04/01/2020 08:35 GMT+7

Hội đồng thẩm định SGK và GS Hồ Ngọc Đại đối thoại: bấc ném qua, chì ném lại

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - GS Hồ Ngọc Đại: "Mục đích duy nhất là muốn xác nhận bộ SGK CNGD có thể sử dụng trong các nhà trường". PGS.TS Trần Kiều: "Tôi khuyên anh Đại chỉ nên viết sách tham khảo".

Hội đồng thẩm định SGK và GS Hồ Ngọc Đại đối thoại: bấc ném qua, chì ném lại - Ảnh 1.

Cuộc đối thoại do Bộ GD-ĐT tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng - Ảnh: NAM TRẦN

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) và GS.TSKH Hồ Ngọc Đại vẫn chưa tìm được tiếng nói chung tại cuộc đối thoại về bộ SGK công nghệ giáo dục.

Cuộc đối thoại do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3-1, xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Kế Hào, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, đồng thời là cộng sự của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại trong triển khai công nghệ giáo dục (CNGD) về các địa phương, Thủ tướng đã chỉ đạo bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải tổ chức rà soát quy trình thẩm định và đối thoại về "chương trình thực nghiệm".

Chúng tôi biết viết sách lớp 1 là khó nhất. Nên hội đồng thẩm định cũng rất linh hoạt, rộng rãi. Tôi khẳng định hội đồng làm việc nghiêm túc, cũng không đến nỗi cũ kỹ về tư duy đâu. Về thái độ thì rất khách quan.
PGS Trần Kiều

Đã được thực tiễn chứng minh

Tại buổi đối thoại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng hội đồng thẩm định đã áp dụng quan điểm thẩm định SGK chưa mềm dẻo, linh hoạt dẫn tới việc loại bộ SGK CNGD. Từ việc này có thể sẽ khiến thành quả của CNGD được chứng minh qua thực tiễn dạy học ở nhiều địa phương phải dừng lại.

PGS.TS Nguyễn Kế Hào nhắc lại thời kỳ ông làm vụ trưởng phải linh hoạt thực hiện 4 chương trình giáo dục trên cơ sở một mục tiêu thống nhất ở các vùng, miền khác nhau. Nhờ vậy Việt Nam mới hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và xóa mù chữ vào năm 2000.

Bài học "chương trình thống nhất chứ không phải duy nhất" được PGS.TS Nguyễn Kế Hào nhắc lại để nhấn mạnh việc muốn đa dạng hóa tài liệu, phương pháp dạy học tích cực thì cần thay đổi quan điểm linh hoạt, mềm dẻo hơn để khích lệ, tiếp thu những thành quả giáo dục đã được qua thử nghiệm, được thực tế thẩm định.

Ông Nguyễn Kế Hào cũng cho biết đặt ra yêu cầu trẻ học lớp 1 là đọc thông, viết thạo tiếng Việt thì thực tế đã chứng minh Tiếng Việt CNGD làm rất tốt. Trẻ học đến đâu chắc tới đó, nắm vững quy tắc chính tả, không viết sai, không đọc ngọng. Vì thế nếu loại bộ SGK CNGD vì "không đạt yêu cầu mới" thì ông thấy không thuyết phục và rất bức xúc.

Bộ sách bị loại, tôi không oán trách nào đối với các thành viên hội đồng thẩm định. Vì họ phải làm đúng trách nhiệm được giao. Cái quan trọng là nơi giao trách nhiệm cho họ.
GS Hồ Ngọc Đại

Tiếng bấc, tiếng chì

Cuộc đối thoại trở nên gay gắt khi các ý kiến của những người trong hội đồng thẩm định SGK và GS Hồ Ngọc Đại va nhau. GS Hồ Ngọc Đại thoạt đầu giữ thái độ chừng mực khi cho rằng "tôi đến đây chỉ có một mục đích duy nhất là muốn xác nhận bộ SGK CNGD có thể sử dụng trong các nhà trường".

"Bộ sách bị loại, tôi không oán trách nào đối với các thành viên hội đồng thẩm định. Vì họ phải làm đúng trách nhiệm được giao. Cái quan trọng là nơi giao trách nhiệm cho họ" - GS Hồ Ngọc Đại nói điều này để nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xem xét lại sự việc để điều chỉnh những bất ổn trong quy trình thẩm định SGK, thậm chí là bất ổn trong xây dựng chương trình giáo dục mới.

Đó cũng là lý do ông không sửa SGK để hợp với đề nghị của hội đồng thẩm định chỉ để được "đạt".

Ông khẳng định: "Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới. Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hi sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD-ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới".

Nói về kiến nghị thẩm định bộ sách CNGD, PGS.TS Trần Kiều - chủ tịch hội đồng thẩm định môn toán - bày tỏ quan điểm: "Bao giờ có một chương trình mới, sẽ có những SGK mới phù hợp với chương trình. Có những cuốn SGK rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy việc có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục".

Ông Kiều viện dẫn các bộ SGK khác, trong đó có sách Tiếng Việt hiện hành cũng đang dạy cho nhiều học sinh. Nhưng khi triển khai chương trình mới nó cũng phải dừng lại.

Cuộc đối thoại trở nên gay gắt khi PGS.TS Trần Kiều và GS Trần Đình Sử - chủ tịch hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt - có ý cho rằng GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên các SGK là "trái chuyên môn".

Ông Trần Kiều nói GS Đại là nhà tâm lý học, không phải nhà toán học nhưng lại chủ biên SGK toán và thẳng thừng nói: "Tôi khuyên anh Đại chỉ nên viết sách tham khảo". Trái lại, GS Trần Đình Sử cho rằng GS Đại chỉ là nhà tâm lý học, nhà toán học, không hiểu gì về văn học nên khi làm chủ biên SGK Tiếng Việt có những bất ổn.

Ông Trần Kiều cho rằng SGK toán của GS Đại đã đảo lộn hết khung cấu trúc của chương trình toán. Nếu Bộ GD-ĐT chấp nhận sách này thì e rằng các tác giả SGK khác sẽ phản ứng...

GS Hồ Ngọc Đại đáp trả những ám chỉ và nhận định của thành viên hội đồng thẩm định bằng lời lẽ cũng nặng nề. Ông cho rằng có sự khác nhau giữa tư duy kinh nghiệm và tư duy khoa học. Ở đây là PGS Trần Kiều đang dùng tư duy kinh nghiệm để đánh giá, còn ông nghiên cứu và thực nghiệm với tư duy khoa học.

Ông cũng cho rằng suy nghĩ của GS Trần Đình Sử là thấp kém. Điều này khiến GS Sử mất bình tĩnh cũng tung lại những "tiếng chì" làm cho không khí cuộc đối thoại căng thẳng.

Thích cách tiếp cận

PGS.TS Lê Anh Vinh - phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đồng thời là tác giả môn toán của một nhóm viết SGK khác - cũng được mời tới cuộc đối thoại. Phát biểu của ông làm dịu không khí căng như dây đàn của cuộc đối thoại.

Ông Vinh cho biết đã nghiên cứu rất kỹ sách toán của CNGD các thời kỳ và SGK đã đưa thẩm định mới đây. "Thoạt nhìn sách của thầy Đại thì thấy khó nhưng khi xem thiết kế sách cho giáo viên và nhìn vào thực tiễn tập huấn giáo viên của GS Đại thì lại thấy tốt" - ông Vinh nói.

Theo ông Vinh thì sách chỉ là tài liệu, còn quan trọng vẫn là người thầy dạy như thế nào. Ở đây, điểm mạnh của sách GS Đại là tập huấn giáo viên rất kỹ, là cách thiết kế tổ chức dạy học làm cho học sinh được học tích cực.

Chương trình có chuẩn đầu ra, dạy học như thế nào để đảm bảo chuẩn đầu ra là được. Không nên quy định cứng nhắc tất cả phải đi một đường như nhau để đến đích. Giống như xây một ngôi nhà, mục đích là để giáo viên, học sinh ở thoải mái thì mỗi người có thể xây theo các cách khác nhau, những ngôi nhà khác nhau nhưng cùng đạt mục đích.

Ông Vinh cũng khẳng định là một người làm toán, ông thích cách tiếp cận của GS Đại ở sách toán. Nhưng nếu GS có điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan hơn thì sẽ nhiều học sinh tiếp cận hơn.

Tiếp tục có ý kiến lên cấp trên

Lắng nghe ý kiến các bên với sự bình tĩnh, cầu thị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng chỉ bày tỏ quan điểm một cách dè dặt. Ông tập trung trả lời hai điều PGS.TS Nguyễn Kế Hào chất vấn.

Thứ nhất, về ý kiến cho rằng việc thẩm định SGK chỉ là bước 1, tiếp theo phải tiếp tục đưa các bộ SGK mới vào thử nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng suy nghĩ như thế chưa đúng. Vì trong quy định về thẩm định SGK, các hồ sơ SGK gửi lên thẩm định đã phải đảm bảo yêu cầu sách được dạy thực nghiệm.

Thứ hai, về ý kiến cho rằng bộ SGK CNGD đã được thực tế kiểm nghiệm thì cần được Bộ GD-ĐT áp dụng hình thức thẩm định khác với các bộ SGK mới chưa được dạy trong thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ khó có thể đáp ứng đề nghị đó vì việc thẩm định phải theo một quy định chung đối với tất cả các bộ SGK để đảm bảo công bằng. Ông Độ đề nghị GS.TSKH Hồ Ngọc Đại xem xét sửa SGK để đảm bảo yêu cầu và đăng ký thẩm định lại.

Trước ý kiến của đại diện Bộ GD-ĐT, PGS.TS Nguyễn Kế Hào nói thẳng "nếu thứ trưởng thay mặt bộ trưởng giải đáp thế là chưa thỏa đáng". Ông Hào cho biết ông sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên vì cuộc đối thoại cuối cùng vẫn chưa có tiếng nói chung, vì lợi ích của giáo dục.

CNGD của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và cộng sự với tư tưởng tiến bộ thể hiện trong quan điểm thiết kế tổ chức dạy học tích cực đã có quá trình nghiên cứu, thực nghiệm, triển khai rộng rãi hơn 40 năm.

Khi triển khai chương trình GD phổ thông mới với nhiều bộ SGK, các SGK phải được hội đồng thẩm định SGK quốc gia do Bộ GD-ĐT thành lập đánh giá đạt, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt mới được lưu hành, sử dụng trong các nhà trường. SGK CNGD do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên cũng được trình lên thẩm định như một số bộ SGK khác nhưng bị loại ngay từ vòng đầu với lý do có nhiều "lỗi" so với các tiêu chí nhằm đảm bảo yêu cầu của chương trình GD mới.

Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Tiêu chí nào cho sách giáo khoa? Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Tiêu chí nào cho sách giáo khoa?

TTO - Từ câu chuyện sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, câu hỏi đặt ra là sách giáo khoa được chọn theo tiêu chí nào? Đa số ý kiến cho rằng các tiêu chí quan trọng là gần gũi, phù hợp lứa tuổi, không gây quá tải...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên