19/11/2017 13:28 GMT+7

'Hạnh phúc biết dường nào khi em được gặp cô'

TRẦN VĂN TÙNG (Trường THCS An Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh)
TRẦN VĂN TÙNG (Trường THCS An Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh)

TTO - Cô về công tác ở trường khi tôi học lớp 9. Quê cô ở tận Đồng Tháp, cô dạy Văn và là chủ nhiệm lớp tôi. Cô đẹp bình dị với mái tóc dài và nhất là đôi mắt sáng long lanh.

Kính tặng cô chủ nhiệm Huỳnh Ngọc Thi, năm học 1985-1986!

Hạnh phúc biết dường nào khi em được gặp cô - Ảnh 1.

Thiệp mừng Ngày Nhà giáo do học sinh Trường tiểu học Cao Bá Quát làm tặng thầy cô - Ảnh: NHƯ HÙNG

Giọng giảng bài của cô rất ấm. Ngay những ngày đầu gặp cô, dù rất bướng bỉnh, nhưng cái ước mơ được làm thầy giáo dạy Văn đã bắt đầu nhen nhóm trong tôi. 

Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn thường ngàn lần cám ơn cô. May mắn và hạnh phúc biết dường nào khi tôi được gặp cô, có cô ở bên cạnh. Nếu không, có thể tôi sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này cho đến tận hôm nay.

Ba tôi mất sớm, mẹ phải tảo tần nuôi ba chị em tôi ăn học. Có lẽ do thiếu đi sự cứng rắn của ba nên tôi, dù sức học rất tốt nhưng lại thường là kẻ đầu têu trong những trò nghịch phá. 

Ngôi trường ngày ấy chỉ là bốn phòng học tre lá được dựng trên nền bót cũ của giặc. Ban đầu khi vui đùa ở sân trường, tình cờ bọn tôi nhặt được những viên đạn. 

Tôi rủ cả bọn đêm đến lại đem đến sân trường, bởi đây là nơi vắng vẻ, chẳng bị ai phát hiện, đốt một đống lửa rồi ném tất cả những viên đạn có được vào rồi tìm chỗ núp. Hồi hộp nghe tiếng nổ và đường đi của viên đạn. Nhiều lúc có viên bay sạt ngay bên tai mà vẫn tỏ ra thích thú, cười vang. 

Những viên đạn ở sân trường rồi cũng hết, thế là tôi đề nghị tìm những nơi xung quanh. Rồi bọn tôi phát hiện ra cả một hầm đạn ở phía sau trường. Ban đầu cũng sợ lắm nhưng tôi vẫn quyết định bí mật không cho ai biết, giữ lấy để sử dụng từ từ. 

Việc nghịch phá này diễn ra gần bốn tháng. Đến khi cô về và được bố trí ở tạm trong trường. Thế là trò nghịch phá ấy chấm dứt vì sợ bị cô phát hiện. 

Không được chơi khi mà có đạn trong tay, tôi không thể nào chịu được, bèn nghĩ ra cách khác. Đó là lấy thuốc từ những viên đạn để làm thành pháo nổ. Trò nghịch này cũng nguy hiểm không kém mà lại đòi hỏi cần phải có lượng đạn thật nhiều.

Gần tết, bọn tôi muốn có nhiều pháo. Trưa chủ nhật, sân trường vắng lặng, cả bọn quyết định đi lấy đạn. Tôi tự phân công mình làm nhiệm vụ quan sát, nếu có ai đến thì báo cho cả bọn ngừng tay.

Tôi ngồi dựa lưng vào cây mù u, thưởng thức những hạt còng rang thơm phức, sảng khoái nhìn trời mây bay bay, đinh ninh rằng chẳng có ai đến vào một buổi trưa chủ nhật như thế này thì bỗng giật thót cả người khi thấy cô đứng trước mặt, cô hỏi: 

- Các em đang đào gì vậy nào? Đưa cô xem!

Tôi sợ đến tái cả mặt. Chưa kịp có phản ứng gì thì thằng Sơn, mặt nó cũng tái mét như tôi, quăng vội cái leng xuống đất, líu ríu với tay cầm băng đạn đưa lên. Tôi thấy cô giật cả mình nhưng hình như cô trấn tĩnh kịp. Cô bảo:

- Để nhẹ thứ đó xuống rồi tất cả bước ra đây cho cô!

Bọn tôi răm rắp nghe theo. Thú thật, học sinh bọn tôi lúc ấy, dù nghịch ngợm, phá phách như thế nào nhưng khi đứng trước mặt thầy cô thì sợ lắm. 

Cô bảo rằng đó là những thứ vũ khí rất nguy hiểm, và yêu cầu bọn tôi không được đến đào bới nơi đó nữa. Bọn tôi im lặng lắng nghe rồi nhẹ nhõm ra về. Nhưng tôi thì tôi còn sợ lắm, bởi tôi nghĩ rằng cô sẽ báo cho thầy hiệu trưởng biết. Mà thầy hiệu trưởng vốn là một người rất nghiêm khắc. 

Tôi hình dung khi ngày mai đến lớp thế nào cũng bị thầy khẽ cho mỗi đứa mười khẽ vào hai lòng bàn tay. Những cái khẽ thật mạnh bằng thước ấy của thầy thật đau. Nghĩ đến mà chết khiếp.

Nhưng chuyện ấy không xảy ra. Mãi đến hai tuần sau, vào buổi sinh hoạt dưới cờ. Lễ chào cờ xong, thầy hiệu trưởng bảo xung quanh trường vẫn còn nhiều những thứ vũ khí rất nguy hiểm và nhắc chúng tôi không nên đùa nghịch với nó. Cuối cùng thầy bảo:

- Vừa rồi có một nhóm bạn nam của trường ta phát hiện cả một hầm vũ khí. Các bạn ấy đang đào bới nhưng rất may nhà trường phát hiện kịp. Hiện hầm vũ khí ấy đã được các chú ở Huyện đội giải quyết xong. Nhưng các em biết các chú ấy nói gì không? Chỉ cần nhóm bạn đó đào xuống thêm hai lưỡi leng nữa thì chạm phải những quả lựu đạn. Mà khi chạm phải thì nó sẽ nổ...

Sau chuyện ấy, tôi kính phục cô rất nhiều và bắt đầu ngoan ngoãn, chăm học hơn. Rồi năm học lớp 9 qua mau, dưới sự dẫn dắt của cô, lớp tôi ai cũng đỗ tốt nghiệp. Riêng tôi và ba bạn nữa được tuyển thẳng vào lớp 10 vì thành tích học tập xuất sắc. 

Những năm học cấp ba rồi vào sư phạm, tôi phải xa nhà ở trọ để đi học nhưng những lúc được về là tôi ghé thăm cô.

25 năm nay, miệt mài giảng dạy, bao lo toan vất vả của cuộc đời, tôi lại nghĩ về cô. Cô luôn là nguồn động lực để tôi vượt qua tất cả...

Cô ơi! Bài viết này em kính gửi tặng cô thay cho lời biết ơn sâu sắc nhất. Dù ở đâu và làm gì, cô mãi mãi là người cô mà em rất đỗi tự hào!

Những ngày tháng 11 này, bao thế hệ học trò không khỏi bồi hồi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng thầm lặng nâng bước mình vào đời.

Thay lời tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn đọc chia sẻ bài viết về những người thầy, người cô yêu quý của mình với Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn.

Bạn cũng có thể gửi thiệp, lời chúc mừng, biết ơn... thầy cô theo địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, chúng tôi sẽ đăng tải lên trang tuoitre.vn vào đúng ngày 20-11. Cảm ơn bạn!

TRẦN VĂN TÙNG (Trường THCS An Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên