10/01/2023 18:18 GMT+7

Học sinh bày mâm cỗ, làm củ kiệu đón Tết Nguyên đán tại trường

Không chỉ tổ chức một ngày lễ cho học sinh vui chơi, năm nay Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động trong một tuần cận kề trước Tết Nguyên đán để học sinh trải nghiệm ngày Tết cổ truyền đang đến gần.


Học sinh bày mâm cỗ, làm củ kiệu đón Tết Nguyên đán tại trường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du cùng nhau cuốn gỏi cuốn để bày biện mâm cỗ ngày Tết - Ảnh: MỸ DUNG

"Thứ hai, thứ ba chúng em thực hiện bày biện mâm cỗ Tết Nguyên đán, gói gỏi cuốn tôm thịt, làm củ kiệu… Cùng các bạn, thầy cô bày biện mâm cỗ, cả trường đều rộn ràng, Tết đang đến thật gần. Thứ tư, thứ năm trường lại gói bánh chưng, làm mứt dừa, làm bao lì xì… 

Ngày nào đi học, sân trường cũng cứ rộn ràng như vậy, không khí Tết cổ truyền đã đến trường em từ đầu tuần này rồi" - em Nguyễn Nhật Phương, học sinh khối 8 Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM, chia sẻ tại buổi lễ thi mâm cỗ ngày Tết của khối 8, 9, ngày 10-1 tại trường này.

Học sinh bày mâm cỗ, làm củ kiệu đón Tết Nguyên đán tại trường - Ảnh 2.

Học sinh trình bày với ban giám khảo về các món ăn trên mâm cỗ ngày Tết của lớp các em - Ảnh: MỸ DUNG.

Tại sân Trường THCS Nguyễn Du, những mâm cỗ Tết được phụ huynh, học sinh, giáo viên chuẩn bị tươm tất. Có lớp bày biện mâm cỗ Tết Nguyên đán đặc trưng theo kiểu miền Bắc với bánh chưng, giò chả, bình trà, cành đào, kẹo mứt.

Có lớp lại chọn kiểu đặc trưng miền Nam với canh khổ qua, thịt kho trứng… 

Có lớp thực hiện mâm cỗ Tết cả ba miền Bắc, Trung, Nam với cả những hình ảnh trang trí từ bao lì xì đỏ thắm, nem công, chả phụng đến hạt dưa, hướng dương ở miền Bắc… 

Bên cạnh những mâm cỗ đó, món bắt buộc mà tất cả học sinh các lớp đều phải thực hiện đó là gỏi cuốn.

"Sau mỗi mâm cỗ của cả lớp là sự hợp sức, vui vẻ, học hỏi, làm việc cùng nhau của các em học sinh. Các em cùng nhau chăm chút cho mâm cỗ của lớp mình, hướng dẫn nhau làm gỏi cuốn… Những cái nào lỡ tay làm không đẹp, không thi được, các em lại cùng nhau ăn. 

Tất cả những điều đó không chỉ dạy cho các em biết thêm về Tết cổ truyền mà thực sự mang đến cho các em không khí sum vầy đặc biệt của ngày Tết Nguyên đán, sự ấm áp, sẻ chia, đoàn viên. Vì thế, hoạt động này rất có ý nghĩa trong việc dạy các em về những giá trị của ngày Tết" - cô Đinh Thị Luyến, giáo viên bộ môn ngữ văn của Trường THCS Nguyễn Du, nhận xét.

Học sinh bày mâm cỗ, làm củ kiệu đón Tết Nguyên đán tại trường - Ảnh 3.

Cùng bày biện mâm cỗ khiến cho các bạn học sinh có tính phối hợp cao hơn, tốt hơn - Ảnh: MỸ DUNG

Khác với những năm trước, năm nay Trường THCS Nguyễn Du tổ chức các hoạt động giáo dục về ngày Tết cổ truyền xen kẽ vào các ngày học trong tuần và tạo nên tuần lễ dạy học về Tết Nguyên đán.

"Trường muốn học sinh nào cũng cảm nhận được những giá trị của ngày Tết cổ truyền, đó là lý do mà chúng tôi tổ chức xen kẽ trong các ngày học bình thường của học sinh. Kết thúc của tuần lễ này là tuần hội xuân" - cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, nói. 

Cô Trang cho biết thêm cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều gia đình hiện nay không còn tự tay làm nhiều thực phẩm để đón Tết Nguyên đán, có nhà năm mới cũng đi chơi nên nhà trường muốn mang đến một cái Tết sum vầy.

Học sinh bày mâm cỗ, làm củ kiệu đón Tết Nguyên đán tại trường - Ảnh 4.

Các em học sinh cùng nhau quây quần ăn bữa cơm ngày Tết tại trường - Ảnh: MỸ DUNG

"Các em được trải nghiệm gói bánh chưng, làm củ kiệu, làm mứt dừa, làm bao lì xì, bày biện trang trí mâm cỗ… Một số sản phẩm các em làm còn được bán để ủng hộ cho cộng đồng nhằm dạy cho học sinh sự sẻ chia tương thân tương ái của người Việt" - cô Đoan Trang vui vẻ chia sẻ.

Qua hai ngày làm việc cùng các em học sinh, nghệ nhân Bùi Thị Sương, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, cho biết bà rất tâm đắc với chương trình dạy Tết cổ truyền cho học sinh này của nhà trường.

"Mặc dù các em học sinh còn nhỏ nhưng ý thức tìm hiểu về văn hóa cổ truyền, văn hóa ẩm thực rất tốt. Các em cũng rất cố gắng dù có thể nhiều cái thực hiện chưa khéo léo, cuốn chả giò, gỏi cuốn chưa chặt tay nhưng thể hiện tinh thần tích cực, ham học hỏi, yêu truyền thống…

Trong bối cảnh thức ăn nhanh tràn lan như hiện nay và cái Tết cổ truyền ngày một khác trước rất nhiều, tôi mong việc dạy học qua những hoạt động như thế này sẽ lan tỏa đến nhiều trường, tạo nên sự tích cực trong giữ gìn truyền thống của thế hệ trẻ", bà Bùi Thị Sương nêu mong muốn.

Khách Trung Quốc trở lại Khánh Hòa dịp Tết Nguyên đán Khách Trung Quốc trở lại Khánh Hòa dịp Tết Nguyên đán

Sáng 8-1, bà Lê Thị Hồng Minh - giám đốc Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh - cho hay nhiều hãng hàng không Việt Nam và quốc tế sẽ khai thác trở lại các đường bay với Trung Quốc. Dự kiến khách Trung Quốc sẽ đến Khánh Hòa trong dịp Tết Nguyên đán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên