Theo báo Wall Street Journal (WSJ), lực lượng vũ trang Hamas vốn bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Nhóm này đã kiểm soát dải Gaza từ năm 2007 và từ đó tiến hành 4 cuộc chiến chống lại Israel.
Hamas được Iran hậu thuẫn và cũng đang hoạt động ở Bờ Tây, có mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Hamas sử dụng mạng lưới đường hầm dưới biên giới Ai Cập - Gaza để buôn lậu vũ khí và vật tư dùng để chế tạo hàng nghìn quả tên lửa và máy bay không người lái.
Tuy nhiên, Hamas chỉ có một lượng nhỏ máy bay không người lái và lực lượng phòng không của Israel có thể vô hiệu hóa phần lớn mối đe dọa này.
Sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát dải Gaza vào năm 2007, Israel tuyên bố đây là "thế lực thù địch", đồng thời áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cắt điện, hạn chế nhập khẩu và đóng cửa biên giới.
Các cuộc tấn công của Hamas vào Israel vẫn tiếp tục, ngược lại Israel cũng tấn công vào dải Gaza.
Trước khi xảy ra giao tranh ngày 7-10, lần gần nhất hai bên xảy ra xung đột toàn diện là vào năm 2021.
Khoảnh khắc tòa nhà 14 tầng bị tiêm kích đánh sập ở Dải Gaza
Sau nhiều tuần leo thang đối đầu ở thủ đô Jerusalem của Israel, trong đó có vụ lực lượng an ninh Israel đột kích vào khu phức hợp nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem.
Đây là thánh địa linh thiêng thứ 3 của đạo Hồi. Khi đó, cảnh sát Israel đụng độ với người Palestine ở Al-Aqsa, dẫn đến việc Hamas bắn một loạt tên lửa vào Israel.
Đáp lại, Israel phát động chiến dịch không kích khiến hơn 250 người ở dải Gaza thiệt mạng. Phía Israel cũng mất 14 thường dân và 1 binh sĩ.
Trong thời gian căng thẳng leo thang, Israel đã phá hủy một tòa nhà cao tầng ở Gaza, nơi đặt văn phòng của một số hãng tin như AP hay Đài Al Jazeera.
Giao tranh năm 2021 kết thúc sau 11 ngày với lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian.
Trong cuộc tấn công ngày 7-10, Hamas đổ lỗi cho hành vi "xúc phạm" nhà thờ Al-Aqsa từ phía Israel.
Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà phía Israel gọi là Núi Đền ở Đông Jerusalem) là một trong những địa điểm bị tranh chấp khốc liệt nhất trên thế giới.
Do đó, Hamas gọi vụ tấn công mới là "Chiến dịch Bão Al-Aqsa". Nhóm vũ trang kêu gọi người Palestine tham gia chiến dịch, đồng thời tuyên bố mọi thứ chỉ mới bắt đầu.
Vào cuối năm ngoái, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập nhóm, các lãnh đạo của Hamas đã dự đoán về một "cuộc đối đầu công khai" với Israel vào năm 2023.
Theo nhà nghiên cứu Ả Rập Nguyễn Ngọc Hùng, Hamas, tên gọi tắt của "Phong trào kháng chiến Hồi giáo", tuyên bố thành lập ngày 15-12-1987, trùng với thời gian phát động cuộc nổi dậy (Intifada) lần thứ nhất.
Mục tiêu công khai không thay đổi của Hamas là giải phóng hoàn toàn "lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng", tiến tới xây dựng một chính thể Hồi giáo tại lãnh thổ này.
Theo quan điểm của Hamas, "lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng" là bao gồm toàn bộ lãnh thổ Israel hiện nay cùng với Gaza và Bờ Tây. Họ hoàn toàn bác bỏ việc thành lập nhà nước Israel năm 1948.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận