16/05/2021 07:57 GMT+7

Hamas không đại diện cho Palestine

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Bùng phát từ ngày 10-5, cuộc xung đột đạn bom giữa một bên là lực lượng Palestine ở Gaza với bên kia là Israel mặc dù chưa có dấu hiệu dừng lại, đã được coi là tàn khốc nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Hamas không đại diện cho Palestine - Ảnh 1.

Cảnh tàn phá ở thành phố Beit Hanoun phía bắc Gaza ngày 14-5 - Ảnh: Aawsat.com

Xung đột bùng lên hôm 10-5 khi tên lửa từ Gaza - khu vực do chính quyền của phong trào Hamas kiểm soát - ào ạt bắn sang Israel, nhằm "đáp trả các hành động bạo lực của Israel" chống lại hoạt động bình thường của các tín đồ Hồi giáo Palestine tại khu vực thánh đường al’Aqsa (còn được gọi là al’Qods) thuộc khu phố cổ đông Jerusalem do Israel kiểm soát.

Israel công nhận đã có gần 2.000 tên lửa các loại từ Gaza bắn sang lãnh thổ của họ, và họ cũng đã thực hiện hơn 500 vụ đánh phá nhắm vào cả ngàn mục tiêu bên trong lãnh thổ Gaza.

Hàng trăm người Palestine ở Gaza bị thương vong cùng vô số cơ sở hạ tầng của thành phố này bị phá hủy. Trong khi đó, tên lửa Gaza đã bắn tới cả thành phố Tel Aviv ở phía bắc và thành phố Dimona - nơi có lò phản ứng nguyên tử, ở phía nam Israel. Thực tế khiến có nhận định rằng không một thành phố nào của Israel nằm ngoài tầm bắn của hỏa lực từ Gaza.

Vì sao Hamas khai hỏa?

Câu hỏi này trước hết cần đặt ra với bên khai hỏa: Hamas.

Cũng như những lần trước đây chủ động khai hỏa bằng tên lửa từ Gaza bắn sang Israel, Hamas đều nhân danh "sự nghiệp chính nghĩa của Palestine", "bảo vệ thánh địa al’Qods", chống lại "kẻ thù Sionist" (tức Israel)...

Nhưng qua trải nghiệm thực tế, Hamas hiểu những hành động như thế không đem lại kết quả gì cho Gaza và Palestine ngoài chết chóc và tàn phá. Vậy nay họ lại làm như vậy để làm gì?

Trước hết và trên hết, Hamas và đồng minh của họ muốn thu phục tình cảm của người Ả Rập và cảnh tỉnh họ về sự tàn bạo của "kẻ thù Sionist". Thứ nữa, để cản trở xu hướng bình thường hóa quan hệ đang có chiều hướng phát triển giữa một số quốc gia Ả Rập với Israel.

Xu hướng này đã được hình thành, với khởi đầu vào tháng 8-2020 khi hai quốc gia Ả Rập vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tiếp đó, Hamas muốn khẳng định "sự tồn tại mạnh mẽ" của tổ chức này. Họ tự xưng là "đại diện của phong trào kháng chiến Palestine", họ muốn giành thắng lợi trong chuỗi bầu cử nội bộ Palestine, trong đó có bầu tổng thống và hội đồng lập pháp dự kiến bắt đầu trong tháng 5 này.

Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Hamas trong chuỗi bầu cử này chính là Tổ chức Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas.

Có thực xung đột Palestine - Israel?

Truyền thông Ả Rập và quốc tế đều coi đây là "xung đột Palestine - Israel". Nhưng nói chính xác, đây là xung đột vũ trang trực tiếp giữa các lực lượng quân sự ở Gaza, do Hamas kiểm soát, với Israel.

Những cuộc xung đột tương tự từng xảy ra giữa Gaza với Israel, kể từ giữa năm 2007 - khi Hamas giành quyền kiểm soát Gaza từ tay chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu.

Bởi vậy đến nay các xung đột giữa hai lực lượng này đều thường được đánh đồng là "xung đột Palestine - Israel".

Nhưng chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas không kiểm soát được Gaza nói chung và các lực lượng vũ trang của người Palestine ở Gaza nói riêng. Bởi thế, xung đột vũ trang xuất phát từ Gaza với Israel thực chất nằm ngoài tầm quản lý của chính quyền Palestine, mà chính quyền này lại đặt thủ phủ tại thành phố Rummallah ở Bờ Tây!

Về pháp lý quốc tế và phạm trù đạo đức, Gaza là một phần không thể tách rời của Palestine. Nhưng pháp lý quốc tế cũng chỉ công nhận chính quyền của Tổng thống Abbas là đại diện duy nhất cho Palestine, chứ không phải "chính quyền ở Gaza" do Hamas cai quản.

Hamas luôn chủ trương "đường lối kháng chiến" là dùng vũ trang để giành độc lập cho Palestine, thậm chí là "xóa Israel trên bản đồ"! Quan điểm này đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ năm 1993 đến nay.

Đây cũng không phải là đường lối chủ đạo của chính quyền Palestine. Năm 1993, cố lãnh tụ Yaser Arafat - chủ tịch Mặt trận giải phóng Palestine (PLO) - đã chấp nhận Hiệp định Oslo (được ký tại thủ đô của Na Uy), trong đó Israel công nhận có một chính quyền tự trị của Palestine, đổi lấy việc PLO từ bỏ đấu tranh vũ trang, để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho một Nhà nước Palestine độc lập.

Hamas và các nhóm vũ trang đồng minh của họ đang cai quản Gaza muốn dùng xung đột vũ trang với Israel vào lúc này để buộc chính quyền của Tổng thống Abbas phải "nhảy vào" chia lửa. Nhưng chính quyền Palestine không trở lại bạo lực súng đạn.

Với tương quan lực lượng hiện nay, trong tình cảnh lãnh thổ Gaza bị bao vây phong tỏa toàn diện, lãnh đạo Hamas thừa hiểu kiểu đấu tranh vũ trang của họ chẳng thể đem lại một Nhà nước Palestine độc lập. Thế giới đang chung tay ngăn chặn bạo lực leo thang ở Gaza và vẫn luôn ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Palestine.

Gaza là lãnh thổ của Palestine. Nhưng Hamas không đại diện cho Palestine và con đường giành độc lập chính đáng cho Palestine không nên tiếp tục là đổ máu dân thường vô thời hạn.

Xung đột ở Dải Gaza tiếp diễn, người chết gia tăng

anh cho tin chan trang 20 cua dang 1(read-only)

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại khu vực bị Israel không kích ngày 15-5 - Ảnh: Reuters

Giao tranh giữa Israel và Hamas tiếp tục leo thang trong ngày thứ sáu liên tiếp bất chấp các nỗ lực ngoại giao. Đáng chú ý nhất là vụ một tòa nhà nơi đặt văn phòng một số hãng thông tấn quốc tế ở Dải Gaza bị Israel san bằng trong một vụ không kích ngày 15-5.

Quân đội Israel xác nhận sự việc và khẳng định đã thông báo trước để người bên trong sơ tán. "Tòa nhà là nơi đặt các thiết bị tình báo của khủng bố Hamas. Những kẻ khủng bố đã ẩn nấp và sử dụng các hãng tin quốc tế như lá chắn sống cho bọn chúng", phía Israel giải thích.

Hãng thông tấn AFP cho biết ông Jawad Mehdi, chủ tòa nhà trên, được cho 1 tiếng để sơ tán. Ông năn nỉ Israel cho thêm 10 phút để các nhà báo sơ tán máy móc nhưng không được chấp thuận. Tòa nhà là nơi đặt văn phòng của Hãng tin AP (Mỹ) và Đài Al Jazeera của Qatar.

Nhà báo Wael al-Dahdouh, trưởng đại diện Al Jazeera tại Dải Gaza, nói ông cảm thấy "kinh khủng" khi Israel nhắm vào truyền thông quốc tế. AP xác nhận các phóng viên của hãng vẫn an toàn sau vụ không kích.

Quân đội Israel bị cáo buộc đã cố tình "tung hỏa mù" bằng tuyên bố không có thật về chiến dịch tấn công Hamas ở Dải Gaza. Cụ thể, một số nhà quan sát quân sự Israel cho rằng bằng việc tung tin đã xâm nhập vào chiến tuyến của Hamas, quân đội Israel đã dụ các tay súng của lực lượng này trú vào hệ thống metro và sau đó thực hiện đợt không kích có thể giết hàng chục tay súng Hamas.

Tính đến ngày 15-5, phía Palestine cho biết ít nhất 139 người đã chết và 950 người bị thương ở Gaza kể từ khi xung đột xảy ra hôm 10-5. Trong khi đó phía Israel nói có 10 người chết.

Bên cạnh số người chết vì các đợt không kích và phóng rocket, cũng có ít nhất 11 người Palestine đã chết tại khu vực Bờ Tây khi người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh Israel. Hôm 15-5, Ai Cập đã gửi 10 xe cứu thương tới Gaza để hỗ trợ nạn nhân trong các cuộc không kích của Israel.

BẢO DUY - MẠNH ĐỨC

Ông Biden điện đàm Palestine và Israel, kêu gọi hạ nhiệt Ông Biden điện đàm Palestine và Israel, kêu gọi hạ nhiệt

TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15-5 đã điện đàm cùng nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, để thể hiện “sự quan ngại sâu sắc” đối với căng thẳng ngày một leo thang giữa hai bên.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Palestine Hamas Israel Gaza