15/10/2017 13:14 GMT+7

Hai người con chiến sĩ nhà giàn DK1

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Bùi Đức Đạt là tân sinh viên cuối cùng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ năm 2017.

Hai người con chiến sĩ nhà giàn DK1 - Ảnh 1.

Bùi Đức Đạt (bìa trái) quyết định san sẻ học bổng cho bạn của mình là Nguyễn Xuân An - Ảnh: NGỌC HIỂN

Nhưng ngay trong lễ trao học bổng được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 14-10, Đạt quyết định "cưa đôi" suất học bổng đặc biệt này (10 triệu đồng) cho người bạn sống cùng phòng trọ Nguyễn Xuân An.

Bởi cả hai cùng là con chiến sĩ nhà giàn DK1, gắn bó từ thuở ấu thơ và Đạt biết An khó khăn hơn mình. Câu chuyện của Đạt và An đã vẽ nên bức tranh đẹp về tình bạn giữa những đứa con của người lính.

"Quá bất ngờ, tôi quá xúc động" - trung tá Nguyễn Xuân Hà, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/15, thốt lên qua điện thoại khi phóng viên Tuổi Trẻ thông báo con trai của anh (Nguyễn Xuân An) được Đạt san sẻ học bổng. Từ nhà giàn DK1, anh Hà cho biết gió biển đang cấp 7 nhưng tin vui khiến anh phấn chấn, xóa tan mệt mỏi của những ngày dông tố trên biển. 

Con của anh Hà mắc căn bệnh vảy nến. Năm lên lớp 8, da của An bắt đầu tróc vảy. Gia đình chạy chữa từ Nam ra Bắc, ra tới Bệnh viện Da liễu trung ương nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Chính căn bệnh đã khiến An phải từ bỏ giấc mơ học ngành báo chí và chuyển sang học ngành dược.

Với An, học dược tức là An có cơ hội nghiên cứu về các loại thuốc trên thế giới. Hi vọng một ngày An tìm được loại thuốc có thể chữa trị căn bệnh này. An lên Sài Gòn học năm 2016. Bệnh tật khiến bạn tự ti và ngại giao tiếp với bạn bè. 

Nhưng năm nay, Đạt đậu đại học và lên sống trọ chung cùng An. An như bước ra khỏi bóng tối của mặc cảm. Dù nhiều người vẫn còn dè dặt khi biết An mang bệnh nhưng với Đạt, đó lại là lý do khiến hai đứa phải sát cánh bên nhau.

"Đạt làm em bớt cô đơn, dũng cảm hơn khi giao tiếp với bạn bè" - An kể. Khi biết tin mình nhận suất học bổng đặc biệt 10 triệu đồng, Đạt nghĩ ngay việc phải san sẻ với người bạn khó khăn hơn mình. 

"Chia một nửa học bổng, nhưng niềm vui sẽ nhân đôi cho cả hai thì đó là điều em cần phải làm" - Đạt hồ hởi. 

Cha Đạt là trung tá Bùi Xuân Bổng - chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/9, nhân vật từng được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ năm 2009 trong loạt ký sự "DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa". 

Rạng sáng 5-12-1990, sóng lớn ập vào dữ dội khiến nhà giàn DK1/3 nghiêng dần rồi sụp hẳn. Các chiến sĩ nhảy xuống biển, bám víu vào những chiếc áo phao, phuy nhớt rỗng lênh đênh giữa đại dương trong điệp trùng sóng dữ.

Hơn nửa ngày kiệt quệ chống chọi giữa lằn ranh sinh tử, năm chiến sĩ may mắn được tàu HQ 711 cứu sống (trong đó có cha của Đạt) nhưng 3 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại đại dương. Câu chuyện xúc động này đã được Đạt kể lại cho những tân sinh viên cùng nhận học bổng. 

"Từ bé cả hai đã biết san sẻ với nhau, bây giờ thấy An bệnh như vậy nên cháu Đạt rất đồng cảm. Hai đứa giúp đỡ, động viên nhau khiến những bậc làm cha mẹ như tôi cũng cảm thấy ấm lòng" - ông Bổng chia sẻ.

Làm thêm ngay khi vào Sài Gòn

Những ngày này, tin bão lũ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung triền miên khiến tâm trạng của những tân sinh viên xuất thân từ vùng đất khó thêm nhiều âu lo. Và cũng chính vì sự gian khó của quê hương mà nhiều em đã chọn cách làm thêm ngay khi đặt chân đến TP.HCM.

Phan Thị Quỳnh, tân sinh viên quê huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), đã quyết định chọn học ở miền Nam với mục đích có nhiều cơ hội làm thêm. Mỗi tuần, cô nữ sinh với dáng người nhỏ bé vừa đi dạy kèm vừa kiêm thêm phục vụ nhà hàng tiệc cưới.

Quỳnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cha Quỳnh qua đời khi em mới 3 tuổi. Cũng vì nghèo mà mẹ em không đủ tiền chữa căn bệnh suy tim. Cha mẹ lần lượt ra đi, cả sáu chị em bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời.

Nhiều lần Quỳnh tính bỏ ngang chuyện học. Nhưng hàng xóm động viên, Quỳnh đã gắng gượng hết sức tiếp tục đến trường. Nhận được suất học bổng đặc biệt (10 triệu đồng), Quỳnh nói sẽ đem ngay 7 triệu trả nợ học phí, còn 3 triệu để dành mua sách vở.

Còn Hoàng Thị Hương (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã nhanh chân xin làm thêm ở một quán cơm sinh viên tại Q.9. Vừa có thêm thu nhập, Hương lại được chủ quán cho một suất ăn miễn phí vào buổi trưa.

"Mình lớn rồi, phải cố gắng bươn chải để sống, để học chứ không ai giúp mình mãi được. Suất học bổng này như tiếp thêm sức mạnh để em thấy mình không hề cô đơn" - Hương khẳng định.

22 suất học bổng cuối cùng

Năm nay, báo Tuổi Trẻ trao gần 2.000 suất học bổng cho tân sinh viên khó khăn khắp mọi miền đất nước. 22 suất học bổng được trao tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 14-10 là 22 suất học bổng cuối cùng năm 2017 gửi tân sinh viên các tỉnh từ Hà Giang, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Vũng Tàu không dự được lễ trao học bổng tại các địa phương.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên