Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (trái) - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019 được thông qua tại hạ viện cuối ngày 3-12 giờ Mỹ, tức sáng 4-12 theo giờ Việt Nam, với số phiếu ủng hộ áp đảo 407 và chỉ có 1 phiếu chống.
Dự luật vừa được thông qua còn cứng rắn hơn một phiên bản của chính nó đã được Thượng viện Mỹ tán thành hồi tháng 9 năm nay. Đây là lần đầu tiên một dự luật liên quan đến vấn đề Tân Cương yêu cầu trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Các nghị sĩ Mỹ đã chỉ đích danh Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) trong dự luật và quy trách nhiệm ông này trong việc tạo ra các "trung tâm giam giữ người thiểu số Hồi giáo" ở Tân Cương.
Dự luật cũng yêu cầu tổng thống Mỹ lên án các hành vi "đàn áp" người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương và gây sức ép để Bắc Kinh xóa sổ các "trại giam tập thể" ở khu tự trị này.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chris Smith đã mô tả quy mô "đàn áp" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang ở mức "chưa từng thấy từ sau các trại tập trung người Do Thái".
"Nước Mỹ không thể im lặng. Chúng tôi phải lên tiếng, yêu cầu chấm dứt các hành vi man rợ này ngay lập tức", ông Smith nêu quan điểm.
Ngay lập tức sau động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát đi thông cáo "kịch liệt phản đối". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Tân Cương là "vấn đề nội bộ của Trung Quốc", yêu cầu Mỹ "sửa chữa sai lầm" và có các hành động ngăn dự luật chính thức trở thành luật.
Chính quyền Trung Quốc trước đó đã nhất mực khẳng định không có cái gọi là nhà tù ở Tân Cương, nhấn mạnh đây là những trung tâm đào tạo nghề của nhà nước.
Hãng tin Reuters nhận định Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng đầy tức giận trước động thái mới của Mỹ.
Hôm 3-12, tổng biên tập của Hoàn Cầu Thời Báo, ông Hồ Tích Tiến, khẳng định Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn đòn trả đũa nếu Mỹ tiếp tục can thiệp vào vấn đề Tân Cương.
Theo đó, Trung Quốc có thể sẽ cấm những người giữ hộ chiếu ngoại giao Mỹ đặt chân tới Tân Cương và nói không với các quan chức, nghị sĩ Mỹ liên tục đưa ra các phát ngôn "ghê tởm" về khu tự trị của Trung Quốc.
Dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019 sẽ còn phải chờ được thượng viện thông qua trước khi đưa đến bàn làm việc Tổng thống Donald Trump để ký thành luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận