"Siết" kiểm soát hồ sơ
Để có được nơi ở lâu dài ổn định với đồng lương công chức không phải dễ dàng. Bản thân tôi là công chức ngoại tỉnh đến Đà Nẵng công tác, cũng thấy rất áp lực khi giá đất ngày càng cao so với thu nhập. Do vậy tôi trông chờ chính sách 1 triệu nhà ở xã hội sẽ sớm thành hiện thực để chúng tôi sớm có chỗ an cư.
Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu chủ đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn rà soát lại hồ sơ của những người đăng ký mua nhà ở xã hội sau khi phát hiện nhiều trường hợp làm giả hồ sơ. Điều này cho thấy vẫn có nhiều người tranh nhau với người thu nhập thấp, chớp thời cơ để kiếm lợi.
Bên cạnh việc mở rộng nguồn cung cũng cần phải có biện pháp "siết" kiểm soát hồ sơ, đảm bảo đúng đối tượng mới được mua. Có như vậy chính sách mới đảm bảo đến đúng người đang cần có nhà ở. Nguồn cung nhà ở xã hội còn ít so với nhu cầu lớn, nếu không lọc kỹ hồ sơ thì sẽ còn rất lâu người thật sự cần nhà mới có nhà ở.
Anh Võ Thành Long - Công chức ở Đà Nẵng
Chớp thời cơ để kiếm lợi
Hiện nhiều tỉnh thành bắt đầu mở bán nhà ở xã hội. Nơi chọn cách bốc thăm, nơi tổ chức xếp hàng, nơi nhận hồ sơ rồi xét duyệt sau... nhưng cách làm nào rồi cũng có chuyện người cần không mua được, người được mua lại không phải là người có nhu cầu ở.
Nhà ở xã hội là ước mơ an cư với người ít tiền nhưng lại là thời cơ mua rồi chờ bán lại với người có nhiều tiền hơn. Đà Nẵng rà soát hồ sơ người mua, rồi còn nơi nào khác nữa cùng chung quyết tâm sàng lọc và phát hiện các kiểu trục lợi từ việc mua nhà diện ưu đãi này?
Đó cũng chính là điều chúng tôi mong đợi. Chính sách tốt còn chờ cách làm tốt. Giảm thiểu tiêu cực trong khâu xét chọn hồ sơ chính là điều cần thực thi nghiêm túc nhất ở từng dự án để người ít tiền với tay chạm được cơ hội mua căn hộ mơ ước.
Bạn đọc Minh Đức
Sôi động vì nguồn cung hạn chế
Trong ngày đầu của đợt nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), anh Huỳnh Công Chí cùng vợ đã đến sớm hơn 2 tiếng nhưng vẫn phải ra về vì không thể nộp được hồ sơ.
Từ Quảng Nam ra Đà Nẵng lập nghiệp bằng nghề buôn bán nhỏ, bốn năm nay vợ chồng anh Chí đã tìm cơ hội tại nhiều dự án nhà ở xã hội gần nhà trọ. "Trước đây mình cũng đi xem nhiều dự án, nơi xây chưa hoàn thiện. Bây giờ thì dự án đã hoàn thiện, muốn mua lại chen chân không lại"- anh Chí nói.
Trước đó tại một số dự án nhà ở xã hội ở Đà Nẵng, để có lượt đăng ký, đã có những khách hàng ngủ lại từ đêm hôm trước. Dự án chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) trong ngày đầu của đợt mở bán thứ 6 vừa qua đã có tới hơn 200 người đến xếp hàng chờ số thứ tự.
Hiện nay, mức giá nhà ở xã hội tại Đà Nẵng ở mức từ 9,4 triệu đến 16 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, mức giá dưới 12 triệu đồng/m2 hầu hết là các căn hộ còn sót lại từ những đợt mở bán trước, số lượng rất ít. Những đợt hồ sơ mở bán mới đây giá khá cao, rơi vào từ 14 - 16 triệu đồng/m2, gần sát với đất nền trong khu vực.
"Trước đây, nhiều dự án nhà ở xã hội dù bán theo giá nhà nước vẫn phải tìm đến các sàn bất động sản để nhờ "tung quân" đi quảng cáo, tìm kiếm khách hàng đủ điều kiện mua. Hiện nay, giá đất nền đang giảm sâu, nhà ở xã hội lại tăng giá gần bằng giá đất nền nhưng nhu cầu mua nhà vẫn rất cao.
Sự thay đổi này cho thấy nhu cầu được an cư rất lớn. Các loại căn hộ với nhiều diện tích có giá thành "dễ thở" hơn so với việc chờ đợi đủ tiền để mua đất, trả nợ rồi tiếp tục vay tiền xây nhà" - ông Phạm Thông, sàn tư vấn bất động sản Protech Đà Nẵng, phân tích.
Trong khi đó, một số chuyên gia bất động sản cho rằng việc nhà ở xã hội được chuộng bởi nhu cầu của người dân rất lớn trong khi nguồn cung có hạn. Ngoài ra, việc ngân hàng cho vay chương trình mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 4,8%/năm khiến gánh nặng tài chính giảm đáng kể. Những người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội sẽ chọn phương án tài chính an toàn trong thời gian tương lai thay vì "gồng gánh" lãi suất cao để mua đất và chờ làm nhà.
TRƯỜNG TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận