Bởi đồng bào mình đang thiếu đủ thứ, nhưng cái mà đồng bào mình đang cần nhất, thiếu nhất, đó là tiền, là vốn. Tiền để sửa sang, mua sắm lại vật dụng sinh hoạt. Vốn để khôi phục lại sản xuất, tạo kế sinh nhai.
Xin kể lại câu chuyện đi cứu trợ khi lũ đổ về Lệ Thủy (Quảng Bình) giữa tháng 10-2020. Lúc đó, nước đổ về trong đêm, lũ lên nhanh khiến người dân không kịp chuẩn bị. Người ở nhà thấp chạy qua lánh nạn ở những hàng xóm có gác hoặc di tản đến nơi cao ráo.
Giữa mênh mông biển nước, "có đèn pin, nước sạch, áo phao không, giúp chúng tôi đi", người dân bơi ghe thuyền ra khi thấy đoàn cứu trợ đến.
Thực sự năm đó, các đoàn từ thiện hầu như chỉ để ý đến việc cứu đói, đoàn nào cũng cung cấp mì gói, lương khô. Áo phao, đèn pin, nước lọc có nhưng rất ít, được vài nhà đã hết.
Người miền Trung đã quen với mưa lũ nên nhà nào cũng có gác tránh lũ, rồi dự trữ gạo, thức ăn, gas. Lũ về, nước dâng cao, mất điện là không thể tránh.
Bà con rất cần đèn pin trong đêm tối, áo phao để đề phòng bất trắc, nước lọc để duy trì sinh hoạt. Không có nước sạch, họ khó bám trụ nếu lũ lâu ngày.
Rồi những ngày sau lũ, tôi đi dọc sông Gianh, gia súc chết la liệt, lúa bị ngâm nước đã nảy mầm dài. Hỏi cần hỗ trợ gì, bà con đáp "chúng tôi cần tiền". "Gà vịt chết hết rồi, phải tái đàn chứ.
Rồi thóc giống, cũng sắp đến vụ rồi. Mì gói, lương khô rất cần khi lũ còn dâng; nước rút rồi, chúng tôi có thể tự lo cái ăn nhưng lại đang cần hỗ trợ để khôi phục cuộc sống bình thường, kế sinh nhai" - người dân dọc sông Gianh đều chung câu trả lời.
Và thế là những nguyện vọng của bà con được chuyển ngược lại cho các nhà hảo tâm ở các nơi như TP.HCM với lời giải thích "thứ gì bà con cũng cần nhưng chúng ta không biết họ cần gì ngay, cứ tặng tiền, họ sẽ linh động sắm sửa".
Lũ rút, nhiều đoàn cứu trợ vẫn ngày đêm đem cả tấm lòng về với đồng bào. Nhưng cứu trợ không chỉ trong ngập lũ, mà còn cả hậu lũ, đó là chuyện sinh kế để người dân ổn định cuộc sống.
Trong lũ, nếu đảm bảo đủ điều kiện an toàn, đồng bào cần một vài thứ để sinh tồn, để vượt qua được thiên tai. Nhưng sau lũ, khi việc đi lại đã bình thường thì việc hỗ trợ phải chuyển sang hình thức khác. Giúp tiền, bà con sẽ chủ động trong mọi việc.
Ví dụ như tái đàn để chăn nuôi: người dân sẽ thấy lúc nào đủ an toàn, môi trường sạch sẽ, họ mua giống về thả. Người nuôi gà, người nuôi vịt, heo... khi tái đàn cũng dựa vào những điều kiện cần và đủ sau lũ để thả.
Chính vì thế, Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng phải khoanh, giãn nợ và cho vay mới để bà con khôi phục sản xuất. Các nhà hảo tâm vẫn tiếp thêm sức để bà con mua sắm vật dụng sinh hoạt, khôi phục sản xuất.
Hậu lũ, có trăm thứ phải lo, phải dọn dẹp trong đổ nát, bùn đất. Nhưng chỉ có tạo ra sinh kế bền vững thì lúc đó mọi người mới vực lại được cuộc sống. Đồng bào vùng bão lũ đang cần "chiếc cần câu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận