Đầu tiên, phải khẳng định rằng dù nguyên nhân nào cũng không thể chấp nhận được hành vi bạo lực, đặc biệt là với những người mặc áo blouse chữa trị cho bệnh nhân. Giải pháp nào cho vấn nạn nhức nhối này?
Việc đầu tiên có thể làm ngay là các bệnh viện cần phải tổ chức lực lượng bảo vệ hiệu quả nhân viên y tế của mình. Đồng thời, luật pháp cũng nên nhanh chóng đưa một số vụ việc ra xét xử nghiêm khắc để công lý được thực thi và răn đe kẻ khác…
Tuy nhiên, phía sau các biện pháp này, còn có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết căn cơ để bảo vệ hình ảnh cao quý của ngành y tế.
Chắc chắn, bất cứ ai đến bệnh viện cũng từng trải qua cảnh khốn khổ vì sự quá tải trầm trọng, thậm chí phải dùng từ kinh hoàng mới diễn tả chính xác. Trẻ thơ, người già ốm đau phải chờ mòn mỏi hàng giờ trong môi trường nóng bức, chật chội và đầy bệnh tật lây nhiễm.
Chính người viết bài này từng đưa ba thân nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM. Dù cả ba đều bị thương tích nhưng vẫn phải nằm trên băng ca chờ đến lượt được cấp cứu trong sự lo lắng của người thân. Cố hỏi mãi, nhân viên y tế mới nói ngắn gọn do nhiều ca cấp cứu, nên ưu tiên ca nào nặng trước.
Lời giải thích đúng thực tế, nhưng đâu phải ai cũng có thể hiểu và cảm thông nổi trong hoàn cảnh đặc biệt này. Những người từng đưa thân nhân trong làn ranh sinh - tử vào bệnh viện sẽ hiểu sự lo lắng và bức xúc có thể dẫn đến nóng nảy như thế nào!
Gần VN như Thái Lan, Singapore, những ca cận tử thế này, người nhà đều được ưu tiên túc trực bên cạnh. Họ xem sự gần gũi, quan tâm của người nhà cũng là phương thức trị liệu cho bệnh nhân. Bệnh viện VN có thể quy định riêng, nhưng ít ra nhân viên y tế cũng phải có những lời giải thích cảm thông thay cho gương mặt nguyên tắc lạnh lùng, nói năng nhát gừng cứ như sợ nhiều lời phải… mất tiền!
Thân nhân đã vậy, còn chính người bệnh thế nào? Một lần phải đi khám vết chàm tay ở bệnh viện nổi tiếng TP.HCM, tôi đã bị sốc thật sự. Mặc dù khám dịch vụ, nhưng ngay câu hỏi đầu tiên "bị dính gì đấy?" của vị bác sĩ lớn tuổi đã làm tôi sững người. Ông hỏi cứ như tôi là dân chơi, phải tìm bác sĩ "hoa liễu"!
Đặc biệt, đến lúc nhìn vết chàm trên tay tôi, ông chỉ lướt xem không quá năm giây, rồi ghi toa thuốc. Có thể bệnh này không lạ với bác sĩ, nhưng cách khám qua loa như vậy liệu giúp yên lòng người bệnh?
Và còn cả 1.001 chuyện khóc cười ở bệnh viện mà hầu như người dân nào cũng từng nhiều hoặc đôi lần trải nghiệm. Đúng là phải lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm khắc hành vi bạo lực ở bệnh viện.
Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. "Roi công lý" răn đe cần thiết nhưng chưa đủ. Để giải quyết gốc rễ vấn nạn này, ngành y tế cũng cần phải chủ động khắc phục hàng loạt vấn đề nội tại của mình đang gây bức xúc cho người bệnh và thân nhân họ.Chỉ khi nào người dân vào bệnh viện không còn quá lo lắng vì quá tải, vì sự lạnh lùng của nhân viên y tế, và thật sự yên tâm với y thuật cũng như y đức của bác sĩ, mới hi vọng giải quyết được gốc rễ căn bệnh trầm kha bạo lực này...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận