19/01/2021 09:07 GMT+7

Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa

THÁI BÁ DŨNG -  TẤN LỰC - HỮU KHÁ
THÁI BÁ DŨNG - TẤN LỰC - HỮU KHÁ

TTO - Ngày này cách đây 47 năm (19-1-1974), Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng trong trái tim người Việt, quần đảo này vẫn mãi mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa - Ảnh 1.

Ông Trần Thọ Phi Hổ (trái) tặng những bức ảnh quý chụp ở đảo Hoàng Sa cho ông Lê Tiến Công - phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

"Lúc chú về lại Sài Gòn, ảnh chụp ở Hoàng Sa được tráng ra rất nhiều. Khi đó tui còn nhỏ, thấy ảnh lính cầm súng rồi ảnh những con rùa khổng lồ trên đảo thì tui lấy ra chơi chứ không ý thức được nó quý giá như thế nào. Sau đó mới biết là kỷ vật thiêng liêng nên gìn giữ.

Ông Trần Thọ Phi Hổ

Vài ngày trước dịp kỷ niệm 47 năm trận hải chiến Hoàng Sa (19-1-1974), một người đàn ông từ TP.HCM đã tìm tới Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng hiến tặng bộ ảnh quý mà ông đã cất giữ với nặng trĩu nỗi niềm suốt bao năm.

"Lòng tôi lúc này rất xúc động, không biết diễn tả thế nào. Tôi đã đến trễ và đáng lẽ những tấm ảnh tôi đang có đã được nằm trang trọng ở đây, thay vì một mình tôi đau đáu cất giữ" - ông Trần Thọ Phi Hổ (56 tuổi), người tìm tới Nhà trưng bày Hoàng Sa trưa 15-1, nói.

"Giá như tôi đến sớm hơn"

Một ngày gần cuối năm, một người đàn ông bước vào Nhà trưng bày Hoàng Sa, nói với các nhân viên của nhà trưng bày: "Tôi là Hổ, Trần Thọ Phi Hổ! Tôi phải tự mình ra đây để thấy không gian Hoàng Sa và tận tay bàn giao ảnh cho nhà trưng bày chứ không thể tin, không thể nhờ ai khác chuyển tới được".

Thoáng chút bối rối và choáng ngợp trước khối nhà trang trọng của Nhà trưng bày Hoàng Sa với hình đại quốc kỳ hướng thẳng ra Biển Đông, ông Hổ chậm rãi từng bước lên các nấc thang để đến tầng 3, tầng 4. Ông lặng nhìn từng vỏ ốc, tài liệu cổ đã ố màu thời gian trong Nhà trưng bày Hoàng Sa. 

Khi thấy ảnh các chiến hạm trưng bày trong không gian Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, ông Hổ nói như vỡ òa: "Tôi không nghĩ lại có những tư liệu, những câu chuyện sống động được trưng bày ở một nơi thiêng liêng như vậy. Giá như tôi đến nơi đây sớm hơn".

Ông Hổ cho biết hiện ông sống cùng gia đình tại đường Lê Quang Định (TP.HCM). Ông có người chú Trần Tấn Phú Lâm từng là phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn của Việt Nam Cộng hòa, hiện sống ở Mỹ. Ngoài ông Lâm, một người thân khác của ông Hổ là Nguyễn Văn Vui, năm nay 80 tuổi, cũng đang sống ở Mỹ, từng là hạm phó một tàu vận tải ra Hoàng Sa trước năm 1974.

45 năm giữ những bức ảnh hiếm

Vì gia đình có người thân đi Hoàng Sa như vậy, từ nhỏ ông Hổ đã thấy trong nhà mình có rất nhiều ảnh, tư liệu, các vật dụng được đưa về từ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khoảng năm 1972-1973, người chú Trần Tấn Phú Lâm được phái ra Hoàng Sa để đưa tin về việc trấn đảo. Những ngày ở đó, ông Lâm đã ghi lại rất nhiều hình ảnh trên đảo. Những kỷ vật thiêng liêng đó được gìn giữ đến hôm nay.

Trưa 15-1, khi tới Nhà trưng bày Hoàng Sa, đứng trước không gian trưng bày những tư liệu về Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, ông Hổ tay run run khi lật tấm bao thư được gói ghém hai ba lớp và dán băng keo rất cẩn thận. Trong đó là một loạt ảnh đen trắng mà ông giữ như kho báu suốt 45 năm kể từ ngày người chú của ông qua Mỹ định cư.

Nhiều tấm ảnh ghi lại cảnh người lính đứng bồng súng gác đảo, có tấm lại chụp cảnh rừng bao trùm trên đảo, có tấm chụp cảnh đoàn tàu vận tải đón những người lính đứng trên cầu cảng ở đất liền chuẩn bị ra đảo làm nhiệm vụ mà phía trước là dòng chữ lớn nêu rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền: "Hải quân VN quyết tâm bảo vệ lãnh thổ đến giọt máu cuối cùng".

Ông Hổ gửi lại những kỷ vật đó cho Nhà trưng bày Hoàng Sa để nhiều người biết nhiều hơn về Hoàng Sa, để luôn nhớ về quần đảo mà những người thân của ông và nhiều binh sĩ Việt khác từng đổ xương máu để bảo vệ, giữ gìn.

Hơn 700 tư liệu, sách ảnh, bản đồ Hoàng Sa gửi về

hoang sa 2

Ông Hổ xúc động xem các tư liệu Hoàng Sa của Tổ quốc - Ảnh: B.D.

Ngày 19-1 này là tròn một năm UBND huyện Hoàng Sa và báo Tuổi Trẻ phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa, đến nay đã tiếp nhận 696 đầu sách, 3 bản đồ, 1 tác phẩm sơn dầu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Mới nhất, ngày 15-1, nhà trưng bày nhận được 5 hình ảnh chụp trước năm 1975 do ông Trần Thọ Phi Hổ từ TP.HCM trao tặng. Trong số này đã xác định chắc chắn 1 ảnh chụp từ Hoàng Sa và những ảnh khác đang được thẩm tra.

Theo ông Võ Ngọc Đồng - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, những tư liệu, báo chí, bản đồ, hình ảnh nhận được từ đợt phát động rất có ý nghĩa. Sau khi tiếp nhận, nhà trưng bày đã phân loại khoa học, nghiên cứu xử lý thông tin, kết hợp các tư liệu, sách báo của nhà trưng bày phục vụ bạn đọc và những người quan tâm tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa.

Ông Đồng hi vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm các tư liệu mới về Hoàng Sa từ người dân trong và ngoài nước.

Những vỏ ốc vọng về Hoàng Sa

Hàng ngàn chiếc vỏ ốc trong bộ sưu tập độc đáo mà Nhà trưng bày Hoàng Sa sắp ra mắt công chúng đều mang trong mình thanh âm lạ lùng như vậy. Hơn thế, mỗi vỏ ốc mang về từ Hoàng Sa, Trường Sa còn kể một câu chuyện riêng xúc động.

Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa - Ảnh 5.

Ông Phan Thanh Toại lặng nhìn hai vỏ bào ngư tuyệt đẹp trước khi bàn giao cho Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: TẤN LỰC

Lời thì thầm từ đáy nước Biển Đông

Đà Nẵng ngày cuối năm, trên tầng 4 Nhà trưng bày Hoàng Sa, mọi người hì hục sắp đặt cho dự án đặc biệt: bộ sưu tập vỏ ốc biển mang về từ Hoàng Sa, Trường Sa. Bốn nam nữ nhân viên loay hoay lần gỡ mặt kính, cẩn trọng đặt nhẹ từng chiếc vỏ ốc biển vào tủ trưng bày, rồi họ lùi ra đứng ngắm nghía để điều chỉnh từng chút góc cạnh cho chiếc vỏ ốc rực rỡ nhất khi chiếu đèn. 

Cả tháng nay, họ cần mẫn sắp đặt hàng ngàn vỏ ốc của hơn 1.000 loài ốc. Nâng trên tay những sản vật mang về từ vùng biển xa xôi của nước mẹ Việt Nam, ai nấy không khỏi xúc động.

Dừng lại trước năm chiếc vỏ ốc mực giấy, ông Lê Tiến Công, phó giám đốc phụ trách nhà trưng bày, nhắc hai nữ nhân viên hết sức nhẹ nhàng. Con ốc mực giấy được ngư dân lấy về từ vùng biển Hoàng Sa, chỉ vậy thôi nhưng đối với mỗi người Việt đã là báu vật. 

Không như nhiều loài ốc có lớp vỏ cứng chắc, bộ vỏ ốc mực giấy rất mỏng, tựa như giấy, và mang lại vẻ đẹp lạ thường. Ông Công bảo rằng chỉ riêng việc đưa những vỏ ốc này từ lòng biển Hoàng Sa về đến nhà trưng bày đã là một kỳ công, bởi người sưu tập chúng từng bỏ ra ba ngày chỉ để dán lại một con ốc vỡ.

Vỏ ốc to và dày phát ra âm thanh trầm ấm, ốc mỏng vỏ cho âm cao vút, trong trẻo. Đặt chiếc vỏ ốc vào tai và nhắm mắt lại, dường như khách tham quan nhìn thấy trong tâm tưởng mình mở ra mặt biển rộng lớn có sóng gió trùng khơi của Tổ quốc rì rào vẫy gọi. Ai biết được họ hàng nhà ốc đã bao lần chứng kiến mái chèo khua nước của đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải từ triều đình Đại Việt lướt trên con sóng trong hành trình thực thi chủ quyền lãnh thổ?

Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của nước Việt: Gìn giữ kỷ vật thiêng liêng của Hoàng Sa - Ảnh 6.

Những vỏ ốc tuyệt đẹp được đưa về Nhà trưng bày Hoàng Sa từ vùng biển xa xôi của Việt Nam - Ảnh: TẤN LỰC

"Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi chúng thuộc về!"

Để có được bộ sưu tập 1.000 loài ốc biển Việt Nam giới thiệu cho công chúng không phải điều dễ dàng. Đó là kết quả hơn 15 năm ròng rã theo đuổi đam mê của một người Đà Nẵng yêu biển tha thiết. 

Ông Phan Thanh Toại (48 tuổi) - trưởng bộ môn bơi lặn Trung tâm Huấn luyện vận động viên Đà Nẵng, chủ nhân bộ sưu tập ốc - ngại ngùng trước sự thán phục mọi người dành cho mình. "Biển Việt Nam mình sản vật giàu có lắm, riêng ốc biển thôi đã mấy ngàn loài, tôi sưu tập mới được 1.000 loài thôi, còn rất khiêm tốn" - ông Toại bảo.

Trở về sau chuyến tu nghiệp ngành bơi lặn năm 2005, ông Toại đặt quyết tâm sưu tập cho kỳ được các loài ốc biển Việt Nam. "Thời gian ở nước ngoài, tôi được người bạn tặng cuốn sách ảnh 500 loài ốc biển đẹp của nước này. Tôi phát hiện nhiều loài trong số này sống ở Việt Nam. Trong đó chỉ riêng vùng biển gần bờ đã có hàng trăm loài, còn ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa số loài ốc còn phong phú hơn nữa" - ông Toại chia sẻ.

Suốt 15 năm qua, ông Toại không nhớ nổi mình đã ngược xuôi bao chuyến sưu tầm loài ốc. Không ít ngư dân từ Cửa Lò, Kỳ Anh, Nhật Lệ, Đà Nẵng, Lý Sơn, Nha Trang đến miệt biển Phú Quốc quen mặt ông rồi trở thành mối ruột, chủ động báo tin mỗi khi đánh bắt được ốc quý. Nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công, hay lần sưu tập nào cũng mang về của báu. Không ít lần người đàn ông ấy hăm hở lên đường rồi quay về trong thất vọng, tiếc nuối.

Kinh nghiệm nhiều năm sưu tập, ông Toại bảo rằng ốc biển đẹp nhất Việt Nam tập trung nhiều ở vùng biển miền Trung từ Cửa Lò tới Nha Trang và vùng khơi Hoàng Sa, Trường Sa, do nơi này có nhiều bãi cát, rạn san hô và thảm thực vật biển phong phú, là môi trường sống thích hợp của ốc. Sự có mặt của mỗi loài ốc tại một vùng biển là "chỉ dấu" địa lý cho nơi đó, như ốc anh vũ, ốc kim khôi, trai tai tượng ở Trường Sa; ốc mực giấy, ốc sò gai, ốc xà cừ xanh ở Hoàng Sa.

Những năm qua, không ít nhà sưu tập, viện bảo tàng trong và ngoài nước đánh tiếng mua lại bộ sưu tập ốc với giá cao nhưng ông Toại nhất quyết không bán. Vậy mà vào một sáng đẹp trời, khi cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa đến gõ cửa, người đàn ông này gật đầu không chút suy nghĩ. 

"Đó là tâm niệm của tôi. Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi chúng thuộc về! Và hơn hết, tôi muốn mỗi người dân Việt hiểu hơn về vùng biển giàu có của mình để yêu thêm khơi xa, nơi có Hoàng Sa, Trường Sa trong tim mỗi người" - ông Toại trải lòng.

Nâng tay cầm chiếc vỏ ốc biển áp vào tai, khách tham quan từ ngạc nhiên chuyển sang thích thú khi bên trong chiếc vỏ trống rỗng liên hồi rít lên tiếng rào rào như âm thanh sóng gió Hoàng Sa vọng về.

Giàu thêm kho tư liệu chủ quyền biển đảo

Ông Lê Tiến Công, phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, nói việc tiếp nhận trưng bày bộ sưu tập 1.000 loài ốc biển Việt Nam của nhà sưu tập Phan Thanh Toại đã làm giàu thêm kho tư liệu chủ quyền biển đảo.

Không chỉ vậy, sự kiện giới thiệu bộ sưu tập tới công chúng được kỳ vọng sẽ tạo sức hút lớn, thu hút thêm nhiều người dân và du khách đến với nhà trưng bày, đặc biệt là giới trẻ, học sinh - sinh viên. Nhờ đó, những thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông, đặc biệt là với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ dễ dàng truyền tải đến đông đảo mọi người qua cách thức tự nhiên, trực quan nhất.

'Tháng 7 này tôi sẽ ra Hoàng Sa'

TTO - Một ngày giữa tháng 5, trang Facebook tiếp nhận hiện vật của Nhà trưng bày Hoàng Sa sáng đèn. Tin nhắn của một người lạ gửi đến với một câu chuyện "tìm về" của bộ kỷ vật đặc biệt từ Hoàng Sa: "Tôi muốn hiến tặng hiện vật cho Hoàng Sa".

THÁI BÁ DŨNG - TẤN LỰC - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên