03/03/2023 09:02 GMT+7

Gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội vẫn chờ Chính phủ quyết

Gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội theo đề xuất của Bộ Xây dựng khoảng 110.000 tỉ đồng, còn đề xuất của Ngân hàng Nhà nước khoảng 120.000 tỉ đồng, đến nay Chính phủ chưa quyết định quy mô của gói tín dụng này là bao nhiêu.

Gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội vẫn chờ Chính phủ quyết - Ảnh 1.

Dự án nhà ở xã hội Rosa Garden do Tổng công ty HUD xây dựng tại Mê Linh, TP Hà Nội - Ảnh: TH.L

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về thông tin Bộ Xây dựng dừng đề xuất gói ưu đãi 110.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang ở giai đoạn đề xuất, chờ Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng chưa có báo cáo về việc dừng gói tín dụng 110.000 tỉ đồng.

Chưa chốt gói tín dụng cho nhà ở xã hội

Trước đó, theo đề xuất của Bộ Xây dựng thì gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỉ đồng sẽ thực hiện theo hình thức tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay (giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016, có lãi vay ưu đãi khoảng 5%/năm).

Trong đó khoảng 50% gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ cho chủ đầu tư dự án vay và 50% còn lại của gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Đề xuất này cũng được Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì (ngày 17-2-2023), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lại cho biết Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã thống nhất một gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô khoảng 120.000 tỉ đồng, lãi vay của gói tín dụng này sẽ thấp hơn lãi vay bình quân của các ngân hàng thương mại từ 1,5-2%.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thì quy mô gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có thể lớn hơn 120.000 tỉ đồng nếu có thêm các ngân hàng khác cùng tham gia.

Như vậy, quan điểm đề xuất gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước có sự lệch pha.

Thứ nhất, về quy mô gói tín dụng đề xuất khác nhau giữa 110.000 tỉ đồng và khoảng 120.000 tỉ đồng.

Thứ hai, về hình thức, cơ chế cho vay, lãi vay ưu đãi cũng khác nhau, theo đề xuất của Bộ Xây dựng thì hình thức gói tín dụng ưu đãi là tái cấp vốn, lãi vay ưu đãi khoảng 5%/năm.

Còn phía Ngân hàng Nhà nước lại đề xuất gói vay theo hình thức các ngân hàng thương mại tự huy động để có nguồn lực cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, lãi vay chỉ thấp hơn lãi vay bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 1,5-2%.

Không có nhiều dự án bất động sản đủ điều kiện vay vốn?

Với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường dao động từ 12-15%/năm hiện nay, lãi vay bình quân của các ngân hàng thương mại khoảng 13,5%/năm, thì lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỉ đồng theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ dao động từ 11,5-12%.

Trong khi với quy định phát triển nhà ở xã hội hiện tại của Chính phủ, lợi nhuận định mức của các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chỉ khoảng 10%.

Như vậy, với lãi vay của các ngân hàng thương mại cao như hiện nay thì gói vay ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ có lãi vay "ưu đãi" cao hơn lợi nhuận định mức 10% của các dự án nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh - phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, với doanh nghiệp bất động sản lúc này có được gói vay ưu đãi là tốt rồi, lãi vay sẽ nằm trong chi phí đầu tư dự án, vấn đề hiện nay là không có nhiều dự án bất động sản đủ điều kiện vay vốn.

"Ngay cả các dự án nhà ở thương mại hiện nay cũng không có nhiều dự án đủ điều kiện vay vốn ngân hàng chứ chưa nói tới các dự án nhà ở xã hội", ông Thanh nhấn mạnh.

Để gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội, theo ông Thanh, điều quan trọng nhất là phải gỡ vướng đầu ra, trong đó không nên quy định cứng nhắc từng đối tượng được mua nhà ở dự án nào.

Chỉ cần quy định nếu thuộc đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội thì có thể mua nhà ở tất cả các dự án. Chứ chủ đầu tư làm xong dự án nhưng 3 năm vẫn chưa thể bán hết nhà vì quy định xét duyệt đối tượng mua của cơ quan quản lý nhà nước địa phương thì không ai dám đầu tư nữa.

Liên quan tới gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, tại hội nghị tín dụng cho bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào ngày 8-2-2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng trần tình rằng bối cảnh hiện nay hệ thống ngân hàng không thể tung ra một gói tín dụng tái cấp vốn như đã tung ra gói 30.000 tỉ đồng trước đây.

Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được tung ra trong bối cảnh rất đặc biệt, còn hiện nay không có điều kiện để làm vậy nữa.

Vốn thực hiện đề án một triệu căn nhà ở xã hội sẽ giảm khoảng 280.000 tỉ đồngVốn thực hiện đề án một triệu căn nhà ở xã hội sẽ giảm khoảng 280.000 tỉ đồng

Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng giảm số căn hộ sẽ xây dựng trong đề án đầu tư ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội (từ hơn 1,4 triệu căn hộ xuống còn hơn 1 triệu căn), nguồn vốn thực hiện đề án theo đó cũng giảm xuống còn 849.500 tỉ đồng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên