12/12/2018 08:28 GMT+7

Học trò 'chấm điểm' thầy cô, nên không?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Nhằm điều chỉnh hoạt động giáo dục, giảng dạy phù hợp với nguyện vọng của học sinh, nhiều trường học đã tổ chức lấy ý kiến, cho học sinh 'chấm điểm' thầy cô. Song việc này cũng gây băn khoăn...

Học trò chấm điểm thầy cô, nên không? - Ảnh 1.

Đánh giá giáo viên giúp giáo viên thay đổi cách dạy học để truyền cảm hứng là việc đã được thực hiện ở một số trường, trong đó có Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: HUY TRẦN

Thầy bao giờ cũng đúng, chỉ thầy mới có thể đánh giá học sinh, chứ không thể có chuyện ngược đời học sinh đánh giá thầy. Quan điểm này đang thay đổi ở một số trường phổ thông.

Khi học sinh được điền vào những tờ phiếu nhận xét thầy cô của mình, dù còn nhiều khó khăn nhưng theo cô Ngô Thị Thành - phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội: "Mục đích chính của việc "xin ý kiến học sinh" là để trường điều chỉnh hoạt động giáo dục, giảng dạy phù hợp với nguyện vọng của học sinh. Việc "xin ý kiến học sinh" giúp sự tương tác của giáo viên và học sinh tốt hơn".

Sự sống còn của trường tư thục là chất lượng giáo dục. Những giáo viên không đảm bảo yêu cầu dựa trên nhiều kênh đánh giá, trong đó có kênh đánh giá của học sinh, phụ huynh học sinh sẽ phải rời vị trí. Còn ở trường công sẽ có nhiều rào cản, trong đó rào cản lớn là tâm lý, nhận thức của người thầy. Sẽ khó có thể tìm tiếng nói đồng thuận ngay, nên làm được hay không lệ thuộc vào bản lĩnh của hiệu trưởng và cách làm sao cho khéo léo. Đặc biệt luôn phải đặt ra câu hỏi "học sinh sẽ được gì với cách làm này?".

Thầy NGUYỄN XUÂN KHANG

Hạnh phúc khi là "giáo viên được học sinh tin yêu"

Là trường THPT công lập đầu tiên ở Hà Nội thực hiện việc "trò đánh giá thầy" từ những năm 2003-2004, Trường THPT Phan Huy Chú hiện đã xem việc này như một trong những biểu thị của văn hóa trong nhà trường. 

Theo cô Thành, mỗi năm trường lại có điều chỉnh và để tránh cho giáo viên tâm lý "bị đánh giá", trường gọi đây là phiếu "xin ý kiến học sinh" - tên gọi cũng thể hiện thái độ tôn trọng học sinh. Có hai nguyên tắc được đặt ra là phiếu không yêu cầu ghi tên học sinh và được phát cho 100% học sinh. 

Hiện trường đã đưa thêm 3 tiêu chí từ ý kiến của học sinh vào trong tổng số 20 tiêu chí đánh giá, xếp loại giáo viên của trường.

"Căn cứ vào ý kiến học sinh, chúng tôi sẽ tổ chức tôn vinh những thầy cô giáo có hơn 75% số học sinh có nhận xét tốt ở mức cao nhất tại lễ hội Xuân yêu thương hằng năm. Người được tôn vinh chỉ nhận được chứng nhận, một dải băng ghi dòng chữ "Giáo viên được học sinh tin yêu" và một bó hoa, nhưng tất cả giáo viên đều cảm thấy hạnh phúc" - cô Thành chia sẻ. 

"Hiện nhà trường cũng "xin ý kiến học sinh" với cả đội ngũ lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên làm công việc gián tiếp, cô cho hay.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Khang - người sáng lập Trường tư thục Marie Curie, Hà Nội - cho biết từ năm 1992, trường đã tổ chức việc lấy ý kiến học sinh 2 lần/năm học, đến nay đã có 52 lần lấy ý kiến. 

Giáo viên có được số phiếu nhận xét tốt đạt 75% sẽ trong nhóm an toàn, đạt 50-74% sẽ ở nhóm nguy hiểm, dưới 50% thì ban giám hiệu sẽ phải xem xét điều chỉnh. 

"Phiếu nhà trường phát ra có tên gọi "Tìm hiểu tâm lý học sinh" (đối với học sinh lớp lớn) và "Phiếu tìm hiểu tâm lý cha mẹ học sinh" (đối với học sinh lớp nhỏ). Với cách thăm dò ý kiến này, chúng tôi hạn chế được nhiều tiêu cực trong ứng xử của giáo viên" - thầy Khang cho biết.

Ở Hà Nội còn có một số trường khác như Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thực hiện việc "học sinh đánh giá giáo viên" qua các hình thức lấy phiếu thăm dò ý kiến. Trong đó Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chỉ phát phiếu thăm dò ý kiến học sinh với 5 câu hỏi theo chủ đề khác nhau của mỗi năm học.

Không dễ làm!

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội - khi còn là hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết tất cả "người lớn" trong trường đều được học sinh nhận xét nhưng các câu hỏi khác nhau, thể hiện sự công bằng với công việc tương ứng. 

Tuy nhiên, để tránh cho giáo viên cảm thấy bị xúc phạm, bị căng thẳng trong khi công việc của họ đã vất vả cũng khiến người đứng đầu nhà trường mất ngủ.

Theo lãnh đạo các trường đã và đang thực hiện việc "học sinh đánh giá giáo viên" thì phản ứng tiêu cực từ đội ngũ giáo viên đều có. Nhiều giáo viên lo ngại để "học sinh đánh giá" các em sẽ nhờn, sẽ thiếu tôn trọng thầy cô. Những thầy cô bị "ý kiến xấu" sẽ gặp cản trở về tâm lý khi đứng trước học trò. 

"Khó khăn với lãnh đạo trường là phải nghĩ cách xử lý khéo léo. Đã có những giọt nước mắt rơi, nhưng ai cũng hiểu ý nghĩa của việc chúng tôi làm là có một môi trường giáo dục tốt hơn" - cô Thành trao đổi.

Nhưng theo cô Thành, việc lấy ý kiến học sinh không làm quan hệ thầy trò thay đổi, vị thế người thầy thấp đi. Vì chỉ có gần gũi, hiểu học sinh muốn gì, cần gì ở mình mới tạo nên sự tin tưởng, tôn trọng của học trò với thầy cô. 

Khi yêu cầu trò phải thay đổi thì thầy cô phải thay đổi trước. Điều đó không có gì là trái với tinh thần tôn sư trọng đạo. 

"Câu hỏi của chúng tôi chỉ hướng đến điều tích cực. Kết quả của học sinh cũng phản ánh được tình hình giáo viên, nhưng không khiến các thầy cô thấy khó chịu. Thường nhận xét của học sinh đều đúng so với đánh giá của lãnh đạo trường" - thầy Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, chia sẻ.

Cả cô Thành và thầy Khang đều thừa nhận việc "học sinh đánh giá giáo viên" cũng có nảy sinh tình trạng giáo viên "buông lỏng" hơn để làm hài lòng học sinh, nhưng việc này sẽ khó có thể kéo dài. 

"Học sinh thường có nhận xét công tâm. Những thầy, cô tuy nghiêm khắc nhưng dạy tốt, thật lòng mong điều tốt cho học sinh thì bọn trẻ đều cảm nhận thấy" - thầy Khang nói. Còn theo cô Thành, nếu có việc giáo viên cố gắng làm hài lòng học sinh chỉ để được ủng hộ thì chính những giáo viên đó tự làm xấu hình ảnh mình trong mắt học trò.

Theo thầy Lâm, bản chất vẫn là lấy ý kiến học sinh đánh giá giáo viên, nhưng hỏi như thế nào để có tính tích cực lại lệ thuộc vào câu hỏi. Thế nên trả lời câu hỏi "Học sinh đánh giá giáo viên, nên không?" thì mỗi nhà giáo, nhà quản lý sẽ có một đáp án từ chính thực tiễn, mà những nhà trường đi tiên phong đã chia sẻ.

Giáo viên phải thay đổi

Tôi về trường vào năm 2003, đến năm 2006 tôi được công nhận giáo viên giỏi cấp thành phố. Năm 2009, tôi được nhà trường bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn nhưng vẫn không được học sinh đánh giá cao. Tôi khát khao được một lần đeo dải băng "Giáo viên được học sinh tin yêu".

Tôi phải thay đổi. Tôi điều chỉnh phương pháp dạy học, tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động học ở bộ môn, gần gũi làm tôi hiểu học sinh hơn. Năm 2012, sau 9 năm ở trường, lần đầu tiên tôi mới được hơn 90% học sinh nhận xét rằng tôi dạy hứng thú, dễ hiểu, gần gũi với học sinh và tôi đã được đứng trên sân khấu để nhận dải băng "tin yêu" đó. Cảm giác khi ấy đến giờ tôi vẫn không thể quên.

Cô NGÔ THỊ THÀNH

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nhà trường có nên để học sinh đánh giá thầy cô?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Đánh giá giáo viên bằng 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí Đánh giá giáo viên bằng 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí

Theo Dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên do Bộ GD-ĐT vừa công bố, giáo viên sẽ được đánh giá với 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên