13/06/2024 11:48 GMT+7

'Học toán như vậy không khóc mới lạ' nếu vẫn còn văn đề toán dạng

Sau bài báo "Học toán như vậy không khóc mới lạ", câu chuyện học toán, dạy toán trong trường phổ thông hiện nay tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Một thí sinh động viên bạn sau giờ thi môn toán ở TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một thí sinh động viên bạn sau giờ thi môn toán ở TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Dù kỳ thi vào lớp 10 ở TP.HCM đã kết thúc, nhưng không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh còn lắm băn khoăn và nỗi niềm về đề thi toán khiến thí sinh bật khóc.

Văn đề toán dạng, cả làng đều vui

Theo nhiều bạn đọc, vấn đề ở đây là đề thi không phù hợp, kể cả với các học sinh khá giỏi! "Còn hiểu thế nào là bài toán thực tế cũng phải bàn", một độc giả nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo bạn đọc Viet Aviation, "đề toán lớp 10 trong mấy mươi năm qua vẫn cấu trúc như vậy, học sinh vẫn học giáo trình như vậy, nhưng đề ra ở TP.HCM dài hơn nên học sinh không làm được cũng đúng thôi".

"Lâu nay vẫn có câu "văn đề toán dạng" để nói về cách học, thi của học sinh. Trước khi thi học kỳ, học sinh được luyện các dạng toán sẽ thi, khi thi thì chỉ thay số chút xíu. 

Các con toàn 9 với 10 điểm, con vui, bố mẹ tự hào, thầy cô đạt thành tích dạy giỏi, cả làng đều vui. Chỉ đến khi thi thật, đề thật thì khóc hết nước mắt", bạn đọc Tâm viết.

Cùng quan điểm, bạn đọc An cho rằng: "Học để có thành tích nên học sinh được luyện như cái máy chỉ biết những bài mẫu. Nếu có 100 mẫu thì học hết 100 mẫu. 

Nếu dạy tư duy phân tích thì chỉ cần học 10 cái căn bản là có thể làm được 100 mẫu". 

"Cách dạy không phát triển tư duy rộng sâu cho học sinh, dạy học theo kiểu tư duy bố cục. Học sinh thì học cho điểm số thành tích, không chịu tìm tòi tư duy", tài khoản trin****@gmail.com bình luận.

Bạn đọc có tên Unnamed bày tỏ: "Đúng là cách dạy và học toán hiện nay rất có vấn đề và không chỉ giới hạn ở học sinh và giáo viên. Một phần còn từ gia đình và xã hội nữa: muốn con học được điểm cao, muốn con giống các bạn... 

Đi sâu hơn là việc dạy toán thật sự khô khan và rập khuôn, thiếu tìm hiểu, giải thích, tương tác một chiều vậy, rất thụ động. Thử hỏi, dạy kiểu đấy đòi kết quả tốt ở đâu ra? 

Đã thế, cái bệnh thành tích còn khiến các em học sinh học ngày học đêm, nhưng chỉ loanh quanh ở chuyện giải bài tập theo dạng này dạng nọ, nhằm mục đích có điểm cao trong lớp, hoàn toàn thiếu tư duy cốt lõi, biện luận toán học - thứ quan trọng nhất cũng chính là mục đích của việc học toán.

Về phần học sinh, đúng là các em cũng có lỗi nhưng trách thế nào được khi mọi thứ đã bị áp đặt từng phút? Nhiều em không ngủ đủ 8 tiếng/ngày vì học thêm nữa đấy.

Cần phải thay đổi và khắc phục, nhưng khi nào thì làm được?".

Thay đổi dạy và học toán từ đâu?

Theo bạn đọc Quyen, cần phải xác lập lại hai vấn đề: Thứ nhất, thi là một hình thức kiểm tra lại những gì các em được học. Người ra đề nên bám theo nội dung các em được học, các câu đánh đố không quá 20% điểm. Vì học một đằng, thi một nẻo thì chẳng khác nào thí sinh làm lạc đề. 

Thứ hai, bao nhiêu sự đánh đố tư duy đó có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và vào công việc tương lai của các em sau này không? Hay mục tiêu cuối cùng của các em chỉ là học theo lối cũ hoặc tư duy chỉ để giải đề và hoàn thành kỳ thi?".

Tài khoản BS kể: "Ngày xưa tôi từng thi học sinh giỏi toán và sau này học y khoa cũng có lúc đi học thêm, nhưng chưa bao giờ đợi thầy cô giải sẵn bài, mà chủ động tìm cách giải trước. 

Học sinh thời nay có nhiều cám dỗ giải trí quá nên lười suy nghĩ, chỉ phụ thuộc vào bài giải của thầy cô. Nhưng tôi tin có nhiều em học theo hướng tự tư duy sẽ chẳng khó khăn gì với các kỳ thi".

"Ngày trước tôi học môn toán, đặc biệt là hình học, một bài toán giáo viên sẽ cho nhiều học sinh tự làm theo cách của mình sẽ có nhiều cách giải. Sau đó giáo viên sẽ giải theo từng cách làm của học sinh, chứ không dạy toán theo kiểu rập khuôn như bây giờ", độc giả Le Thanh góp thêm.

Còn theo bạn đọc Nguyễn Văn Triết: "Học sinh có nắm vững kiến thức rồi mới hy vọng vận dụng được kiến thức. Vì thế giáo viên phải dành thời gian giúp học sinh có kiến thức rồi mới vận dụng. Tuy nhiên học sinh phải có năng lực, có khả năng tự học".

"Dạy và học ra sao thì thi phải như vậy, vì kết quả thi thực chất là phản ánh kết quả của cả quá trình dạy và học. Người ra đề phải nắm sát quá trình dạy và học thì mới ra đề cho phù hợp.

Nếu muốn ra đề đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng thực tế mới giải được thì phải thay đổi cách dạy và học toán hiện nay. Điều này cần phải có quá trình, không một sớm một chiều và phải bắt đầu ngay từ tiểu học", bạn đọc Khai Phong nói thêm.

Học toán như vậy không khóc mới lạHọc toán như vậy không khóc mới lạ

Đó là nhận định của TS Phan Tất Hiển - người sáng lập Hoa Trạng Nguyên Maths & Science, nguyên trưởng bộ môn toán kinh tế Trường đại học Sài Gòn, khi được hỏi về chuyện dạy và học toán trong nhà trường phổ thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên