27/10/2017 09:12 GMT+7

Báo động bác sĩ liên tiếp bị đánh

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Chỉ trong vòng ba ngày (từ 20 đến 23-10) đã liên tiếp xảy ra 2 vụ bác sĩ ở Quảng Bình và Hà Tĩnh bị đánh, trong đó có trường hợp bị chém đa chấn thương, tỉ lệ tổn hại sức khỏe đến 17%...

Báo động bác sĩ liên tiếp bị đánh - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Văn Sơn sau khi bị hành hung phải nằm điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới - Ảnh: QUỐC NAM

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ bác sĩ bị tấn công gần đây, buộc lòng bộ trưởng Bộ Y tế phải có lời kêu gọi cộng đồng vào cuộc hỗ trợ bảo vệ thầy thuốc.

Đang làm việc thì bị đánh

Theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), những vụ bạo hành thầy thuốc xảy ra gần đây đều trong tình huống bác sĩ/nhân viên y tế đang trong ca trực, đang cấp cứu/điều trị cho bệnh nhân.

Đơn cử tháng 4-2017, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) bị bố bệnh nhi ném ly nước vào đầu khiến bác sĩ ngất xỉu... 

Tháng 7-2017, trong lúc đang cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Văn Long ở Bệnh viện Đa khoa Việt Yên (Bắc Giang) bị người nhà bệnh nhân ném đồng hồ đo huyết áp vào đầu phải khâu 5 mũi. 

Tiếp đến, tháng 9-2017, bác sĩ Hoàng Thị Minh, Bệnh viện Nhân dân 115 (Nghệ An), bị đánh vào mặt trong khi đang tham gia cấp cứu bệnh nhân. 

Hai vụ mới đây nhất xảy ra ngày 20 và 23-10 là bác sĩ Trần Thị Thanh Hải, phó trưởng Trạm y tế xã Hương Long (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), bị chém đa chấn thương, tỉ lệ tổn hại sức khỏe 17% và bác sĩ Trần Thanh Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), bị đánh rách mi mắt trái lẫn giác mạc.

Liên tục những vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra đã buộc Bộ Y tế có văn bản gửi các bệnh viện phải có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên y tế của mình.

Báo động bác sĩ liên tiếp bị đánh - Ảnh 2.

Một đối tượng gây rối, chửi bới bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) được camera an ninh ghi lại (tháng 7-2017)

Vì sao bác sĩ bị đánh?

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề "Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của nhân viên y tế" (tổ chức cuối tháng 9), một chuyên gia đã cho rằng có hai nguyên nhân khiến bác sĩ bị đánh: Trước hết là từ bệnh nhân/người nhà bệnh nhân. 

Họ mệt mỏi, bệnh tật hoặc phải chăm sóc người bị bệnh tật, lại thiếu kiên nhẫn do tác động của bệnh tật nên khi đến bệnh viện luôn muốn được chăm sóc, điều trị trước, trong khi khả năng của cơ sở y tế chưa thể đáp ứng dịch vụ cho bệnh nhân cụ thể đó.

Thứ hai là do thiếu nhân lực nên mỗi y, bác sĩ phải khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân/ngày. 

"Do thiếu nhân lực nên cán bộ y tế chỉ tập trung vào chuyên môn mà chưa tư vấn, chia sẻ, động viên người bệnh. Ngoài ra, thủ tục rườm rà cũng khiến người bệnh phải chờ đợi kéo dài" - chuyên gia này cho biết.

Theo nhận xét của một bác sĩ: sự thấu hiểu và thông cảm là điều hiếm thấy ở bệnh viện công. 

Đơn cử mới đây khi đưa con đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cấp cứu, ông B.H. tỏ ra bức xúc: "Trong khi gia đình rất lo lắng thì cả một êkip trực lại thờ ơ, đủng đỉnh đi lại". Vậy có phải đây là một trong những lý do khiến bác sĩ bị hành hung?

Trong khi xe cấp cứu hú còi, tranh thủ từng giây trên đường phố đông đúc thì nhiều bác sĩ lại rất đủng đỉnh trong phòng bệnh

Ông B.H. (người nhà một bệnh nhân) bức xúc

Cần có một cẩm nang hướng dẫn

Theo ông Khoa, Cục Quản lý khám chữa bệnh đang xây dựng một cẩm nang hướng dẫn các bệnh viện, trong đó có những hướng dẫn rất cụ thể, kiểu như khu vực nào dễ xảy ra bức xúc thì không nên để ly thủy tinh, mà nên để... ly nhựa... 

"Tôi mong muốn xây dựng một hướng dẫn cho thầy thuốc nhận biết tâm lý bệnh nhân và người nhà, nhận biết những bức xúc và có ứng xử hợp lý. Tôi có cảm nhận các thầy thuốc mới chú ý đến chuyên môn, chứ chưa chú ý đến giao tiếp, ứng xử" - ông Khoa nói.

"Khi gia đình đang lo lắng cho sức khỏe của người thân mà họ cảm thấy hình như mình không được quan tâm, không được cho chuyển viện hay tư vấn kỹ lưỡng thì họ dễ bức xúc. Vì vậy, muốn ngăn chặn bạo hành với nhân viên y tế thì phải có giải pháp cụ thể mới giải quyết tận gốc vấn đề" - ông Khoa cho biết.

Báo động bác sĩ liên tiếp bị đánh - Ảnh 4.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Đồ họa: N.KH.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:

Tôi rất bức xúc

Trả lời báo chí ngày 25-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: "Tôi rất bức xúc. Việc hành hung người thi hành công vụ là vi phạm pháp luật, đánh người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, cho người thân mình thì người thiệt hại nhất vẫn là bệnh nhân.

Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện phải bảo đảm an ninh cho y bác sĩ nhưng chưa hiệu quả, bảo vệ bệnh viện thì không đủ sức nên tôi cảm thấy rất lo lắng.

Bệnh nhân đòi được khám ngay, lấy điện thoại quay, ghi âm thì bác sĩ làm sao yên tâm khám chữa bệnh được?".

Trước đó, tối 24-10, lần đầu tiên bà Tiến đã có thư kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ thầy thuốc.

"Tình trạng bác sĩ bị hành hung diễn ra ngày một nhiều và là thực trạng đau lòng, gây tâm trạng bất an cho nhân viên y tế.

Tôi kêu gọi cộng đồng lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế, không được phép hành hung nhân viên y tế với bất cứ lý do nào" - bà Tiến viết.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM):

Cần xử lý nghiêm những người hành hung nhân viên y tế

"Theo tôi, để hạn chế tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, điều đầu tiên là phải xử lý nghiêm những trường hợp hành hung nhân viên y tế.

Ngoài ra, trong Luật khám chữa bệnh nên có điều khoản ghi rõ nếu người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế sẽ bị xử lý thế nào để có cơ sở xử lý".

Thùy Dương ghi

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên