Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hội nghị trên có sự tham gia của đại diện từ 42 quốc gia, đáng chú ý là sự góp mặt của phái đoàn Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Ukraine tìm kiếm sự ủng hộ
Các thảo luận được cho đã bắt đầu và kết thúc trong tối 5-8 với rất ít hình ảnh và thông tin cụ thể được đưa ra, dù ban đầu truyền thông có vẻ nhầm lẫn sự kiện này với hình ảnh một "hội nghị thượng đỉnh về đàm phán hòa bình Ukraine".
Thực tế, đây là cuộc gặp không chính thức theo sáng kiến của Ukraine và được Saudi Arabia tổ chức. Vì vậy, kết thúc chương trình làm việc, đã không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Điều này đúng với nhận định ban đầu của đa số giới quan sát, những người hoài nghi về khả năng cuộc gặp này có thể mang tới những bước đột phá.
Thay vào đó, như lời một nhà ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu (EU), cuộc gặp lần này là lúc chủ nhà Saudi Arabia trình bày kế hoạch cho các đàm phán tiếp theo. Các nhóm công tác sẽ thảo luận thêm về những vấn đề như an ninh lương thực, an toàn hạt nhân và trao trả tù binh.
Vị quan chức này mô tả các cuộc thảo luận hôm 5-8 diễn ra tích cực và có "một điểm nhất trí rằng việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần phải là trung tâm trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào".
Đối với Ukraine, cái "được" của sự kiện này là tạo ra một dịp để Kiev tìm kiếm thêm sự ủng hộ trước khả năng đàm phán với Nga trong tương lai. Đối tượng thuyết phục của Ukraine được cho là các nước đang phát triển, vốn áp dụng cách tiếp cận thận trọng thay vì "chọn phe" trong cuộc xung đột đã kéo dài 18 tháng giữa Ukraine và Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky cũng thừa nhận các nước còn nhiều khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề. Ông nói thẳng rằng điều quan trọng nhất tại Jeddah là các cuộc thảo luận song phương bên lề sự kiện.
Vẽ lại bức tranh hợp tác
Tại cuộc gặp này, Saudi Arabia và Ukraine đã thành công khi kêu gọi được sự tham gia của Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là bốn nước thuộc khối BRICS với Nga.
Ông Celso Amorim, cố vấn chính sách đối ngoại và là người dẫn đầu phái đoàn Brazil dự họp, nhấn mạnh bất kỳ đàm phán nào cũng phải có sự góp mặt của mọi bên liên quan, tức bao gồm Nga - nước không tham gia sự kiện ở Jeddah.
Ông nói: "Dù Ukraine là nạn nhân lớn nhất, nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải đưa Matxcơva vào tiến trình này theo một hình thức nào đó".
Quan điểm của Brazil phản ánh cách tiếp cận lẫn toan tính của nhiều nước tham gia cuộc họp ở Saudi Arabia vừa qua. Các nước mổ xẻ vấn đề Ukraine, nhưng cũng dựa vào đó để vẽ lại bức tranh hợp tác.
Với Saudi Arabia, đây là một thắng lợi về mặt uy tín và hình ảnh quốc tế khi thể hiện tầm ảnh hưởng lớn, đủ sức kêu gọi nhiều nước tham gia. Bản thân Saudi Arabia vẫn giữ quan hệ tốt với cả Ukraine, Nga lẫn Trung Quốc. Việc tổ chức đàm phán hòa bình cho Ukraine thể hiện ngoại giao cân bằng của quốc gia dầu mỏ hàng đầu này.
Tương tự, sự góp mặt của đại diện Trung Quốc được đánh giá là tín hiệu tích cực. Bị phương Tây chỉ trích vì mối quan hệ gần gũi với Nga, nhưng việc tham gia các sáng kiến hòa bình như hiện nay là cách Trung Quốc thắt chặt mối quan hệ với Saudi Arabia hay rộng hơn là nhóm các nước đang phát triển, vốn là đối tượng Bắc Kinh muốn làm đầu tàu.
Reuters dẫn lời một nhà quan sát từ Thượng Hải phân tích rằng trong trường hợp Nga thất bại, Trung Quốc buộc phải tìm kiếm hợp tác quốc tế. Tức là Bắc Kinh phải duy trì các mối quan hệ ủng hộ Ukraine và đồng thời không ủng hộ một kịch bản thất bại của Nga.
Chiến sự diễn ra ác liệt
Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến đặc biệt căng thẳng trong thời gian qua, trước sự kiện ở Saudi Arabia. Hôm 5-8, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev có phát biểu gợi ý rằng Nga có thể tăng cường tấn công vào các cảng Ukraine như màn đáp trả cho vụ Kiev tập kích tàu Nga ở Biển Đen.
Hôm 6-8, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng Nga đã tấn công thành công các căn cứ không quân của Ukraine tại các khu vực như Rivne, Khmelnytskyi và Zaporizhzhia. Lãnh đạo Matxcơva nói Không quân Nga đã phá hủy một máy bay không người lái muốn tấn công thành phố này.
Trong khi đó, cùng ngày 6-8, Không quân Ukraine tố Nga đã phóng 67 vũ khí đường không, bao gồm tên lửa hành trình siêu vượt âm, vào đêm ngày 5 rạng sáng 6-8. Trong đó, Kiev đã phá hủy 30/40 tên lửa hành trình và toàn bộ 27 drone Shahed được triển khai.
Lực lượng này cũng khẳng định Nga đã phóng 3 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, song cho biết thông tin cụ thể về chúng là "tối mật". Số phận của 10 tên lửa hành trình không bị bắn hạ cũng không được đề cập.
Trước đó, trong phát biểu tối 4-8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết quân đội nước này đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên ở một số nơi tại khu vực phía nam và chuyển sang tuyến phòng thủ thứ hai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận