28/02/2021 16:56 GMT+7

Vui vì lãnh đạo TP.HCM lắng nghe, tại sao chỉ phạt ‘hung thần karaoke’ sau 10h đêm?

TTO - Hàng trăm ý kiến bạn đọc "bay về" Tuổi Trẻ Online sau khi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Đi làm về mỏi mệt còn bị karaoke tra tấn là không chấp nhận được" ngày 26-2.

Vui vì lãnh đạo TP.HCM lắng nghe, tại sao chỉ phạt ‘hung thần karaoke’ sau 10h đêm? - Ảnh 1.

Cũng ngay trong ngày, người dân còn phấn khởi hơn khi Chủ tịch UBND TP.HCM đã ra ngay văn bản chỉ đạo các sở ngành chức năng tiếp thu loạt bài về hung thần karaoke trên báo Tuổi Trẻ Online, tham mưu và thực hiện ngay các giải pháp chấn chỉnh vấn nạn tiếng ồn "tra tấn" người dân lâu nay.

Thấy vui vì lãnh đạo TP.HCM "không làm ngơ"

Bạn đọc Trịnh Nam nói: "Vui lắm, tôi là người chịu cảnh cả ngày làm việc, tối muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi để mai "cày" tiếp lại bị tra tấn bởi hàng xóm thích ca hát. Rất cần số hotline để chính quyền can thiệp". Bạn đọc Phan Văn Chương khẳng định không chỉ vui mà là "quá vui, quá hạnh phúc" khi lãnh đạo TP.HCM lên tiếng. 

Rất nhiều lời tâm tình "thổ lộ" với chủ tịch UBND thành phố: "Ở thành phố mình họ hát như một phong trào bác Phong ơi", "Hoan hô bác Phong. Mong TP.HCM đi tiên phong. Có đêm 11h vẫn khó đi vào giấc ngủ sâu vì karaoke ngay phòng bên trên chung cư, ban quản lý cũng không làm gì được" - bạn đọc Lan Nguyen than khổ. 

"Rất vui khi được lãnh đạo thành phố quan tâm đến nỗi khổ người dân. Quyền giải trí ca hát là quyền tự do của mỗi người, nhưng nếu nó ảnh hưởng đến người xung quanh thì phải cấm, phải chế tài" (Bùi Linh).

Cơ quan chức năng mà né thì dân chỉ có "điên" 

Mong cán bộ chức năng, công an nghiêm khắc hơn vì "hung thần karaoke" thường "lừng mặt", thấy không ai nói gì là phô diễn líp ba ga, rất rất nhiều tâm tư bạn đọc gửi gắm cho cán bộ, công an phường, các lãnh đạo địa phương.

Ban đọc Ái Mĩ tâm sự: "Cảm ơn sự quan tâm của chủ tịch UBND TP.HCM. Gia đình tôi cũng là nạn nhân. Vào cuối tuần là bị tra tấn đến 11h giờ đêm, tôi có báo với tổ trưởng khu phố nhưng vẫn im lặng. Họ hát bất chấp. Tôi rất mong UBND phường và công an khu vực vào cuộc".

Bạn đọc Cát Hưng nói: "Tôi đồng tình với chỉ đạo của chủ tịch UBND thành phố. Cách trả lời của một số cán bộ địa phương theo tôi chưa đủ trách nhiệm với nhân dân, thiếu tính chuyên nghiệp. Dân khổ với nạn karaoke này lắm, người già (ốm), trẻ em không yên. Làm đi các vị ơi!".

Bạn đọc tên Nam "tuyệt vọng": "Những tình huống nhà tôi đều làm qua hết rồi, chụp hình, quay phim, đo tiếng ồn bằng app gửi qua Zalo, gọi điện báo công an, trực tiếp lên công an phường báo cáo... tất cả đều vô ích".

Người dân cho rằng dẹp loạn karaoke khó ở chỗ lựa chọn một thái độ, khó ở quyết tâm, chứ không phải khó ở giải pháp.

"Tôi cho rằng "hung thần karaoke" khó phát hiện, khó xử lý là không phải. Dẹp và giải quyết đơn giản, chỉ cần cảnh sát khu vực đến địa điểm của "hung thần" nhắc nhở, chấn chỉnh thì được ngay. Đâu cần phải trang bị máy đo độ ồn... Dẹp "hung thần karaoke" chưa cần phải tổ chức phương tiện, tổ, đoàn phối hợp mới dẹp nổi, chỉ tốn kém không cần thiết. Thành phố chỉ đạo cho công an phường giải quyết là xong" (huudeosin).

Bạn đọc Nguyễn Phước chung suy nghĩ: "Người dân phản ánh mà công an khu vực xuất hiện ngay thì "hung thần" nào dám quậy". Bạn đọc Tùng còn "thẳng" hơn: "Nếu chỉ nhắc nhở, xử phạt nhẹ nhàng thì tệ nạn hát karaoke sẽ vẫn thế. Hành vi ngoan cố cần xem là tội xâm phạm sự yên bình của xã hội và phải xử phạt thật nặng. Ông đứng đầu chính quyền địa phương không giải quyết được tệ nạn đó phải bị cách chức".

Cái gốc của vấn đề, theo bạn đọc Hòa, là: "Không phải ở quy định của pháp luật còn thiếu, mà phải giao trách nhiệm này về người đứng đầu chính quyền phường. Nếu cứ để tình trạng "cha chung không ai khóc" như hiện nay thì sẽ không bao giờ xử lý dứt điểm được".

Nhiều phường nói khó vì thiếu thiết bị đo, cơ chế phối hợp liên ngành khá rắc rối, bạn đọc nói đừng đổ thừa nữa. "Tất cả phụ thuộc vào việc chính quyền địa phương có dám làm, có quyết liệt dẹp không. Nếu muốn làm thì dù không có hay chưa có thiết bị đo âm thanh cũng sẽ làm được thôi". (Khai Phong)

Hai bạn đọc Mai & Liên ý kiến: "Hễ cứ hát làm ồn nhà bên cạnh là phạt ngay, chứ cần gì phải đo độ ồn! Nếu chờ đo độ ồn thì nhà bên cạnh chịu chết ư? Cứ phạt 10 triệu lần đầu, 20 triệu lần hai, tịch thu dụng cụ ca hát vĩnh viễn nếu vi phạm lần 3 là ổn định thôi (còn nếu có lần 4 mua loa hát tiếp thì truy tố ca sĩ ra tòa).

Sau 22h mới xử phạt, vô lý dữ vậy?!

Nhiều phường trả lời dân sau 22h đêm mới phạt được, bạn đọc "không phục".

"Báo công an phường thì được giải thích là "trước 11 giờ khuya là họ... có quyền!". Karaoke trong xóm chưa đủ, lại còn những thanh niên nhập cư chở cái loa thùng công suất "khủng" đi hát mới chết, sao chịu nổi" - bạn đọc Kinh Luân bức xúc.

"Họ hát từ 18h đến 22h thì làm sao con bạn học bài, chờ đến 22h thì làm sao ngủ để mai đi học đây?" - bạn đọc Nguyen Thanh cũng "không chấp nhận". Bạn đọc Vantada cùng ý kiến: "Chúng ta không thể nói sau 10h đêm mới xử lý được. Thế thì học sinh, sinh viên học bài vào giờ nào?".

 "Vì sao phải sau 22h mới phạt? Cứ hễ hát loa kẹo kéo thì phải phạt ngay, bất kể là giờ nào. Dù ban ngày nhưng ai chịu nổi khi loa mở um sùm điếc tai như thế? Và cần phạt nặng, chứ phạt 100.000 - 300.000 đồng thì nhằm nhò gì" - bạn đọc Linh dứt khoát.

"Xin kiểm tra các khu nhà trọ, họ hát từ 12h trưa đến 22h vì họ biết sau 22h mới bị phạt. Hát như vậy ai mà chịu nổi? Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật có được một ngày nghỉ mà cũng không nghỉ ngơi được" - bạn đọc Nhã "van nài".

Chẳng lẽ cứ cắn răng chịu đến 22h? Bạn đọc Bui Linh bức xúc: "Cụm nhà 6B Văn Cao, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú chuyên dùng loa công suất cao quay ra đường gây tiếng ồn làm phiền những nhà dân xung quanh. Điện thoại khiếu nại lên công an phường cách đó chưa đầy 300m thì trực máy nói là chưa quá 10h đêm chưa cấm được. Ráng cắn răng chịu đến quá 10h đêm gọi lại thì có một anh dân phòng ghé qua, tiếng loa bớt được 5 phút rồi sau đó lại lớn hơn và khủng khiếp hơn. 

Chịu không nổi, bức xúc điện thoại lại thì được nghe trả lời là có gì khiếu nại công an khu vực.  Xin số anh công an khu vực thì được trả lời là hôm nay anh không có trực, có gì mai lên gặp. Thôi thì phải nghiến răng mà chịu tiếng gầm rú đến gần 12h đêm. 

Sự việc lặp lại nhiều lần, người có trách nhiệm đùn đẩy thì dân biết kêu ai, chỉ biết cầu trời cho đám bợm nhậu nó mệt nó nghỉ, mình được yên. Vậy mà đêm giao thừa 30 tết nó quậy đến 3h sáng ca đã rồi mở nhạc dance. Gọi phường không bắt máy". 

Ông Nguyễn Thành Phong: Ông Nguyễn Thành Phong: 'Đi làm mệt mỏi, tối còn bị karaoke tra tấn là không chấp nhận được'

TTO - "Tôi đã thu thập loạt bài 'hung thần karaoke" đăng trên Tuổi Trẻ Online" - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhận thức rõ trách nhiệm, xử lý quyết liệt vấn nạn gây khổ cho dân này.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên