Theo một giáo viên toán tự do ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên), đề thi toán tuyển sinh lớp 10 năm nay có sự phân hóa cao.
"Tôi đánh giá đây là một đề thi hay. Thứ nhất, đề thi phân hóa rất rõ ràng, phù hợp với một kỳ thi tuyển sinh. Thứ hai, để có thể giải quyết các câu hỏi thì thí sinh cần có khả năng phân tích đề, khả năng tư duy và vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học", giáo viên này nhận định.
Trước việc nhiều thí sinh than đề toán quá khó, các em không làm bài được, giáo viên trên ý kiến: "Đó là do học sinh học theo mô típ cũ. Tức là cách dạy hiện nay của một số giáo viên là dạy theo kiểu "hàng ngang". Trước mỗi vấn đề là dạy liên tục, cho học sinh làm bài liên tục, có khi đến 20 bài na ná nhau để các em quen với dạng đề. Đến khi đi thi gặp dạng bài tương tự thì cứ thế mà làm.
Nhưng nếu gặp đề thi cho ra khác một chút thì học sinh không thể ứng biến. Ở đây chính là các em chưa biết cách vận dụng kiến thức một cách linh hoạt để giải quyết vấn đề. Tình trạng này xảy ra khi học sinh gặp bài 3, bài 6, bài 7 trong đề toán thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM năm nay".
Giáo viên trên nhấn mạnh: "Cách dạy và học toán theo mô típ cũ như trên sẽ không hình thành được năng lực tư duy và lập luận toán học cho học sinh. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao đề thi toán của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM năm 2024.
Từ đề thi này, cần có cuộc cải tổ cách dạy và học toán trong trường phổ thông.
Nếu có góp ý với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tôi mong sở hãy điều chỉnh cách mô tả lại đề thi toán trong mùa tuyển sinh lớp 10 năm sau. Không nên biên soạn đề thi quá dài với 2 trang giấy như năm nay.
Bộ phận biên soạn đề thi cần sử dụng ngôn từ miêu tả dễ hiểu hơn, phù hợp với độ tuổi học sinh lớp 9 hơn. Hãy hiểu cho thí sinh là các em vừa học hết cấp THCS, lại bị áp lực phòng thi nên gặp cái đề quá dài rất dễ bị hoảng và rối".
* Thầy Kiều Tuấn Hưng, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM:
Câu 6, 7 của đề thi toán không thường gặp, học máy móc khó làm được
Với đề toán thi lớp 10 vừa rồi, những học sinh học máy móc thì khó lòng làm được. Học sinh phải có khả năng đọc hiểu và vận dụng linh hoạt kiến thức đã được học mới làm được đúng.
Cách hỏi của câu số 6, số 7 là những câu không thường gặp. Đó là những bài toán lạ, đòi hỏi học sinh phải có khả năng đọc hiểu và tư duy mới làm được.
Câu 6 là câu nói về toán chuyển động ngược chiều và viết hàm số biểu diễn khoảng cách của hai xe so với TP.HCM. Chuyển động ngược chiều này làm cho học sinh hoang mang, khó tưởng tượng ra được.
Câu 6 còn hỏi biểu diễn khoảng cách của hai xe so với TP.HCM. Đoạn 7 giờ 15 phút, học sinh biết tự động thay giá trị thích hợp vào mới làm được hàm số đúng.
Bài số 7 là một bài khó. Hai thùng chứa nước thì cho mở vòi nước để chảy hết ra ngoài. Đòi hỏi học sinh phải biết lập hệ phương trình, gọi x, gọi y. Bài 7 là một bài toán phân loại.
Đề này thì học sinh giỏi toán, có thể thi chuyên toán thì làm được hết. Phố điểm chủ yếu 5, 6 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận