10/08/2020 11:48 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 2: Hẻm nhỏ, phận người "khu chăn nuôi"

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - "Tôi nhớ từ những năm 1970 đến cả sau 1980, nhiều người tìm địa chỉ nơi này hay được dặn thòng là nhớ hỏi khu chăn nuôi, chứ không phải khu Ông Tạ hay xóm dệt Bảy Hiền. Vậy mà dân xích lô đều đến chính xác".

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 2: Hẻm nhỏ, phận người khu chăn nuôi - Ảnh 1.

Ngã tư Bảy Hiền trước khu chăn nuôi những năm 1960 - Ảnh tư liệu

Hồi trước năm 1975, nhiều hẻm nhỏ ở khu chăn nuôi này còn tối om, không có đèn, nhưng người dân vẫn đi lại bình thường, không sợ trộm cướp gì nguy hiểm.

Bà Trần Thị Phương

Bà Trần Thị Phương, 74 tuổi, cư dân ở con hẻm nhỏ (phường 4, quận Tân Bình) từ cuối thập niên 1960 nhớ lại. Và bà kể khu chăn nuôi được hiểu theo đúng nghĩa đen một thời có các trại chăn nuôi ở đây, chứ hoàn toàn không có nghĩa bậy bạ như sau này nhiều người hiểu sai.

Sao lại gọi "khu chăn nuôi"?

Lần giở lại bản đồ Sài Gòn xưa, khu chăn nuôi bà Phương kể chính là khu vực dân cư đối diện Trung tâm triển lãm Tân Bình và mặt hông Bệnh viện Thống Nhất (trước 1975 là Bệnh viện Vì Dân). Nếu lấy các đường hiện hữu làm ranh thì nó nằm trong góc đường Cách Mạng Tháng Tám (trước là Lê Văn Duyệt) và Hoàng Văn Thụ (Võ Tánh) với mũi tam giác nhọn chính là ngã tư Bảy Hiền đã đi vào lịch sử Sài Gòn.

Sau này, một số người mới về đây nghe lõm bõm khu chăn nuôi từng có các trại lính đã suy diễn ý tục, tức địa bàn các cô gái ăn sương, nhưng sự thật hoàn toàn khác hẳn. Trong ký ức những người cao tuổi, mãi đến cuối thập niên 1960 sang đầu 1970, vùng này vẫn còn thưa thớt dân cư với cỏ cây um tùm, ao vũng bên rạch Nhiêu Lộc chưa bị ô nhiễm đen nặng. 

Khởi phát nghề chăn nuôi ở đây thì chưa thể nói chính xác, dù một số bậc cao niên cho rằng bắt nguồn từ những người miền Bắc vốn rất giỏi chăn nuôi đem vào từ hồi di cư 1954. Họ vào định cư rất nhiều quanh vùng này như khu chợ Ông Tạ, Tân Chí Linh, nhà thờ Chí Hòa. Ngoài buôn bán nhỏ, nhiều người vẫn mưu sinh bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi như ngoài quê nhà...

"Hồi đó, khu vực này thuận chăn nuôi vì còn ít dân, đi đâu cũng thấy cây cỏ, ao vũng và... nghĩa địa. Bên kia đường Hoàng Văn Thụ là nghĩa địa Pháp, đối diện bên đường Cách Mạng Tháng Tám là nghĩa trang linh mục, rồi liền kề khu chăn nuôi sang khu chợ Ông Tạ là nghĩa địa dân cư" - bà Phương tâm sự. 

Người Mỹ vào Sài Gòn đã viện trợ cả ngành chăn nuôi công nghiệp. Khu vực này được xây dựng các trại nuôi heo giống Yorkshire và loại gà to lớn nhập từ Mỹ. Tài liệu lưu trữ vẫn còn nội dung USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) viện trợ...

Những năm 1960 đó, tất cả những con đường ở khu chăn nuôi này như Tự Lập, Hiệp Nhất, Hòa Hiệp... đều là đường đất bụi bặm vào mùa nắng và vô cùng lầy lội sau các trận mưa. Gọi chúng là đường cũng đúng mà gọi là hẻm cũng không sai vì rất nhỏ và nhếch nhác nếu so với các đường mặt tiền. Sang đầu thập niên 1970, nghề chăn nuôi ở khu vực này thu hẹp dần cùng với dân cư tứ xứ chạy lánh chiến tranh đổ về đây. Các hẻm nhỏ tự phát bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và ngày càng ngoằn ngoèo hơn.

Một số trại chăn nuôi do USAID hỗ trợ xây dựng kiên cố được chuyển đổi thành khu ở tạm cho bà con Việt kiều tị nạn "cáp duồn" (thảm sát) từ Campuchia về khoảng năm 1970. Một số thương phế binh chế độ cũ cũng cầm lựu đạn đến đây chiếm đất dựng nhà tạm. Vùng đất mang tên truyền miệng là khu chăn nuôi dần biến thành khu dân cư tự phát lụp xụp. Nhiều con hẻm nhỏ xuất hiện ngay bên trong các con đường có tên...

Hẻm Sài Gòn - Những đời người - Kỳ 2: Hẻm nhỏ, phận người khu chăn nuôi - Ảnh 3.

Khu chăn nuôi dưới góc phải hình, đối diện bên đường là nghĩa địa Pháp gần ngã tư Bảy Hiền trước 1975 - Ảnh tư liệu

Đổi thay thời cuộc

Sau năm 1975, những con hẻm và phận người ở đây lại tiếp tục đổi thay theo bước ngoặt lịch sử. Người viết bài này chính là một trong những người về đây tìm cuộc sống mới. Ngày đó, tôi còn là cậu bé tiểu học vẫn nhớ như in buổi dọ dẫm theo mẹ quẹo từ đường Cách Mạng Tháng Tám (được đổi tên từ đường Lê Văn Duyệt vào ngày 14-8-1975) vào khu chăn nuôi.

Con hẻm gia đình chúng tôi đến ở vẫn mang tên đường Hiệp Nhất (khởi đầu là lối mòn dân sinh và đã được đặt tên Hiệp Nhất từ năm 1960), số nhà tôi cũng khá đẹp thuộc dãy 1200, không "xuyệt", nhưng xe lớn không thể chui lọt. Thật ra, nếu không bị một số nhà tự lấn chiếm xây cất thò lên thì con hẻm này đã không bị thít cổ chai, xe hơi nhỏ vẫn có thể vào được dù không thể quay đầu.

Nhà tôi ở hướng đông nam, là... mặt tiền hẻm, nhưng lại mở cửa thẳng ra đít nhà đối diện, hệ quả của những lối mòn tự phát. Năm 2020, ai đến nơi từng bị gọi là khu chăn nuôi này, đi dưới bóng những tòa nhà kiên cố, đẹp đẽ sẽ không thể hình dung được ngày trước nó nghèo khó, nhếch nhác thế nào. 

Mang tiếng là về đây mua nhà (giá vài chỉ vàng), nhưng phải gọi nó là cái chòi nát thì chính xác hơn với diện tích lợp tôn chỉ khoảng 20m2 từ một ông họa sĩ mà không hiểu là bán nhà để đi vượt biên hay về vùng kinh tế mới. 

Tường thấp lè tè, nhưng chỉ có nửa dưới được xây gạch không tô, nửa trên được vá chằng vá đụp bởi các tấm tôn cũ. Còn mái nhà thì mỗi khi trời mưa phải tận dụng tất cả thau, nồi, tô chén để hứng nước dột...

Tuy nhiên, thời kỳ đó ở đây nhà nào chẳng xập xệ giống nhau, thậm chí có nhà vẫn còn dùng cả lá dừa, bao rách để che chắn. Khác các con hẻm khu dân cư đã ổn định, nề nếp như chợ Ông Tạ, Tân Chí Linh với đa số là người Công giáo miền Bắc, khu chăn nuôi tôi ở lại đủ mặt người địa phương. Tôi vẫn nhớ con hẻm nhỏ ngay sau nhà tôi có đôi vợ chồng chú Sơn, chị Hà là người Bắc mới vào sau năm 1975.

Hồi đó, nhà nào cũng rách nát, thông thống nhau, nên ai nói câu gì nhà kia nghe rõ. Cứ thi thoảng, tôi lại nghe vợ chồng chú Sơn đề nghị "họp" để... cãi nhau. Nhà chú Sơn có chút sân giáp lưng nhà tôi, mỗi khi "họp", cô chú bắc hai cái ghế ra khoảnh sân ngồi đối diện. Thường chú nhường vợ trước với câu nói: "Đề nghị vợ phát biểu trước". 

Sau khi trút hết nỗi niềm, cô nói lại: "Tôi đã phát biểu xong, đề nghị tới lượt chồng phát biểu". Có hôm cô ấm ức, nói dài quá, chú ngắt ngang một cách rất lịch sự: "Đề nghị vợ phát biểu ngắn lại, để chồng còn phát biểu".

Trong hẻm nhỏ nhà tôi ở, có gia đình đã định cư Sài Gòn mấy đời, có người từ miền Bắc, từ miền Trung mới vào, rồi từ miền Tây lên nên có những tối hòa ca "hợp chủng âm" mà tôi cứ nhớ mãi. Sài Gòn ngày ấy cúp điện một tuần mấy ngày, chỉ có cách mát nhất là ra sân, ra hẻm ngồi. 

Đó là khi đôi vợ chồng rặt giọng Cà Mau chưa dứt mùi mẫn bài ca cổ Tình anh bán chiếu, thì ngay sát vách vợ chú Sơn đã thánh thót giọng Hà Nội, và thế nào cũng đến bác người Huế xen ngang điệu hò...

Nghèo mà vui, mộc mạc mà tình thân, đó là những điều tôi khó quên những năm tháng ở hẻm nhỏ khu chăn nuôi này.

Hẻm nhỏ ra đời

"Hồi còn chiến tranh, kẻ đến, người đi khu này lộn xộn lắm. Những gia đình chạy lánh chiến sự lên đây ở tạm một thời gian rồi đi. Bà con Việt kiều từ Campuchia về ăn ở tạm như cá mòi xếp lớp trong các trại chăn nuôi về sau cũng tản mát. Người định cư bền bỉ nhất là dân di cư từ miền Bắc vào đợt 1954 và một số gia đình lính tráng. Chính vì sự lộn xộn, nhếch nhác đó mà suốt một thời gian dài khu vực này được xem như nơi ở của người nghèo, kể cả người vô gia cư đến lấn chiếm đất. Các con hẻm nhỏ xíu, quanh co dần ra đời cũng vì vậy …" - bà Phương kể lại hồi ức khó quên.

----------------------

Những năm tháng nghèo khó đến mức phải vác rá đi mượn gạo hay cầm chén đi xin nước mắm, nhưng người đầu hẻm đến người cuối hẻm đều thân nhau như một nhà…

Kỳ tới: Tình thân ở hẻm nghèo

Hẻm phố - Đời người - Kỳ 1: Trăm năm hẻm Hẻm phố - Đời người - Kỳ 1: Trăm năm hẻm 'nhà thùng'

TTO - Khuất sau đường phố đông đúc, Sài Gòn - TP.HCM còn có hình hài và linh hồn khác - đó là những con hẻm đã gắn với bao ký ức đời người.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên