12/06/2024 21:11 GMT+7

'Học toán như vậy không khóc mới lạ': Sao lại đổ hết lỗi cho học sinh?

SONG KHUÊ
và 1 tác giả khác

Câu chuyện đề thi toán vào lớp 10 ở TP.HCM khiến nhiều học sinh bật khóc tiếp tục thu hút tranh luận của bạn đọc về chuyện dạy và học toán ở trường phổ thông.

Niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và nước mắt sau giờ thi toán vào lớp 10 ở TP.HCM

Niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và nước mắt sau giờ thi toán vào lớp 10 ở TP.HCM

Tại sao thi xong môn toán tại kỳ thi vào lớp 10 ở TP.HCM vừa rồi, nhiều học sinh đã bật khóc vì không làm được bài?

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, TS Phan Tất Hiển - người sáng lập Hoa Trạng Nguyên Maths & Science, nguyên trưởng bộ môn toán kinh tế Trường đại học Sài Gòn - cho rằng đa phần học sinh từ các trường phổ thông đều đang học toán theo hướng học và nhớ, nên học sinh chỉ làm được dạng quen thuộc, chưa biết cách phân tích. 

Báo động học toán thụ động

Ông Hiển nói thêm: Nhiều học sinh học toán một cách thụ động. Các em tính toán cũng thụ động, góc nhìn một bài toán cũng không phân biệt được đâu là giả thiết, đâu là kết luận, tính kết nối về tri thức trong toán học không có...

Với cách học toán như vậy dù có thể giải được bài toán, nhưng học sinh không tư duy được những vấn đề mới, thậm chí nhiều khi không thể hiểu ngọn ngành.

Nhiều bạn đọc cho rằng đây là một thực trạng học toán đáng báo động.

- Ngày nay học sinh học toán như cái máy, thuộc mà thiếu tư duy. Nhất là trong bộ sách của học sinh tiểu học có quyển gọi là sách bài tập sẵn lời giải, học sinh chỉ cần điền số và phép tính rồi tính là xong. 

Học như vậy thì lớp 5, lớp 6 cũng chỉ tương đương lớp 2, vì chỉ cần kỹ năng thực hiện bốn phép tính. Cái hay của toán tư duy tiểu học là tìm ra lời giải, nay đã được làm sẵn trong sách bài tập, thật nguy hại.

Bạn đọc Trần Quốc Việt

- Học sinh chỉ việc "theo lối mòn và bước đi". Tôi còn biết cô giáo dạy học sinh ghi lời giải dựa trên "từ khóa" của câu hỏi. Cùng một ý nhưng không dùng từ khóa đó là học sinh bó tay liền.

Bạn đọc Vietroad

- Vấn đề là chuyện học đang chạy theo thi cử. Tất nhiên thi cử ở đây là thi cử ở trên trường, là bảng thành tích đẹp của học sinh. Các em ở trên trường quen với điểm 9, điểm 10 thầy cô cho. 

Toàn những đề toán ra thi giữa kỳ, thi học kỳ dễ như ăn kẹo vì học tủ theo thầy, theo cô dạy trên trường. Còn khi đi thi theo đề của phòng, của sở là khóc ngay. 

Bạn đọc Vinh Quang

- Trước mỗi đợt kiểm tra hoặc thi học kỳ, học sinh được giáo viên hướng dẫn trước thể loại bài và sau đó giáo viên chỉ thay con số khi kiểm tra hoặc thi. Cho nên chỉ cần cho đề lệch đi một chút là hỏng hết, qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa rồi là minh chứng rõ ràng nhất.  

Tôi có đứa cháu ruột là học sinh giỏi nhất lớp 11, nhưng cách làm bài kiểm tra của cháu tôi thấy không có tư duy gì của một học sinh giỏi cả. Tôi lấy một bài toán lượng giác đơn giản năm 1995 thời tôi học, đưa cho cháu làm thử nhưng cháu kêu khó, không hiểu bài này. 

Bạn đọc Tran Nam

Đừng đẩy hết lỗi lên vai học sinh

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng không thể đổ hết lỗi chuyện học toán thụ động lên vai học sinh.

- Nói như vậy là không công bằng với các em học sinh, đừng đẩy hết trách nhiệm lên vai các em. Mình nên viết đúng là "dạy và học toán như vậy, không khóc mới là lạ". Đừng đổ lỗi cho việc học, trong khi việc dạy diễn ra trước kia mà.

Bạn đọc Dọn Vườn

- Tại sao đi học thêm thì các em có tư duy về toán, trong khi học chính khóa thì các em đa phần thụ động. Phải chăng là việc dạy trong nhà trường không hướng dẫn đủ để các em có tư duy về toán! Ở đây có khuất tất gì không?

Hiện nay hầu như học sinh ở các cấp lớp đi học chính khóa cả ngày, nếu muốn kết quả tốt hơn thì phải học thêm. Ai đã tạo ra hoàn cảnh cho con em chúng ta? 

Bạn đọc Thiên

- Phải có cái nhìn khách quan hơn trong chuyện này, đồng thời có luận cứ, phương pháp hoặc ý kiến khảo sát từ đối tượng bị tác động (các em lớp 9), chứ không nên nhận xét quá chủ quan vào hiện tượng đề thi môn toán vừa qua. 

Cần phải có cái nhìn đa chiều hơn để có ý kiến đóng góp giúp cho việc học - hành môn toán ở các cấp học được tốt hơn.

Bạn đọc HT

- Đề toán của TP.HCM đáp ứng được tiêu chí phân loại thí sinh để phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh nhưng để được đánh giá là hay thì chưa chắc. 

Điểm cần cải thiện là cách diễn đạt câu chữ của đề rối rắm, dài dòng gây hiểu lầm cho thí sinh. Hành văn trong đề bài toán phải đạt tiêu chí cô đọng, súc tích, không gây hiểu nhầm thì đề này không đạt được.

Bạn đọc Mai

-  Các em học sinh được học theo cách dạy rập khuôn, học vẹt thì đó là đề khó, đừng đổ cho các em không chịu tư duy, lười biếng. 

Biết bao nhiêu em học sinh đã khóc, đã hụt hẫng vì đề thi này bởi người ra đề muốn học sinh tư duy, trong khi phần lớn thầy cô giờ dạy học sinh học vẹt, giải đề vẹt. Lỗi tại ai?

Bạn đọc Hồng

- Tôi là một giáo viên dạy toán, con tôi vừa thi tuyển sinh 10 ở TP.HCM năm nay, sức học khá. Tôi cũng muốn cho con phát triển tư duy lắm chứ, nhưng nói thật là bài vở trong trường rất nhiều. 

Cả năm cháu ngủ còn không đủ, lấy đâu ra thời gian đào sâu tư duy. Tháng cuối ôn thi, dù đã được nghỉ các môn khác, chỉ còn phải học toán, văn, Anh văn thôi nhưng cũng phải làm các dạng đề được giáo viên cho rất nhiều.

Tôi cho rằng chương trình hiện nay quá tải với hầu hết các em rồi. Thử hỏi trong tình hình ấy quỹ thời gian đâu ra để nghiền ngẫm, nghiên cứu cái hay, cái đẹp của môn toán.

Bạn đọc Minh Toàn

Thi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu: chỉ có 8 học sinh đạt điểm 10 môn toánThi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu: chỉ có 8 học sinh đạt điểm 10 môn toán

Chỉ có 8/3.714 học sinh đạt điểm 10 môn toán không chuyên trong kỳ thi vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu năm 2024.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên