13/10/2019 14:22 GMT+7

Học sinh lớp 8 viết sách kể bị điểm thấp vì làm bài không giống cô

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đang là học sinh lớp 8, cậu bé Nguyễn Duy Quân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) góp mặt trong cuốn sách tiếng Anh của một nhóm 11 học sinh bằng một bài luận có tựa đề ‘Nhà trường Việt Nam giết chết sáng tạo’.

Học sinh lớp 8 viết sách kể bị điểm thấp vì làm bài không giống cô - Ảnh 1.

Nguyễn Duy Quân đã có một bài luận trong cuốn sách tiếng Anh So That I Will Roar You Gently 'than phiền' nhà trường Việt Nam giết chết các sáng tạo - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Bài viết của Quân có tựa tiếng Anh Do Vietnamese Schools Kill Creativity? Trong bài viết dài hơn 6 trang sách, Nguyễn Duy Quân đã bày tỏ quan điểm của mình về việc cần cải cách phương pháp dạy học và thi cử trong nhà trường Việt Nam để phát huy tính sáng tạo của học sinh, thay vì cách giáo dục như hiện nay giết chết hết sáng tạo của học sinh.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ngay sau buổi tọa đàm ra mắt sách chiều 12-10 tại Hà Nội, Duy Quân cho biết em hiện đang học lớp 8.1 trường Vinschool tại TP. HCM.

Duy Quân bắt đầu học tại trường này từ năm học lớp 6. Trước đó em đã có trải nghiệm không mấy vui vẻ với trường học khi học tiểu học.

Học sinh lớp 8 viết sách kể bị điểm thấp vì làm bài không giống cô - Ảnh 2.

So That I Will Roar You Gently là cuốn sách bằng tiếng Anh của 11 học sinh Vinschool - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

"Cách dạy của giáo viên hoàn toàn không khuyến khích sự sáng tạo của học sinh khi mà luôn bắt chúng em phải ôn thi theo đề cường mẫu, bắt học thuộc lòng các đáp án trước mỗi kỳ thi và học sinh phải trả lời những câu hỏi theo đúng hướng dẫn đề cương ôn tập thì mới được điểm cao chứ không được phép có câu trả lời riêng của chính mình", Duy Quân chia sẻ.

Duy Quân còn nhớ mãi năm học lớp 4, cô giáo cho bài thi môn mỹ thuật là vẽ một con khỉ. Cả lớp gần như vẽ giống nhau và vẽ giống cô giáo hướng dẫn thì được điểm cao. Riêng Quân vẽ con khỉ khác bạn bè và khác cô giáo, em nhận được điểm rất thấp.

Rồi những kỳ thi buộc phải học thuộc lòng đề cương vẫn còn ám ảnh Duy Quân tới tận bây giờ.

Và cậu bé học sinh lớp 8 này quyết định viết một bài luận đặt câu hỏi: có phải các nhà trường Việt Nam giết chết sự sáng tạo? Quân cũng đưa ra giải pháp trong bài luận của mình là nhà trường cần phải cải tiến đề thi, đưa vào những câu hỏi có tính chất gợi mở và đòi học sinh phải có tính sáng tạo và kỹ năng xâu chuỗi nhiều kiến thức.

Học sinh lớp 8 viết sách kể bị điểm thấp vì làm bài không giống cô - Ảnh 3.

10 tác giả của cuốn sách và các đại biểu tại lễ ra mắt sách chiều 12-10 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Bài luận của Duy Quân được lựa chọn tham gia vào dự án xuất bản sách So That I Will Roar You Gently, được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, cùng với 10 học sinh Vinschool khác trong cả nước, do Trung tâm tư vấn và phát triển tài năng - GATE Center của Vinschool tổ chức.

Cuốn sách được thực hiện chỉ trong vòng 3 tháng, chia làm 3 chương với 13 mẩu chuyện nhỏ, xoay quanh cuộc sống và tâm tư những bạn trẻ đang tuổi cắp sách tới trường về các vấn đề xung quanh, từ trường lớp, gia đình đến cộng đồng xã hội.

Ngoài câu chuyện của Duy Quân, cuốn sách còn có rất nhiều bài viết đáng chú ý.

Trong bài viết I don’t know what I want, Trần Đức Toàn, học sinh lớp 12 tại Hà Nội đã thể hiện nỗi lo âu về một thế hệ trẻ người Việt sẽ trở nên thụ động trong việc tư duy và thiếu quyết đoán.

Học sinh lớp 8 viết sách kể bị điểm thấp vì làm bài không giống cô - Ảnh 4.

Các tác giả sách ký tặng cho độc giả - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Hà Khánh Phương lại mạnh dạn đưa ra quan điểm ngược lại trong tác phẩm What others think of us (Những gì người khác nghĩ về chúng ta). Khánh Phương chứng minh ba định kiến mà người lớn và người nước ngoài nhận định về học sinh Việt Nam là không đúng. Đó là học sinh Việt Nam thụ động; không có bạn bè thân; chỉ biết học mà không có kỹ năng sống tốt.

Còn những bài viết như: My Bag, Fish versus Fishing: Forms of Aid for Vietnam’s Struggling Farmers, Funny Medicine, 10.000 hours mang theo những thắc mắc cần được lắng nghe, thấu hiểu và giải đáp của các bạn trẻ hôm nay.

Colors, Where All the Wind Blows, Someone in the Crowd, Teaching Them a Lesson, Far from Home lại là tiếng thì thầm của các bạn trẻ mong muốn được bày tỏ ý kiến, được thấu cảm và chia sẻ từ người lớn về tình yêu, tình cảm gia đình, nỗi niềm của những đứa trẻ xa nhà.

Cuốn sách sẽ giúp cho độc giả phần nào hiểu được tâm tư của một bộ phận thế hệ trẻ hôm nay.

Toàn bộ doanh thu bán sách được dùng cho mục đích từ thiện.

​Trường lớp có đang giết chết sự sáng tạo của học sinh? ​Trường lớp có đang giết chết sự sáng tạo của học sinh?

Đó là một trong những chủ đề về vấn đề xã hội nóng hổi hiện nay được tranh biện tại vòng chung kết cuộc thi nói tiếng Anh "YOLA Young Voice Contest" do Trung tâm Anh ngữ YOLA tổ chức ngày 23-4-2017.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên