24/05/2020 11:32 GMT+7

'Tháng 7 này tôi sẽ ra Hoàng Sa'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Một ngày giữa tháng 5, trang Facebook tiếp nhận hiện vật của Nhà trưng bày Hoàng Sa sáng đèn. Tin nhắn của một người lạ gửi đến với một câu chuyện "tìm về" của bộ kỷ vật đặc biệt từ Hoàng Sa: "Tôi muốn hiến tặng hiện vật cho Hoàng Sa".


Tháng 7 này tôi sẽ ra Hoàng Sa - Ảnh 1.

Nhà trưng bày Hoàng Sa, TP Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Người này cho biết năm nay 51 tuổi, đang sống tại TP.HCM. Anh có một người chú thứ bảy tên là Trần Tấn Phú Lâm, từng là phóng viên chiến trường.

Trước năm 1975, ông Lâm làm ở kênh 9 Đài vô tuyến truyền hình Việt Nam cộng hòa, hiện đang cư trú tại Anh.

"Tôi có mấy tấm hình cũ của chú tôi chụp trong những lần công tác tại các đảo trên quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm, xin gửi tặng lại cho Nhà trưng bày Hoàng Sa". Anh hẹn rằng trong tháng 7 này sẽ ra Đà Nẵng để tới không gian trưng bày chứng tích Hoàng Sa, trực tiếp tặng các bức ảnh quý ấy.

Câu chuyện của một người dân từ Sài Gòn làm ấm lòng những người công tác tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Hơn ai hết, những người làm công tác tiếp nhận, lưu giữ hiện vật đều hiểu rằng đằng sau mỗi cú điện thoại, mỗi tin nhắn đặt lịch hẹn để gửi tặng kỷ vật, tư liệu là một câu chuyện về hành trình tìm kiếm cũng như cất giữ những kỷ vật thiêng liêng.

Người cháu của cựu phóng viên chiến trường đang lưu giữ những tấm ảnh quý của chú mình từ Hoàng Sa cũng thổn thức trái tim khi nói rằng mấy chục năm nay, anh coi những tấm ảnh chú mình chụp về lính Hoàng Sa mà rưng rưng, bùi ngùi. Khi biết đến tư liệu Hoàng Sa qua loạt bài "Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim" trên Tuổi Trẻ thì người cháu này đã lục lại tư liệu để mong muốn gửi tới nhà trưng bày.

Người đàn ông có chú mình từng là phóng viên chiến trường nói trên cũng như những "tri âm" Hoàng Sa mà chúng tôi đã gặp, tiếp xúc trong những ngày đi tìm tư liệu cùng Nhà trưng bày Hoàng Sa. Mỗi người một cuộc đời, một gánh nặng về cuộc sống nhưng trong sâu thẳm vẫn hướng lòng về những mảnh đất máu thịt, họ lưu giữ và không tiếc công đi tìm kiếm những tư liệu mang một phần hình hài Tổ quốc.

Hoàng Sa trong tim người Việt, phần lãnh thổ ấy vẫn còn nguyên vẹn hình hài. Những câu chuyện tìm về của các hiện vật, những tư liệu quý như minh chứng bất diệt khẳng định rằng Hoàng Sa hay những cụm đảo khác không bao giờ bị lãng quên trong trí nhớ mỗi con dân nước Việt. 

"Tháng 7 này tôi ra Hoàng Sa" - lời hẹn ước gửi gắm của người cháu cựu phóng viên chiến trường cũng là lời hứa chung của những người luôn hướng lòng về Hoàng Sa, họ vẫn đang tích cực đào bới, để ý và kiếm tìm nhằm đưa về những mảnh ghép hình hài Tổ quốc, để câu chuyện Hoàng Sa sẽ không bị lãng quên mà sẽ luôn được nhắc mãi.

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo! Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo!

TTO - Năm 2006, một bộ phim tài liệu kể về những người Việt từng sinh sống gắn bó ở Hoàng Sa được công chiếu trên đài truyền hình, đã làm thổn thức trái tim hàng triệu dân Việt Nam. Bộ phim này tới nay là tài liệu hiếm để công bố sự thật Hoàng Sa.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên