23/05/2020 11:15 GMT+7

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo!

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Năm 2006, một bộ phim tài liệu kể về những người Việt từng sinh sống gắn bó ở Hoàng Sa được công chiếu trên đài truyền hình, đã làm thổn thức trái tim hàng triệu dân Việt Nam. Bộ phim này tới nay là tài liệu hiếm để công bố sự thật Hoàng Sa.

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo! - Ảnh 1.

Các nhân chứng Hoàng Sa hội ngộ trong phim Nhớ đảo - Ảnh: B.D.

Những cuộc gặp gỡ không lời thoại

Tác giả những thước phim này là NSND Huỳnh Hùng - hiện là giám đốc Sở Văn hóa TP Đà Nẵng, cùng NSƯT Trí Trung. Thời điểm làm phim, hai tác giả này công tác ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng.

Gần 15 năm trôi qua kể từ giây phút bộ phim dài hơn 30 phút lên sóng, khi xem lại những hình ảnh mình đã quay từ những người Việt trở về từ Hoàng Sa, ông Hùng vẫn vẹn nguyên cảm xúc. "Tôi cứ rởn gai ốc. Nhiều người sau khi xem phim đã nói rằng không thể tin câu chuyện về Hoàng Sa lại chứa nhiều góc khuất bi tráng như vậy".

Bộ phim tài liệu đó được đặt tên Nhớ đảo! Và đảo được đề cập trong câu chuyện chính là Hoàng Sa và nhân vật cũng không ai khác: các nhân viên khí tượng, cựu binh Hoàng Sa từng nhiều năm gắn bó như máu thịt với quần đảo thiêng liêng của nước Việt.

Sự ra đời bộ phim tài liệu đặc biệt này được ông Hùng kể rằng từ 2005, những cuộc tiếp xúc nhằm xây dựng tư liệu Hoàng Sa được Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng mà đặc biệt là UBND huyện Hoàng Sa liên tục tổ chức. Những người có trách nhiệm hiểu rằng đã đến lúc tập hợp tư liệu chủ quyền để đưa ra công chúng trong thời điểm những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc có xu hướng gia tăng. Ông Huỳnh Hùng lúc đó đang là phó giám đốc khối nội dung Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng nhưng được biết đến nhiều qua nhiều loạt phim tài liệu dày công.

Một buổi sáng đầu năm 2005, nghệ sĩ Huỳnh Hùng cùng quay phim Trí Trung được mời đến để dự cuộc gặp mặt rất đặc biệt: cuộc hạnh ngộ của cựu cán bộ khí tượng, cựu binh Hoàng Sa với UBND huyện Hoàng Sa. Căn phòng chật chội nằm trên dãy nhà công vụ số 132 đường Yên Bái (Đà Nẵng) sáng hôm ấy chộn rộn lạ thường. Hình ảnh những cán bộ ngồi đối diện đón chào từng cựu binh Hoàng Sa đã gây ấn tượng đặc biệt đối với người chuyên làm tư liệu.

"Đó là những lãnh đạo của UBND huyện Hoàng Sa. Có gì đó rất thật, dường như không chút khoảng cách hay ngần ngại nào giữa họ với người đã từng ở "bên kia chiến tuyến". Chúng tôi im lặng để nghe họ trò chuyện. Tôi nhận ra tất cả có một nỗi đau chung: nỗi đau mất mát Hoàng Sa" - ông Hùng nhớ lại.

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ cuối: Nhớ đảo! - Ảnh 2.

NSND Huỳnh Hùng vẫn còn nhiều kỷ niệm khó quên về chứng nhân Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Gặp "Hoàng Sa" trong uất nghẹn

Bộ phim tài liệu Nhớ đảo tới nay đã trở thành tài liệu công chiếu trên nhiều đài truyền hình lớn. Bảo tàng Đà Nẵng lẫn Nhà trưng bày Hoàng Sa đều dành không gian trang trọng để phát trên màn hình phục vụ người xem. Phim đã giành được nhiều giải cao tại các liên hoan truyền hình lẫn các giải báo chí.

Ông Lê Phú Nguyện, chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa, nói với chúng tôi rằng nếu làm tư liệu cho Hoàng Sa mà không đề cập tới bộ phim này sẽ là điều rất tiếc. "Chỉ khi xem phim chúng ta mới hiểu hết những thông điệp và nỗi đau chất chứa ở trong đó. Dù phim có rất ít lời bình. Đây chính là tài liệu gói gọn, phản ánh chân thực nhất tư liệu Hoàng Sa từ những người chứng kiến, tới nay là một tư liệu mà không cần quá nhiều thời gian để diễn giải ra thành lời" - ông Nguyện nói.

Nghệ sĩ Huỳnh Hùng cho biết sau cuộc gặp lần đầu tại UBND huyện Hoàng Sa, ông đã bàn với nghệ sĩ Trí Trung. Cả hai viết đơn trình bày nội dung rồi xách máy từ kho chạy đi làm. Nhân vật được chọn để làm nội dung bao trùm cho phim là cụ Võ Như Dân - hiện đã 84 tuổi, sống ở đường Hoàng Diệu.

Nghệ sĩ Huỳnh Hùng xúc động kể lại giây phút ông được gặp "bằng da bằng thịt" những người trở về từ Hoàng Sa. "Cụ Dân, cụ Phạm Khôi, cụ Huỳnh Văn Thính - sau nhiều năm mất đảo họ đã trở về và trôi nhòa vào đời sống bộn bề mưu sinh. Nhưng khi chúng tôi đề cập câu chuyện Hoàng Sa, họ đều như vỡ òa và ánh mắt luôn như van nài người đối diện: các anh có thể chuyển tải hết cõi lòng của tôi về Hoàng Sa hay không?".

"Chúng tôi nghẹn ngào bấm máy và giữ bất động. Máy cứ chạy, còn tâm trí chúng tôi không thể dứt ra khỏi khuôn mặt các cựu binh. Sau mỗi buổi quay phim, anh em về mở máy xem lại mà cứ nghẹn ngào. Họ sống động và thiêng liêng như chính chúng tôi đang quay họ trên đảo Hoàng Sa vậy" - ông Hùng xúc động tâm sự.

Hoàng Sa hiện lên trong nỗi quặn đau của nhân chứng và tôi thấu cảm được. Tôi ước một ngày con cháu chúng ta có thể lên lại đó, muốn vậy thì phải không được một phút giây cho phép mình thôi nuôi ý chí.

NSND Huỳnh Hùng

Nhớ đảo được tái hiện trên lời kể ký ức của những nhân chứng Hoàng Sa, những người từng sống tuổi thanh xuân trên đảo. Phim không có quá nhiều lời bình, chủ yếu Hoàng Sa được thể hiện thông qua tiếng kể đứt quãng của các cựu binh, cựu cán bộ khí tượng. Nhưng phần kết phim lại làm người xem "sởn da gà" khi đóng chốt lại cảnh nhân chứng Hoàng Sa ngồi trước bãi cát ở bờ biển nghèo, ánh mắt xa xăm hướng về biển khơi như ngóng ngày trở về đảo thiêng của Tổ quốc.

"Tôi đau lắm! Các cựu binh họ cũng như vậy. Chúng tôi lặng lẽ ngồi cùng nhau trên bãi cát, mỗi người làm một việc khác nhau mà tim như đau buốt. Ôi, Hoàng Sa, như một phần máu thịt của chúng tôi" - ông Hùng kể.

Sau hai năm cật lực bấm máy, cuối năm 2006, trong một buổi tối, phim Nhớ đảo được công chiếu. Ngay hôm sau, bộ phim này gây ra một sự bàn tán rất lớn từ công chúng. Người dân Đà Nẵng biết ông Huỳnh Hùng, ông Trí Trung là ai nên họ tìm tới đài để gặp, có người gọi điện bày tỏ lòng cảm ơn. 

"Phim lên sóng nhưng tim chúng tôi vẫn đập mạnh, vui nhưng cũng lo không biết có rắc rối gì tới với mình hay không. Nhưng rất may là không chỉ được công chúng đón nhận mà các cơ quan, tổ chức cũng mở lòng. Họ động viên, khen ngợi chúng tôi đã dày công để đưa ra được những câu chuyện xúc động về chủ quyền của Tổ quốc" - ông Hùng nói.

NSND Huỳnh Hùng cho biết thỉnh thoảng ông vẫn tới thăm các nhân vật cũ của mình. Có người đã mất, có người còn sống, có người giờ đã nằm liệt giường. Hơn cả việc tri ân, ông tới để cảm nhận nỗi đau chung cùng nhân vật - một nỗi đau chung của hàng triệu người Việt. 

"Tôi gặp lại họ - những nhân chứng với những khuôn mặt, những ánh mắt chất chứa nghẹn ngào về Hoàng Sa. Tôi dường như thấy mình đang được xem những thước phim thực, không lời bình mà không phim ảnh nào có thể chuyển tải được" - NSND Huỳnh Hùng tâm sự.

Gần đây, nhắc đến miền Tây là nhắc đến ly hương, dòng chuyển dời của người dân châu thổ về TP.HCM, Bình Dương làm công nhân. Thậm chí, nhiều trí thức miền Tây cũng tin rằng lên được TP.HCM coi như đã cầm "nửa tấm vé thành công". Tuy nhiên, trong xu thế đó, nhiều người trẻ đã lội ngược dòng, quyết tâm khởi nghiệp ngay ở vùng đất đang có làn sóng ly nông, ly hương.

Đó là những câu chuyện đặc biệt của niềm tin, ý chí tuổi trẻ, dám làm những điều người khác không làm...

Gần đây, nhắc đến miền Tây là nhắc đến ly hương, dòng chuyển dời của người dân châu thổ về TP.HCM, Bình Dương làm công nhân. Thậm chí, nhiều trí thức miền Tây cũng tin rằng lên được TP.HCM coi như đã cầm "nửa tấm vé thành công". Tuy nhiên, trong xu thế đó, nhiều người trẻ đã lội ngược dòng, quyết tâm khởi nghiệp ngay ở vùng đất đang có làn sóng ly nông, ly hương.

Đó là những câu chuyện đặc biệt của niềm tin, ý chí tuổi trẻ, dám làm những điều người khác không làm...

MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ MỚI

Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây

Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ 7: Phía sau cuốn kỷ yếu thiêng liêng Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim - Kỳ 7: Phía sau cuốn kỷ yếu thiêng liêng

TTO - Nếu Nhà trưng bày Hoàng Sa đang phục vụ công chúng được ví như công trình của nguyện ước, thì tư liệu Kỷ yếu Hoàng Sa chính là những viên gạch quan trọng góp phần xây nên tòa nhà đặc biệt đó.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên