Hàn Quốc tiến gần thỏa thuận thương mại với Mỹ, chiến lược đàm phán linh hoạt và khéo léo

Trước thách thức từ làn sóng thuế quan của Mỹ, Hàn Quốc đang thể hiện bản lĩnh bằng một chiến lược đàm phán mềm dẻo, thông minh và đầy tính toán.

Hàn Quốc tiến gần thỏa thuận thương mại với Mỹ, chiến lược đàm phán linh hoạt và khéo léo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk Geun - Ảnh: YONHAP

Hàn Quốc - Mỹ đàm phán "rất thành công"

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 25-4 từ giới chức Hàn Quốc cho biết sau vòng đàm phán thương mại đầu tiên, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí vạch ra một gói thỏa thuận nhằm dỡ bỏ thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa Hàn Quốc, trước khi hết thời hạn tạm hoãn thuế đối ứng vào tháng 7.

Trước đó ngày 24-4, vòng đàm phán thương mại Mỹ - Hàn đầu tiên diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk Geun.

Ông Bessent tuyên bố Seoul và Washington đã có một cuộc đàm phán rất thành công: "Chúng tôi có thể đang đi nhanh hơn những gì tôi đã nghĩ, và sẽ thảo luận các thuật ngữ kỹ thuật sớm nhất vào tuần tới".

Phía Hàn Quốc cho biết nước này đã đề nghị Mỹ miễn thuế quan đối ứng và thuế quan áp theo từng ngành hàng, đồng thời đề nghị hai bên hợp tác về đóng tàu và năng lượng, cũng như giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.

"Trong cuộc họp, hai nước đã đạt được nhất trí chung về khuôn khổ cho các cuộc thảo luận trong tương lai. Chúng tôi cũng đã nhất trí tổ chức các cuộc gặp ở cấp công tác vào tuần tới để xác định phạm vi và cấu trúc của các vòng đàm phán cấp cao tiếp theo, với mục tiêu đưa ra một thỏa thuận trước ngày 8-7" - ông Ahn Duk Geun nói với báo giới.

Theo Bộ trưởng Choi Sang Mok, sau các cuộc gặp tại Mỹ, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán tiếp theo tại Hàn Quốc vào ngày 15 và 16-5, "tập trung vào 4 nội dung chính gồm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, an ninh kinh tế, hợp tác đầu tư và chính sách tiền tệ".

Chiến lược của Hàn Quốc, chuyên gia nói gì?

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên khởi động đàm phán thương mại với Mỹ, sau chiến dịch áp thuế các nước của Tổng thống Trump.

Theo báo New York Times, trước khi Hàn Quốc chuẩn bị bước vào các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, quốc gia châu Á tìm cách thuyết phục Tổng thống Donald Trump bằng cách hỗ trợ ngành đóng tàu của Mỹ, với tư cách quốc gia đứng thứ hai thế giới về ngành này.

"Vì Tổng thống Trump và chính quyền của ông đã thể hiện sự quan tâm to lớn đến việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, nên đây sẽ là lá bài đàm phán rất quan trọng đối với chúng ta" - Bộ trưởng Ahn Duk Geun phát biểu trước Quốc hội.

Theo Reuters, Hàn Quốc còn sẵn sàng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đơn cử như dự án LNG (dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng) tại Alaska, với chi phí đầu tư “khủng” lên tới 40 tỉ USD.

Hàn Quốc tiến gần thỏa thuận thương mại với Mỹ, chiến lược đàm phán linh hoạt và khéo léo - Ảnh 3.

Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Euisun Chung công bố đầu tư 21 tỉ USD tại Mỹ vào ngày 24-3 - Ảnh: REUTERS

Cùng với đó, sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc, đơn cử như Hyundai, với tuyên bố đầu tư hàng chục tỉ USD vào nước Mỹ, cũng góp phần khiến quan hệ thương mại hai nước trở nên gần nhau hơn.

Đặc biệt, sau vòng đàm phán thành công ngày 24-4, chiến lược của Hàn Quốc đang thu hút nhiều đánh giá từ các chuyên gia quốc tế.

Giáo sư thương mại quốc tế Heo Yoon tại Đại học Sogang ở Seoul cho biết: "Có vẻ như Hàn Quốc đang vô cùng thận trọng".

Theo ông Daniel Russel - cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và hiện là phó chủ tịch Viện Chính sách châu Á, Hàn Quốc đã "chơi một ván bài khôn ngoan":

"Họ không đến Washington chỉ để kêu gọi sự nhượng bộ. Họ mang theo các đề xuất đầu tư, các cam kết tạo việc làm, những sáng kiến hợp tác chiến lược. Điều đó khiến Mỹ sẵn sàng lắng nghe và phản hồi tích cực".

Bên cạnh đó bà Min Ji Hyun, chuyên gia thương mại thuộc Viện Kinh tế thế giới Hàn Quốc, phân tích rằng sức mạnh của Hàn Quốc không chỉ nằm ở khả năng sản xuất, mà còn ở cách định hình chính sách đối ngoại kinh tế dài hạn.

"Hàn Quốc hiểu rằng đàm phán thương mại không chỉ là về hàng hóa và thuế. Đó là sự đánh đổi về niềm tin và ảnh hưởng lâu dài. Như việc Hyundai cam kết đầu tư sâu rộng tại Mỹ không chỉ giúp né thuế, mà còn tạo ra sự ràng buộc chiến lược giữa hai nền kinh tế" - bà Min chia sẻ với Hãng tin Yonhap.

Hàn Quốc tiến gần thỏa thuận thương mại với Mỹ, chiến lược đàm phán linh hoạt và khéo léo - Ảnh 2.Cách Hàn Quốc lấy lòng ông Trump để được giảm thuế quan

Đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp mức thuế quan 25%, Hàn Quốc đã nhanh chóng để mắt tới mục tiêu Tổng thống Trump tuyên bố theo đuổi: hồi sinh ngành đóng tàu của Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên