08/06/2024 11:51 GMT+7

Đề thi toán lớp 10 quá khó: Do sức học hay do đề phân hóa cao?

Rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh bài viết 'Nhiều thí sinh khóc vì đề thi toán lớp 10, Sở Giáo dục TP.HCM nói gì?'.

Một thí sinh động viên bạn sau giờ thi môn toán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một thí sinh động viên bạn sau giờ thi môn toán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Trước ý kiến đề thi toán tuyển sinh lớp 10 năm nay khó và dài, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - giải thích kỳ thi lớp 10 là kỳ thi tuyển sinh, do đó tinh thần của đề thi sẽ phải thể hiện tính phân hóa: có dễ, có khó để phục vụ được mục tiêu tuyển sinh.

Ý kiến của lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM khơi lên nhiều tranh luận.

Chênh lệch sức học và đề thi

Bạn đọc Lê Văn Vinh nêu quan điểm: Việc dạy học thời nay chạy theo thành tích đến nỗi có học sinh điểm cả năm 7.0 mà vẫn còn sợ rớt. Cứ lấy điểm thi so sánh với điểm học bạ sẽ thấy rõ.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Ngọc Siêng cho rằng: "Học qua các lớp ôn thi quen rồi nay không trúng tủ gọi là khó. Phải hiểu rằng đây là đề thi tuyển, khác với đề thi tốt nghiệp. Đề thi tuyển sinh với mục đích em nào giỏi thì vào, em nào kém hơn thì chịu". 

Cùng ý kiến, bạn đọc Đảm Ý viết: "Thi tuyển sẽ khó, điểm sẽ không cao như trong lớp. Có những bạn trong lớp luôn được 10 điểm, thi chỉ được 8 điểm thôi nên thất vọng, nhưng như vậy mới là thi.

Các bạn coi đề của một số tỉnh thành khác như Hải Phòng, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, coi các câu ăn điểm 9, 10 sẽ thấy đề thành phố không khó. Có người than đề dài. Đề toán dài mà có gợi ý sẽ dễ làm hơn. Nhiều đề ngắn mà nháp bao nhiêu cũng không ra trừ khi học tủ".

Bạn đọc Dd chia sẻ: "Các phụ huynh thấy bị tổn thương lòng tự hào khi con gặp đề không giải được. Luôn muốn con là học sinh xuất sắc là gây áp lực cho con thôi…

Lỗi của chúng ta là sự kỳ vọng hão huyền và danh hiệu, nên khi con em chúng ta không vận dụng được kiến thức vào bài toán thực tiễn thì phụ huynh chúng ta cảm thấy cay và bực vì TP cho đề không lọt vào tủ của các con".

Còn bạn đọc Quân cho rằng: "Tôi là giáo viên tiểu học, rất tán thành đề thi phân hóa theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi ra đề đúng yêu cầu phân loại chất lượng rất rõ. Nhưng cũng có thời gian đầu tôi bị áp lực từ phía phụ huynh và ban giám hiệu nhưng tôi vẫn kiên quyết làm đúng yêu cầu, đúng quy định ngành. Thế là sau này phụ huynh cũng hiểu và bớt áp lực cho tôi".

Phân hóa quá... ghê gớm 

Tự giới thiệu mình là phụ huynh của học sinh giỏi 4 năm liền, bạn đọc Long thông tin: "Con tôi năm nay thi lớp 10. Tôi đã cho con theo học hè toán từ năm lớp 8, vừa học trường vừa học gia sư hơn một năm và rất nhiều đề thi thử của các năm, con đều đạt thang điểm 7 và 8".

Nhưng đến hôm thi toán - sau ngày thi đầu tiên hoàn thành rất tốt môn văn và ngoại ngữ - bước ra khỏi cổng trường, con anh rất buồn: "Ba ơi đề khó con làm không được tốt lắm. Con làm rất nhiều đề rồi nhưng chưa thấy đề nào khó như vậy!". 

"Thật sự tôi mong chương trình giáo dục luôn đổi mới để đem đến cho học sinh làn gió mới. Đề phân hóa nhưng cũng nên phân hóa theo từng giai đoạn, chứ học lực khá giỏi mà thi tầm 5 với 6 điểm thì học sinh trung bình khá sẽ được mấy điểm? 

Năm 2023 thì chỉ khoảng 46% trên điểm trung bình, năm nay không biết được 40% trên điểm trung bình không", bạn đọc Long băn khoăn.

Bạn đọc Phạm Hiền không đồng ý với cách diễn giải của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP trong cuộc họp báo ngày 7-6. Theo bạn đọc, không cứ ra đề nhiều câu khó mới đảm bảo tính phân hóa, nhiều tỉnh ra đề vừa sức với học sinh mà vẫn đảm bảo tính phân hóa và đánh giá chất lượng thí sinh.

"Năm ngoái TP.HCM ra đề có bị kêu khó như năm nay đâu, mà vẫn đảm bảo phân hóa đấy chứ. Đề khó làm các lứa học sinh sau lo, lại phải học thêm nhiều hơn, tạo áp lực cho các em và gia đình", bạn đọc Phạm Hiền bày tỏ.

Còn bạn đọc Hoàng Tùng nêu: "Khó hay dễ không phải vấn đề". Vấn đề nằm ở "sự khác biệt về độ khó giữa các môn thi tuyển gây ra sự bất công cho các học sinh".

"Học sinh khá văn hay tiếng Anh có thể lấy được điểm 10 dễ dàng nhưng học sinh giỏi toán thì chưa chắc được 10 điểm môn toán năm nay. Các môn thi nên có mức độ phân hóa tương đương nhau", bạn đọc Hoàng Tùng viết thêm.

Bạn đọc Nguyễn Tuấn Sơn cho rằng một đề thi phân hóa thì sẽ có 7 điểm dành cho học sinh ở mức trung bình khá, 3 điểm ở mức khó. "7 điểm ở mức khó, 3 điểm ở mức dễ thì xây dựng ma trận để làm gì?", anh băn khoăn.

Theo bạn đọc Hoa Vàng, "đề ra phải phân hóa: học sinh trung bình làm được 4, 5 điểm; học sinh khá 5, 6 điểm và học sinh giỏi 6, 8 điểm, học sinh xuất sắc 8, 10 điểm thì tâm lý học sinh cũng không bi quan lắm. 

Đằng này các cháu thi ra thấy chỉ làm được 2, 3 điểm hay 4 điểm, cao lắm là 5 điểm đối với học sinh giỏi thì tâm lý rất buồn bã và khóc nức nở là vậy. Đồng ý là phân hóa, nhưng năm nay đề ra phân hóa ghê gớm quá?".

Làm rõ thông tin nữ sinh đi thi lớp 10 từ 4-6 nhưng không thấy về nhàLàm rõ thông tin nữ sinh đi thi lớp 10 từ 4-6 nhưng không thấy về nhà

Cơ quan chức năng An Giang đang thông báo, yêu cầu làm rõ thông tin nữ sinh đi thi lớp 10 tại TP Châu Đốc đến nay chưa thấy về nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên