Ảnh: Gia Tiến
Địa bàn tôi phụ trách tuy mật độ dân số không đông nhưng lại hết sức phức tạp, bởi có không ít đối tượng dùng vũ khí cướp tàu thuyền của ngư dân…vì vậy công việc của CSKV vô cùng vất vả. Để chủ động đối phó với các đối tượng xấu, anh em CSKV chúng tôi không chỉ tăng cường các biện pháp nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng mà còn phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát tuyến biển để ngăn chặn các vụ cướp tàu của ngư dân.
Đúng 21 giờ đêm 30 tết năm Kỷ Mùi 1979, Đồn tổ chức cho anh em trong đơn vị đón giao thừa sớm để CSKV còn xuống địa bàn làm nhiệm vụ.
Trong lúc một mình tôi lặng lẽ tuần tra trong các con kiệt tối om, sâu hun hút và khi đi ngang qua nhà má Năm, thấy bếp nhà má bập bùng ánh lửa, tôi đẩy cổng bước vào. Phát hiện người lạ, con mực đang cuộn tròn trước hiên nhảy xổ ra sủa inh ỏi.
Má Năm từ dưới bếp bước ra cầm tay tôi, giọng ân cần: "Con hả! Đi miết ngoài đường rứa có lạnh lắm không? Vô nhà uống chén trà ấm cái đã". Đón nhận ly nước từ bàn tay run run gầy guộc của má đặt xuống mặt bàn gỗ cũ màu, tôi hỏi: "Má đã chuẩn bị Tết nhiều chưa?".
Má nhìn tôi, giọng nhè nhẹ: "Con mới làm khu vực ni, chưa hiểu hết hoàn cảnh của má đâu. Quê má ở huyện Thăng Bình nhưng từ năm 1956 đã về ở đây rồi. Khi con Hà của má mới 8 tháng thì ông nhà lâm bệnh qua đời, má ở rứa thờ chồng, nuôi con. Hồi giữa năm, con Hà lấy chồng về phường Thanh Bình nên cái nhà ni chỉ còn lại mình má. À, mà nhà nghèo làm chi có tiền mua sắm nhiều hả con?".
Nói chuyện với tôi một lúc rồi má đứng dậy lấy khăn lau tấm di ảnh của chồng, thắp 3 cây nhang lên bàn thờ, chắp tay khấn lầm thầm. Từ phía xa xa có tiếng pháo lẹt đẹt vọng lại, tôi vội hớp ly trà và xin phép má để còn tiếp tục công việc của mình.
Má cầm tay tôi kéo xuống bếp và lấy đũa gắp ra 2 chiếc bánh chưng xanh đang còn sôi sùng sục trong nồi và bảo: "Con thức đêm hoài, chắc đói lắm, chịu khó cầm tạm mấy chiếc bánh ni đợi lúc nghỉ làm nhiệm vụ ăn cho khoẻ". Tôi chưa kịp nói gì thì má đã ấn 2 chiếc bánh vào tay.
Liếc nhìn vào lòng nồi nghi ngút khói, tôi không còn thấy chiếc bánh chưng nào nữa, lòng tôi bỗng ngập tràn nỗi xúc động, kính trọng má vô bờ. Tôi khéo léo từ chối: "Má nấu có 2 chiếc bánh mà đưa hết cho con, má ăn cái chi? Thôi con xin nhận nhưng tặng lại má". "Thằng ni khách sáo dữ bay. Tao già rồi ăn bao nhiêu đâu. Mà mi khỏi lo đi, sáng mai con Hà mang bánh trái về cúng cha nó, rứa là tao có đầy đủ chứ đến nỗi chi mà mi ngại".
Má giận thực sự nên đổi cách xưng hô. Hiểu được tình cảm của má, tôi miễn cưỡng xách 2 chiếc bánh bước ra sân. Đêm se lạnh đen như mực, mưa giăng mờ cả vườn cây. Đã bước ra khỏi cổng nhà má mà lòng tôi cứ "dùng dằng" mãi về sự neo đơn, hiu quạnh của má, không nỡ…
Tôi lại quay vào: "Thưa má! Con xin lấy một chiếc thôi. Có gì má để đó, tết con ghé tới ăn, má khỏi lo". "Cái thằng ni lạ kỳ quá chừng! Má biết hết, tụi bay ăn tem phiếu toàn mì sợi, bo bo, cực lắm, cứ đem về ăn cho đỡ đói. Khổ quá, có nhiều nhặn chi đâu…".
Dứt lời, má quầy quả bước vào. Tiếng pháo vào độ râm ran, mọi nhà trong khối phố đều bật đèn sáng trưng. Thấy tôi, ai cũng tươi cười, chúc mừng năm mới có nhiều may mắn! Kim đồng hồ chỉ con số 2, phố phường lại lặng chìm yên ắng, tôi quay về Đồn thì nhận được lệnh phải ra ngay bến cá để cùng đồng đội truy đuổi bọn cướp tàu.
Bụng đói cồn cào nhưng trước tình hình khẩn cấp, tôi vội vàng mang súng cùng 2 chiếc bánh chạy ra bến. Chiếc tàu gắn máy của chúng tôi đẩy sóng lao đi đến vùng biển Hòn Chảo, Sơn Trà thì tàu của bọn cướp phát hiện có tàu của công an đuổi theo, chúng nổ súng chống trả và cuộc chiến đấu trên biển diễn ra vô cùng nguy hiểm.
Trời sáng dần, chúng tôi nhìn về chân núi, có một bà cụ chừng 70 tuổi đang nằm run rẩy, thoi thóp trong màn sương rét mướt, chúng tôi tấp vào, bà cụ thều thào: "Tụi hắn chạy hết rồi. Các cậu cứu tôi với". Hóa ra, nhóm người cướp tàu vượt biên lại chính là con ruột của cụ. Bà cụ đói lả, tôi lột chiếc bánh chưng đưa cho cụ, chiếc còn lại chúng tôi chia nhau ăn. Mùi nếp, thịt của bánh thơm lừng và tôi cảm thấy chưa có chiếc bánh chưng nào ngon hơn thế.
Bốn năm sau má Năm về cõi thiên thu, tôi cũng có mặt trong dòng người tiễn biệt má hôm ấy. Tuy má đã đi xa rất lâu rồi, song tôi cứ nhớ mãi 2 chiếc bánh chưng của má ngày nào, bởi tôi hiểu tấm lòng của má không chỉ dành riêng cho cá nhân tôi mà ở trong đó má còn dành tình cảm cho những người chiến sĩ trong thời bao cấp nhiều khó khăn.
Đã nhiều cái tết đi qua đời mình nhưng cái tết của tôi năm đó thật xúc động rưng rưng!
Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh), chưa đăng tải nơi nào. Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận