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cần rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, nếu quy định đấu thầu chọn chủ đầu tư dự án thì phải có quy định riêng. Bên cạnh đó, cần rà soát, bãi bỏ thủ tục không cần thiết, bổ sung cơ chế giải quyết vướng mắc khi có đất công trong ranh giới dự án nhà ở xã hội.
Bà Hà Thu Giang, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước:
"Mới có 2 địa phương gửi danh mục dự án vay ưu đãi từ gói 120.000 tỉ đồng"
Tính đến 19-5, Ngân hàng Nhà nước mới nhận được danh mục dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi từ gói 120.000 tỉ đồng của 2 tỉnh Trà Vinh, Bắc Giang. Ngay sau khi nhận được danh mục dự án, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển cho các ngân hàng thương mại để làm thủ tục cho vay, quy trình cho vay của gói tín dụng này như vay thương mại thông thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận