03/03/2021 09:25 GMT+7

Hãy mạnh tay với 'karaoke hung thần'

TRƯƠNG BẢO CHÂU
TRƯƠNG BẢO CHÂU

TTO - Nói đến 'karaoke tự phát', dân cả nước đều tuôn trào 'nỗi đau'. Có người "đau" trưa, 'đau' chiều, có người sáng bảnh mắt đã 'đau' đến đêm khuya; người già không ngủ được phải dắt nhau đi trốn; trẻ con chờ 'tắt tiếng hát' mới tập trung học được.

Nhất là tết, nhà nhà mở loa hét vào tai nhau, nhiều gia đình stress khóa cửa lang thang ngoài đường, "họ hát mà nhà cửa rung theo bần bật".

Cả ngàn ý kiến "tố karaoke" tham gia loạt bài về "hung thần karaoke" trên Tuổi Trẻ Online 10 ngày qua.

Một chủ đề không còn mới mẻ nhưng chưa hề cũ. Từ khi loa thùng, loa kẹo kéo lên ngôi, bình quân vài nhà lại sắm một bộ loa vì quá tiện lợi. Hát trong nhà nhưng loa quay ra đường, hoặc kéo loa ra đường lập sòng cho giọng vang xa. Dân báo lên phường còn bảo "kệ hát cho vui", "sau 22h mới là vi phạm". Không có trọng tài nên dân tự xử, đâm chém nhau vì hát karaoke cũng không phải hiếm.

Hát dễ vậy thì tội gì những "hung thần karaoke" không hát? Thực ra cơ quan chức năng có thực sự khổ cùng nỗi khổ của dân không? Có thực sự "muốn dẹp loạn karaoke" mang lại yên bình cho người dân không?

Đó là những câu hỏi mà người dân đã bức xúc nêu ra thẳng thắn.

Chính vì vậy khi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp với cán bộ phường xã ngày 26-2 lựa chọn một thái độ: "Người dân đi làm một ngày lao động miệt mài, tối còn bị tra tấn bởi karaoke tự phát là không thể chấp nhận được. Các địa phương, sở ngành cần thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này. 

Đừng xem chuyện này là chuyện bình thường" và ra ngay văn bản nêu rõ nhiệm vụ của các ban ngành chức năng trong "tiến trình dẹp loạn karaoke" - ngay lập tức, hàng trăm ý kiến của người dân chia sẻ "vui quá vì được lắng nghe, an ủi" và mong chính quyền "nói được, làm được".

Có thái độ quyết liệt thì giải pháp mới đủ quyết liệt. Ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cũng khẳng định: "Các cơ quan chức năng còn xem đây không phải là công việc của mình. Quy định pháp luật rất cụ thể nhưng việc áp dụng pháp luật, phân định trách nhiệm các đơn vị, sở ngành còn nhiều vướng mắc. Nếu có mức phạt, cách làm rõ ràng thì người dân và đơn vị sẽ tự chấn chỉnh".

Trên báo, các luật sư thường xuyên viện dẫn các thông tư, nghị định, luật pháp đã quy định khá rõ ràng về giới hạn tiếng ồn và mức phạt nếu vi phạm tại khu dân cư. 

Thiết nghĩ nếu quy định nào còn chưa rõ, còn thiếu so với thực trạng thì các ban ngành liên quan nhanh chóng bổ sung, ví dụ những điều kiện nào cho hoạt động karaoke tại gia đình, quy định về sử dụng loa, hát hò, gây tiếng động trong khu dân cư… 

Còn lại, những thiết bị, công cụ hỗ trợ xử phạt như máy đo hay phần mềm, như bạn đọc nói, trong thời 4.0 này thì "có gì đâu mà khó".

Chỉ là khó ở chỗ chính quyền né tránh, chưa chịu xử lý quyết liệt mà thôi. Giờ đây chính quyền TP.HCM đã lên tiếng đồng lòng rồi, dân chờ những hành động hiệu quả thực sự. Phải tuyên truyền, cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu công cụ… mong chính quyền không "nói xong rồi vẫn thấy khó, không làm được".

Hơn thế, "karaoke hung thần" không phải là nỗi bức xúc riêng của dân TP.HCM, mà tỉnh thành nào cũng có, mong chính quyền trên cả nước đều thấu hiểu để cùng "trị" cơn bão âm thanh tưởng ngọt ngào mà hung hãn này, đừng thấy đó là việc "cha chung không ai khóc".

Thăm dò ý kiến

Với karaoke tại khu dân cư, karaoke tự phát, karaoke lưu động... theo bạn:

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

An Giang đã ra tay với karaoke lưu động: Cấm toàn tỉnh An Giang đã ra tay với karaoke lưu động: Cấm toàn tỉnh

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cấm karaoke lưu động toàn tỉnh và cấm đưa thức ăn vào các khu cách ly, đặc biệt khi biết tin Kiên Giang có thêm 5 ca nhiễm COVID-19.

TRƯƠNG BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: karaoke