23/12/2014 13:27 GMT+7

Gõ cửa 6, 7 ngân hàng vẫn chưa có vốn

Đ.DÂN - T.V.N - T.MẠNH - N.TRÍ
Đ.DÂN - T.V.N - T.MẠNH - N.TRÍ

TT - Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội bị bỏ lỡ do chính sách nhà nước đưa ra không thể tới được doanh nghiệp...

... Chưa kể không ít chính sách ưu đãi đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, trong đó doanh nghiệp nội luôn chịu thiệt.

Công nhân Công ty CP nhựa Sao Việt sản xuất linh kiện cho xe buýt xuất khẩu - Ảnh: Đình Dân
Suốt sáu năm hoạt động nhưng chúng tôi chẳng nhận được sự hỗ trợ hay ưu đãi gì, cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ôtô. Dường như ngân hàng và Nhà nước không có niềm tin vào doanh nghiệp chứ đừng mơ gì đến hỗ trợ
Ông LÊ NGỌC TÂN 
(chủ tịch HĐQT Công ty CP nhựa Sao Việt)

Hàng sản xuất không có chỗ chứa, doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn hàng mới do không thể tiếp cận được vốn vay để đầu tư mở rộng dù đã gõ cửa nhiều ngân hàng. Đó là tình cảnh đang diễn ra tại Công ty CP nhựa Sao Việt (Vĩnh Long).

Cơ hội bị bỏ lỡ do thiếu vốn

Phụ thuộc

Báo cáo mới đây của Liên minh vì quyền của người nông dân về cấu trúc ngành chăn nuôi cho biết cả nước hiện có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, gồm 180 nhà máy của doanh nghiệp trong nước và 59 nhà máy của các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn ngoại.

Theo ông Nguyễn Văn Giáp - giám đốc Trung tâm Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, trưởng nhóm nghiên cứu, mặc dù số lượng nhà máy không nhiều nhưng các doanh nghiệp có vốn ngoại lại chiếm 60 - 65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất ra.

Ngược lại, với số lượng nhà máy áp đảo, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 35 - 40% trong tổng sản lượng.

Ngày 17-12, đích thân ông Lê Ngọc Tân - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP nhựa Sao Việt - dẫn chúng tôi vào thăm khu nhà xưởng tại ấp Hồi Lộc, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Trên khu đất rộng 1ha này là hai nhà xưởng nối liền nhau với khoảng 90 công nhân đang làm việc. Quy mô nhỏ nhưng đây là nơi đang sản xuất hơn 70 chi tiết cho xe buýt, xe tải xuất khẩu đi nhiều nước.

Chỉ tính trong năm 2014, Công ty Sao Việt đã sản xuất và cung cấp 79 chi tiết composite (nhựa tổng hợp), tương ứng 100% chi tiết composite trên 200 chiếc xe buýt hai tầng của Hãng Wrightbus (Anh) cung ứng cho các thị trường Hong Kong, Malaysia, Singapore...

Thời điểm này, công ty vừa nhận đặt hàng và đang sản xuất chi tiết mái che động lực học cho 180 chiếc xe tải/tháng của Nhà máy ôtô VEAM Thanh Hóa thuộc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp VN (VEAM).

Điều làm ông Tân đau đầu hiện nay là khu nhà xưởng rộng 2.000m2 đã hết chỗ chứa, công ty đang cần vốn để mở rộng khu nhà xưởng thêm 6.000m2 và mua nguyên liệu nhựa cho sản xuất các đơn đặt hàng mới ký.

Tổng nhu cầu vốn vay của Sao Việt chỉ khoảng 20 tỉ đồng nhưng cả tháng nay ông Tân đi gõ cửa 6-7 ngân hàng mà không nơi nào chịu cho vay.

“Ngay cả những ngân hàng từng tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ cũng tìm cách từ chối” - ông Tân bức xúc. Các ngân hàng mà ông Tân gõ cửa đều tỏ ra không tin tưởng hoặc khước từ bởi công ty đã không còn tài sản thế chấp vay ngoài các đơn hàng mới ký.

Giám đốc sản xuất Nguyễn Phú Thi cho biết trong năm 2015, VEAM dự kiến đặt hàng 4.500 sản phẩm, Wrightbus cũng có nhu cầu đặt hàng thêm giai đoạn 2015-2016 các chi tiết composite cho 600 chiếc xe buýt hai tầng của hãng.

Ngoài ra, phía đối tác bên Singapore đang muốn chuyển giao cho công ty công nghệ làm vỏ tàu cao tốc nhưng họ yêu cầu phải xây dựng và mở rộng thêm nhà xưởng.

“Những chi tiết cho tàu cao tốc dài từ 4,5m trở lên nên họ đòi hỏi nhà máy phải rộng. Tuy nhiên, nếu không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi dài hạn để mở rộng sản xuất, cơ hội này sẽ bị bỏ lỡ” - ông Thi lo lắng.

Phân biệt đối xử

Nhiều doanh nghiệp sản xuất khác trong nước cũng cho biết đang bị thua thiệt do chính sách ưu tiên doanh nghiệp FDI mà bỏ quên doanh nghiệp trong nước.

Ông Đỗ Duy Thái - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Việt (Pomina), đơn vị đã đầu tư hơn 500 triệu USD kể từ khi thành lập năm 1999 - cho biết do là doanh nghiệp trong nước đầu tư, ngoài việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu thành lập, được ưu đãi 15% thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức hiện hành trong 12 năm tiếp theo thì doanh nghiệp không còn được hưởng thêm bất kỳ ưu đãi nào khác.

Trong khi đó, theo ông Thái, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) mới giải ngân khoảng 4/10 tỉ USD tổng vốn đăng ký đầu tư, nhưng họ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm, giảm tiếp 50% số thuế phải nộp cho chín năm tiếp theo.

Sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu bị lỗ, doanh nghiệp được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế với thời gian chuyển lỗ không quá năm năm.

Chưa kể với công suất lên đến 22 triệu tấn/năm, sản lượng thép của một mình Formosa đã “ăn đứt” tổng mức tiêu thụ thép của cả nước ở mức xấp xỉ 11-12 triệu tấn/năm. Điều này đồng nghĩa nếu Formosa chỉ tập trung vào sản xuất thép xây dựng thì không còn doanh nghiệp nào của VN có thể “sống sót” khi cạnh tranh với Formosa.

Đồng ý quan điểm vẫn phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng ông Thái cho rằng Nhà nước cần xác lập rạch ròi quan điểm “thị trường nội địa nên ưu tiên cho các công ty trong nước”. Tức là cái gì trong nước không làm được mới gọi đầu tư. Còn cái gì trong nước đã làm được rồi thì cần phải hỗ trợ mạnh mẽ tối đa, từ nguồn vốn cho đến chính sách.

Đã nghèo còn gặp cái eo

Sau hơn hai năm tìm đất và gõ cửa đơn vị chức năng tại các địa phương miền Đông Nam bộ, anh Nguyễn Văn Sinh (Đồng Nai) cho biết sẽ tạm ngưng ý định đầu tư vào ngành chăn nuôi mà chuyển sang góp vốn cùng với một số người bạn trong ngành bất động sản ở TP.HCM.

Theo anh Sinh, các địa phương coi doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi giống như “mầm bệnh” nên không mặn mà. Để có thể đầu tư khu chăn nuôi quy mô 10-20 tỉ đồng, ngoài chuồng trại và thiết bị công nghệ nhập khẩu, công ty phải tự bỏ tiền túi ra để làm đường, kéo điện...

Đó là chưa kể theo quy định về môi trường, nước thải từ trang trại chăn nuôi thải ra phải qua xử lý và đạt loại A (loại cao nhất trong quy định về nước thải công nghiệp).

Theo anh Sinh, đây là điều hết sức vô lý vì nước thải chăn nuôi chủ yếu là chất hữu cơ chứ không có chất độc hại hay kim loại như các ngành công nghiệp, nước thải trước khi đưa ra môi trường còn được dùng để tưới cây trong trang trại thì cần gì loại A.

“Quy định như vậy đã đưa toàn bộ trang trại chăn nuôi vào tình thế cứ kiểm tra là vi phạm và bị phạt, ngay cả doanh nghiệp cũng không đủ vốn để làm và cũng không cần thiết. Chỉ một vài doanh nghiệp nước ngoài có thể làm được, nhưng họ không đầu tư trang trại mà ký hợp đồng với nông dân, đẩy nông dân làm việc với môi trường” - anh Sinh cho biết.

Trong khi đó, dù sắp tung ra thị trường mẻ rượu vang thanh long đầu tiên với gần 8.000 lít sau gần ba năm tự mày mò nghiên cứu, nhưng nông dân Trần Quốc Trọng (Châu Thành, Long An) cho biết đang khá lo lắng do không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của các ngành hay cơ quan chuyên môn.

Trước đó, theo anh Trọng, Trung tâm Khuyến công quốc gia tại Long An cũng đặt vấn đề hỗ trợ ba chiếc máy dùng để sản xuất rượu với số tiền 109 triệu đồng nhưng đòi hỏi phải có thêm hóa đơn mua bán của 10 sản phẩm đầu tư để xây dựng nhà máy mới được hưởng tiền hỗ trợ, thế là bị loại. “Do ít vốn, tôi chọn mua toàn đồ cũ, rẻ được gia công lại thì lấy đâu ra hóa đơn?” - anh Trọng nói.

Chúng tôi cũng đang kiệt sức rồi

Sau bài viết “Tôi kiệt sức rồi” (Tuổi Trẻ 22-12), hàng trăm bạn đọc đã gửi email chia sẻ về những khó khăn đang đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

* Nếu Nhà nước không sớm có quyết sách, tránh cạnh tranh không lành mạnh và không cân sức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN thì trong thời gian tới, VN sẽ là xã hội tiêu thụ, còn sản xuất chỉ dành cho người nước ngoài. Người VN trở thành người làm thuê trên đất nước của mình. 

THANH TAM (thanhtam...@vnn.vn)

* Tôi cũng đang cố gắng duy trì đây. Mở doanh nghiệp được năm năm, doanh số đi lên mà lợi nhuận đi xuống. Hàng đưa vào các nhà sách, siêu thị hai năm rồi, họ bán xong mà chưa trả, làm căng lên thì họ trả góp tháng vài triệu (tính năm năm chưa lấy hết về), còn kiện chắc mất luôn. Bỏ thì tiếc công sức gầy dựng thương hiệu và đội ngũ nhân viên mà càng gồng gánh càng đuối. 

NAM TRẦN (nnam...@gmail.com)

* Các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hong Kong, Indonesia... được vay vốn đầu tư ra nước ngoài khoảng 4-5 %/năm. Trong khi đó tại VN, DN trong nước hiện vay vốn với lãi suất 10-12 %/năm thì làm sao chịu nổi. 

HOÀNG THIỆN NHUẬN (nhuan...@yahoo.com.vn)

* Tôi cũng kiệt sức rồi. Còn lại chút tiền đầu tư mấy bộ cần câu chờ cơ hội mới, vì càng đầu tư càng thua lỗ thêm.

TRAN (hamy...@yahoo.com)

* Sau khi bỏ ngành xây dựng vì làm ăn quá khó khăn, tôi gom ít vốn còn lại và vay nợ thêm để thuê đất xây nhà trọ cho công nhân thuê, vừa tạo việc làm cho thợ vừa có cái kiếm ăn. Nhưng thấy cách tính thuế năm nay mà hoảng quá. Nếu tăng tiền thuê trọ lên thì tội nghiệp cho công nhân, mà không tăng thì coi như không có lời. Nhà nước nên xem lại chính sách để hỗ trợ tầng lớp lao động, ít ra cũng giúp họ có chỗ ở ổn định chứ không thì tất cả rồi đều “kiệt sức”.

(quocdung...@yahoo.com.vn)

 

Đ.DÂN - T.V.N - T.MẠNH - N.TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên