18/03/2022 05:54 GMT+7

Hạ viện Mỹ đồng ý trừng phạt hàng trăm tỉ USD hàng hóa Nga

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Với 424 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ quy chế "tối huệ quốc" với Nga. Nếu luật này được ban hành, hàng trăm tỉ USD hàng hóa Nga có thể bị đánh thuế bổ sung.

Hạ viện Mỹ đồng ý trừng phạt hàng trăm tỉ USD hàng hóa Nga - Ảnh 1.

Hàng hóa tại một cảng ở Kaliningrad của Nga - Ảnh: REUTERS

Ngày 17-3, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã dễ dàng thông qua dự luật loại bỏ quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Nga, nỗ lực mới nhất của Quốc hội Mỹ nhằm gây áp lực kinh tế lên Nga và đồng minh Belarus.

Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết họ sẽ nhanh chóng thông qua dự luật.

Theo Hãng tin Reuters, việc đình chỉ quy chế "tối huệ quốc" sẽ tự động nâng mức thuế của Mỹ với hàng hóa Nga lên mức dành cho các nước không thuộc Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Theo quy chế "tối huệ quốc", các nước là thành viên WTO cam kết sẽ dành những ưu đãi thương mại tương tự nhau với các thành viên khác cùng thuộc tổ chức này. 

Đến giữa tháng 3-2022, khoảng 1/4 trong số 164 thành viên của WTO - chiếm 58% GDP toàn cầu - tuyên bố hoặc thể hiện ý định đã sẵn sàng ngừng quy chế tối huệ quốc cho Nga, theo Hãng tin Bloomberg. Ngoài Mỹ, danh sách còn bao gồm 27 thành viên của Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc và Úc.

Hạ viện Mỹ đồng ý trừng phạt hàng trăm tỉ USD hàng hóa Nga - Ảnh 3.

Các manơcanh được bao bọc che bụi ở cửa hàng quần áo thương hiệu Monki đã bị đóng cửa trong Trung tâm thương mại Atrium ở thủ đô Matxcơva ngày 17-3. Theo Hãng tin AFP, nhiều trung tâm thương mại ở Nga đã phải đóng cửa do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ - Ảnh: AFP


Dự luật thông qua tại Hạ viện Mỹ cũng cho phép Tổng thống Biden công bố mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm từ cả Nga và Belarus.

"Việc đình chỉ quan hệ thương mại bình thường là một phần thiết yếu trong nỗ lực của chúng ta nhằm khôi phục hòa bình, cứu sống người dân và bảo vệ nền dân chủ", hai nghị sĩ bảo trợ dự luật là Kevin Brady và Richard Neal nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra trước phiên bỏ phiếu.

Trong diễn biến khác cùng ngày 17-3, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đệ trình một dự luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga. "Việc cấm nhập khẩu uranium của Nga sẽ làm suy yếu thêm cỗ máy chiến tranh của họ, đồng thời giúp phục hồi sản xuất uranium của Mỹ và tăng cường an ninh quốc gia”, thượng nghị sĩ John Barrasso nêu lập luận khi đệ trình dự luật. 

Mỹ có hơn 90 lò phản ứng hạt nhân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và phụ thuộc rất nhiều vào uranium nhập khẩu. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng của Mỹ, uranium của Nga chiếm 16% lượng mua của Mỹ vào năm 2020.

Hôm 14-3, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty của Nga, trong đó có tỉ phú Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh. Đây là gói biện pháp trừng phạt thứ 4 của EU đối với Nga sau khi Matxcơva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Gói trừng phạt thứ 4 bao gồm kế hoạch cấm nhập khẩu "các mặt hàng thiết yếu trong lĩnh vực sắt thép", cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ, trong đó có xe ô tô trị giá trên 50.000 euro (55.000 USD) và một lệnh cấm đầu tư vào các công ty dầu mỏ và lĩnh vực năng lượng.

Nga đã thừa nhận các lệnh trừng phạt gây cú sốc cho nền kinh tế nước này nhưng khẳng định sẽ chịu đựng được và vượt qua. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng phát biểu trên kênh truyền hình Channel One ngày 12-3 rằng lệnh trừng phạt hiện nay là chưa từng có và hết sức tồi tệ nhằm giáng một đòn nghiêm trọng vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga.

Nhưng ông cũng nêu rõ: "Nga là một quốc gia hiện đại, mạnh mẽ, tự tin vào khả năng của chính mình, nhận ra tiềm năng của mình, là một bộ phận hợp thành và không thể tách rời của thế giới đa cực... Chúng ta sẽ làm việc có mục đích, năng lượng và tập trung vào việc tránh các tác động tiêu cực của mọi lệnh trừng phạt của Mỹ. Có những cơ hội để thực hiện mục tiêu này".

ĐỌC NHANH 18-3: Dân Nga đổ xô đi mua đường tích trữ ĐỌC NHANH 18-3: Dân Nga đổ xô đi mua đường tích trữ

TTO - Nhiều người Nga coi đường là một sản phẩm hữu ích cần tích trữ trong thời kỳ khủng hoảng và đã vội vã đi mua sau khi các trừng phạt của phương Tây đang làm đồng rúp mất giá, khiến giá cả các mặt hàng lương thực tăng cao.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga Ukraine Mỹ