Hãy nhìn vào mắt các em học sinh để thấy hình ảnh người thầy thế nào. Trong ảnh: cô Nguyễn Thị Ước, giáo viên được xem là bạn của nhiều học sinh Trường THCS Cửu Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Hai nhà giáo đã gửi ý kiến đến Tuổi Trẻ về vấn đề này.
Khi "trao" cho học sinh quyền được đánh giá, môi trường sư phạm đã góp phần lấy học trò làm trung tâm. Giá trị thật, giá trị đẹp sẽ được đánh giá đúng và nâng cao. Môi trường giáo dục sẽ ngày càng tiến bộ hơn, thân thiện hơn và văn minh hơn. Đã gọi là dạy học lấy học sinh làm trung tâm thì việc đánh giá thầy cô cũng nên từ "kênh" trung tâm chính là học trò.
Nhà giáo Thái Hoàng
Học trò hiểu thầy hơn ai hết
Có thể nói người đánh giá thầy cô đúng nhất, phù hợp nhất chưa hẳn là ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn... mà "trọn vẹn" nhất vẫn là học trò, nhất là về những hoạt động ở trường, ở lớp, đặc biệt là trong quá trình dạy học: trao đổi (tôi không dùng từ truyền đạt) kiến thức, cách ứng xử, vẻ đẹp tâm hồn... của người thầy.
"Mặt nổi của tảng băng" - một số tiết dự giờ, thao giảng hiện nay còn quá... "kịch", nói đúng hơn là giá trị ảo khá lớn.
Với những cô cậu học sinh bậc tiểu học, THCS, việc đánh giá thầy cô có những mặt hạn chế nhất định (trình độ nhận thức, lứa tuổi). Tuy nhiên, khi học trò ở bậc này đánh giá thầy cô, đó cũng là một "kênh" thông tin cần thiết.
Còn với học sinh bậc THPT, việc để các em đánh giá thầy cô là điều rất cần thiết, rất quan trọng. Các em đủ năng lực (về nhiều phương diện) để đánh giá thầy cô khách quan, trung thực.
Hiện tại, việc học trò đánh giá thầy cô còn chưa phổ biến. Tôi cũng từng dạy một trường bậc THPT ở TP.HCM, mà người đánh giá chúng tôi là học sinh mình trực tiếp dạy. Trong bảng đánh giá có hàng chục câu hỏi vừa khái quát vừa chi tiết. Các đáp án có mục a, b, c... để các em chọn và cũng chừa chỗ trống để học sinh nhận xét thêm hoặc có ý kiến khác.
Học sinh rất thích thú khi được nhà trường "trao quyền" đánh giá khách quan, trung thực. Đây cũng là cơ hội để các em chia sẻ, nói lên ý kiến, kể cả nỗi niềm tâm sự của mình... Và việc khảo sát này đã đem lại hiệu ứng tốt. Trong phiếu khảo sát, học sinh không cần phải ghi tên của mình, đó cũng là cách để các em nói lên... điều khó nói.
Người ta nói rằng: "Hình ảnh của thầy cô hôm nay là bóng dáng của học trò mai sau" hoặc "Người thầy giỏi không chỉ dạy học sinh bằng những câu chữ (kiến thức) có sẵn, mà dạy bằng cả tâm hồn mình".
Khi làm được như vậy, chính thầy cô là tấm gương sáng thực thụ, là người thầy giỏi chuyên môn và đẹp tâm hồn. Và từ đó sẽ "sản sinh" được thế hệ trẻ, những công dân hữu ích cho đất nước. Thầy cô có làm được như vậy hay không thì học trò là người hiểu hơn ai hết.
Hãy nhìn vào mắt học sinh!
Đây không phải là lần đầu tiên chuyện "trò đánh giá thầy" được nêu ra. Nếu tôi nhớ không nhầm, vào những năm 1980 hình thức này đã được triển khai đầu tiên tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, báo Tuổi Trẻ đưa tin và sau đó đã làm dậy sóng dư luận.
Vào thời điểm đó, tôi đã tham gia một bài trên Tuổi Trẻ với tít tựa "Người đốt đền". Bởi đứng trên tâm thế một giáo viên, tôi cảm thấy mình bị tổn thương sâu sắc và cho rằng các đồng nghiệp của tôi nơi nhà trường đó còn tổn thương đến mức độ nào.
Tuy nhiên, khi ấy tôi cũng phân tích việc học sinh đánh giá thầy cô là chuyện bình thường ở nhiều nước trên thế giới.
Nhưng từ khi chập chững bước chân vào trường mẫu giáo, học sinh của họ đã được dạy nguyên tắc công bằng, khách quan. Thêm vào đó, xã hội của họ lúc đó đã đạt đến trình độ nhà trường - gia đình - xã hội là một thực thể thống nhất trong giáo dục trẻ.
Ví dụ, ở trường thầy cô dạy trẻ đèn đỏ là dừng, đèn xanh được chạy, đèn vàng phải đi chậm lại thì từ gia đình ra đến xã hội 100% người dân đều thực hiện như vậy.
Ở ta, nền giáo dục - đến lúc đó - vẫn còn độ "cong vênh" quá lớn từ "lời dạy đến thực tế". Và trẻ em chưa thực sự được giáo dục căn bản cho nguyên tắc công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật thì lá phiếu "nhận xét thầy cô" sẽ đạt được hiệu quả gì?
Bàn về việc NÊN, thật sự không cần đến phiếu nhận xét, hãy nhìn vào mắt các em học sinh để thấy hình ảnh người thầy "lấp lánh" như thế nào. Hoặc sau những tiết dạy đó, hãy lắng nghe những trao đổi của các em với nhau, tôi tin người có tri thức sẽ vô cùng xấu hổ.
Học sinh - tôi cho rằng dù có ngỗ ngược hay giỏi giang - tự bản thân các em cũng còn nguyên vẹn sự trong sáng và công bằng của lứa tuổi trẻ con, việc đánh giá người thầy trong các em vì thế sẽ giúp người thầy nhìn lại chất lượng giảng dạy của mình và thay đổi. Không có chế tài nào nghiêm khắc hơn với ông thầy khi không được học sinh mình tín nhiệm.
Còn vì sao KHÔNG NÊN? Như tôi đã nói cách đây 30 năm, học sinh chúng ta biết căn cứ vào đâu cho sự khách quan, công bằng hay mọi nhận xét của các em đều thiên về cảm tính? Những thầy cô khó, yêu cầu cao trong học tập liệu có được các em tôn vinh?
Và các thầy cô thiếu trách nhiệm giảng dạy và chất lượng dạy kém nhưng "bù đắp" bằng sự dễ dãi trong đánh giá, trong "ban phát" điểm có thể thành "ngôi sao" trong các em chăng? Ngay ở sinh viên các trường đại học còn có chuyện đó.
Vì vậy, hãy thay đổi bắt đầu từ cái gốc: nền giáo dục, ngành giáo dục phải thay đổi triết lý, mục tiêu đào tạo, phương cách đào tạo, thay vì cứ manh mún trong biện pháp để mong tạo cho được hình ảnh "thầy ra thầy" trong mắt học trò, mà quên mất người thầy đó cũng phải khởi đi từ lúc còn là học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận