02/03/2023 11:08 GMT+7

Hàng trăm bạn đọc vẫn vướng vì xác nhận cư trú

Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng thực tế ở nhiều nơi, người dân vẫn bị vướng trong việc xác nhận cư trú khi đi làm các thủ tục hành chính. Tuổi Trẻ Online xin trích đăng một số ý kiến bạn đọc gửi về.

Hàng trăm bạn đọc vẫn vướng vì xác nhận cư trú - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục đăng ký kết hôn ở một phường tại Cầu Giấy (Hà Nội) - Ảnh: GIA HÂN

Hết vui vẻ nổi!

Tôi là người trẻ nên thích đăng ký thường trú online thuận tiện dễ dàng hơn, nhưng thật sự đúng là chưa hề có sự thống nhất gì giữa luật và người thực thi, người dân còn cực hơn (nhất là với người lớn tuổi không am hiểu đăng ký online).

Trường hợp của tôi là đăng ký lập hộ mới cho vợ và con vào chỗ ở hợp pháp ở một quận tại TP.HCM. Nộp lần một, cả ba người bị trả lại vì vợ và chồng khác thường trú. Cán bộ nhận hồ sơ trả lời tôi phải đăng ký làm chủ hộ trước.

Tôi cũng vui vẻ nộp lại vì làm online không mất nhiều thời gian, sau đó hai ngày có thông báo của cán bộ tiếp nhận ghi là yêu cầu công dân nộp hồ sơ về phường.

Tôi cũng vui vẻ ra công an phường điền lại mọi giấy tờ khai báo một lần nữa và được yêu cầu khai thêm một tờ xác minh cư trú (cần công an khu vực ký tên) mà tôi thắc mắc không biết lịch gặp công an khu vực nên cán bộ tiếp dân cũng vui vẻ bảo tôi cứ ký tên thôi, rồi chờ kết quả thông báo trên cổng thông tin trực tuyến.

Tôi cũng vui vẻ kiểm tra mỗi ngày và đợi 10 ngày sau thấy đã trả kết quả là không đăng ký thường trú thành công theo khoản 1 điều 20 Luật cư trú do công an khu vực xác minh là tôi không cư trú thực tế ở đây.

Tôi lại vui vẻ tìm hiểu khoản 1 điều 20 và không tìm thấy câu nào bắt buộc cần sự xác minh này (dù rằng thực tế tôi và gia đình cũng đã ở chỗ ở hợp pháp của mình vài tháng).

Thôi thì phép vua cũng thua lệ làng, tôi sẽ tiếp tục vui vẻ ra công an phường hỏi lại thủ tục làm sao để xác minh là tôi đang cư trú thực tế ở đây và một vòng luẩn quẩn nộp online và nộp trực tiếp tiếp tục. Đến nay tôi cũng chưa làm xong thủ tục, hết vui vẻ luôn!

Bạn đọc có nick name CDNam

Vẫn đòi hỏi xác nhận cư trú

Khó mà gỡ được nếu không có sổ hộ khẩu lắm. Các con tôi đi học nhưng chưa có căn cước công dân, chỉ có giấy khai sinh thì chưa thể xác định được nơi ở của các con.

Người lớn thì thường trú trên căn cước công dân là chỗ này, sau đó nhập cư tại nơi ở mới thì căn cước công dân cũng chưa thể hiện rõ nơi cư trú mới được. Ý kiến cá nhân tôi là nên trả lại sổ hộ khẩu cho người dân, chứ bữa giờ tui phải đi làm giấy xác nhận cư trú đã khổ lắm rồi.

Bạn đọc Nhi

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Chỗ tui ở (chung cư), ban quản lý chung cư đòi phải có giấy xác nhận cư trú mới cho thanh toán tiền nước theo tiêu chuẩn thường trú, còn không thì phải thanh toán tiền nước theo tiêu chuẩn tạm trú (nghĩa là giá cao hơn nhiều).

Ai không có giấy xác nhận cư trú thì ráng chịu (chịu gì nổi chuyện tào lao này, nên phải ráng làm cho có giấy đó).

Qua đây mới thấy, chuyện "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong mọi thủ tục hành chính của ta còn phiền phức cho dân nhiều lắm .

Ai, tổ chức nào chịu trách nhiệm? Hay là dân phải chịu, lo mà đi xác nhận cư trú?

Bạn đọc Ne Na Phạm

Bỏ xác nhận cư trú cũng bất cập. Khi tôi làm thủ tục đi nước ngoài họ yêu cầu xác nhận gia đình có mấy người. Hộ khẩu thì phường bảo bỏ không sao y cho, ra công an thì họ bảo Thủ tướng chỉ đạo bỏ không xác nhận cư trú nữa, bảo dùng VNeID để đăng lý, làm thủ tục. Nhưng đại sứ quán họ có biết VNeID là gì đâu.
Bạn đọc Trường

Bó tay chấm com!

Công ty Cấp nước Trung An (đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM) yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận cư trú ở công an khi đăng ký cấp định mức nước 4 mét khối cho một tháng với lý do cư trú khác quận, cư trú cùng quận khác phường...

Trong khi mỗi người có một mã số định danh trên căn cước công dân gắn chip và nếu cấp ở quận Gò Vấp rồi thì không cấp định mức ở quận khác nữa.

Một người đâu có hai hay ba mã số định danh mà sợ được cấp nhiều định mức nước chứ!? Đúng là hành dân không! Bó tay chấm com!

Bạn đọc Bùi Văn Dũng

Chuyện quản lý rất đơn giản

Từ khi mới sinh đến 6 tuổi, nơi cư trú mẹ sẽ quản lý thông tin, chuyển dữ liệu về tư pháp và công an. Từ 6 -18 tuổi do trường quản lý dữ liệu, học sinh đúng tuổi không đi học do công an quản lý. Từ 18 -23 nếu học tiếp thì do trường nghề, trường đại học quản lý.

Nếu đăng ký độc thân để đăng ký kết hôn thì cả hai căn cước công dân cặp đôi sẽ bị cắt góc. Nếu 18-23 tuổi không đi học thì đăng ký cơ quan lao động - thương binh và xã hội quản lý và họ gửi dữ liệu về công an.

Kể từ 23 tuổi trở đi đến hết đời do lao động - thương binh và xã hội quản lý (làm ở đâu, đăng ký cư trú ở đó, kể cả làm cho tư nhân hay gia đình).

Nếu đóng bảo hiểm xã hội thì lao động - thương binh và xã hội chuyển dữ liệu về cho công an tải vào sim. Nếu làm tư nhân không đóng bảo hiểm xã hội thì công an quản lý. Công an phát hiện khai sai lúc đó khóa sim và điều tra theo nghiệp vụ.

Công an chỉ làm nghiệp vụ và quản lý mã định danh bất thường, không có đoàn thể quản lý mà thôi. Chỉ đến khi bảo hiểm y tế hoặc công an báo tử thì khóa sim và mã số định danh đưa vào kho lưu trữ.

Bạn đọc nick name Volen

ĐỨC TUYÊN tổng hợp

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên