11/05/2023 11:27 GMT+7

Giúp gen Z hoàn thiện bản thân

Những 'điểm trừ' về kỹ năng ở người trẻ hiện nay công bằng mà nói có trách nhiệm đáng kể của người lớn và xã hội.

Học sinh trải nghiệm dự án giải quyết các vấn đề về môi trường do một cựu sinh viên ĐH Harvard (Hoa Kỳ) tổ chức - Ảnh: HẠNH PHÚC

Học sinh trải nghiệm dự án giải quyết các vấn đề về môi trường do một cựu sinh viên ĐH Harvard (Hoa Kỳ) tổ chức - Ảnh: HẠNH PHÚC

Lắng nghe sâu sát, phân tích thực trạng, tìm giải pháp phù hợp là những việc cần làm sớm để không chỉ hạn chế các hệ lụy lâu dài mà còn giúp các bạn gen Z hoàn thiện bản thân.

Công nhận ưu điểm, thấu cảm khuyết điểm

Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Diệp Quý Vy (ĐH Quốc gia Úc) cho rằng trước hết cần nhìn nhận nhiều bạn trẻ hôm nay giỏi hơn hẳn thế hệ trước. Họ tự tin, ngoại ngữ và kiến thức công nghệ tốt, rất nhanh nhẹn, cởi mở, dễ tiếp thu cái mới.

Dù vậy, các bạn lại thiếu một số phẩm chất, kỹ năng, chẳng hạn như thiếu lòng trắc ẩn, sự thấu cảm, tư duy phản biện, sự lễ phép và tính kiên trì...

Nhưng lỗi có phải chỉ ở các bạn? Theo chị Vy, công nghệ và mức sống thay đổi là các nguyên nhân chính. Được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuộc sống khá đầy đủ, công nghệ vượt trội hơn nên các kỹ năng đời thường như may vá, nấu ăn, sửa điện dễ bị các bạn xem là lạc hậu.

Song song đó, sự thấu cảm, lòng trắc ẩn, sống có trách nhiệm lại ít được các mạng xã hội (MXH) đẩy lên thành xu hướng. "Nhà trường, gia đình cần tạo cơ hội để gen Z tham gia hoạt động xã hội, làm thiện nguyện hoặc hướng dẫn các bạn tham gia các công việc ý nghĩa cùng gia đình" - chị Vy nêu quan điểm.

Thạc sĩ - bác sĩ CKI tâm lý tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa nói một số bạn trẻ đang gặp khó khăn trong cách cảm nhận và thể hiện lòng biết ơn. 

Điều này có thể xuất phát từ cuộc sống của gen Z quá đầy đủ nên các bạn tin rằng mọi thứ mặc định phải có sẵn. Khả năng nhìn nhận khách quan, chịu khó và chịu khổ kém hơn các thế hệ trước.

Anh kể một số bạn trẻ đi khám luôn đòi hỏi cha mẹ phải làm điều này, hành xử kiểu kia, tự hiểu điều nọ và cho rằng vì gia đình mới thành ra như vậy. 

"Ít bạn biết trân quý khi mình còn gia đình đầy đủ, còn khỏe và được đi học. Thậm chí có bạn coi việc người khác giúp mình là mặc định, khám xong đứng bật dậy quay đi không buồn nói cảm ơn. Trong khi những người lớn đi cùng luôn lịch sự cúi chào, cảm ơn bác sĩ rồi mới đi ra" - bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Anh Nghĩa nói người lớn nên lắng nghe, trò chuyện với các bạn trẻ nhiều hơn, giúp họ học cách thể hiện sự biết ơn, trân trọng những điều căn bản trong cuộc sống. Khi gen Z hiểu được giá trị của những thứ đang có, họ sẽ suy nghĩ, hành động thấu đáo và nhân văn hơn.

Nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân (giám đốc Chương trình Tâm lý học, ĐH Hoa Sen) nhận định gen Z lớn lên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ, biến đổi khí hậu, xung đột về ý thức hệ và bất bình đẳng, thay đổi môi trường kinh tế và thị trường lao động... 

Những điều này tác động đến cách gen Z nhìn nhận xã hội, các thế hệ khác lẫn nhận diện chính mình. Họ sinh ra đã tiếp xúc với Internet cũng làm ảnh hưởng đến khả năng chú ý, sự kiên nhẫn của mình.

Giáo sư Jonathan Haidt (ĐH New York, Hoa Kỳ) từng nhận định: "Một thế hệ càng kết nối (công nghệ) là một thế hệ càng cô độc". 

Nghịch lý ở chỗ chúng ta khao khát kết nối nhưng công nghệ lại khiến chúng ta chới với trong luồng sóng thông tin vô tận của MXH. Một số nhà thần kinh học cho rằng não bộ con người không được chuẩn bị tiếp ứng với khối lượng kích thích lớn như vậy.

Đại dịch COVID-19 càng khiến việc tạo dựng tương tác trực tiếp thêm khó khăn hơn. Dù một số nghiên cứu cho thấy sự hiện diện và tương tác trực tiếp rất cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Một khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ và Harris Poll cho kết quả 46% gen Z cho rằng sức khỏe tinh thần bị suy giảm, tỉ lệ gen Z cảm nhận bản thân cô độc vượt trội hơn tỉ lệ của các thế hệ khác trong thời gian đại dịch.

Tin giả và tư duy phản biện

MXH đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhưng chúng không thật sự có lỗi khi góp phần khiến nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống con người. 

Tin giả ngày càng xuất hiện nhan nhản đến mức tạp chí Time (Hoa Kỳ) từng có bài viết "2022 đã trở thành năm của những tin đồn nhảm như thế nào?".

Có thể nói thuật toán của các MXH nhìn chung đều "gây nghiện" người dùng. Hiểu một cách đơn giản là hầu hết các MXH, ứng dụng đều hướng đến công nghệ thuyết phục (persuasive technology). Công nghệ này được phát triển dựa trên dữ liệu, khoảng thời gian chúng ta dành cho chúng.

Khi MXH càng "hiểu" người dùng, chúng sẽ chỉ trưng trổ những ý kiến, góc nhìn giống hoặc đúng cái chúng ta muốn coi, tự động lọc những nội dung, quan điểm trái chiều để tránh việc khiến người dùng khó chịu. 

Lâu dần, điều này sẽ khiến thế giới quan của người dùng bị cắt gọt, ảnh hưởng đáng kể đến tư duy phản biện sau này. Tin giả theo đó dễ có điều kiện hoành hành mà tin đồn "Nữ sinh HUFLIT bị hiếp dâm" có lượt chia sẻ tính bằng hàng chục ngàn trên MXH chỉ trong một đêm là một ví dụ.

Việc giúp giới trẻ "thoát" khỏi hoặc sử dụng MXH hiệu quả là nhiệm vụ đầy thử thách. Có thể ví von rằng việc đó như lúc chúng ta đang "chiến đấu" với hàng chục ngàn kỹ sư tài năng nhất đang được thuê làm việc tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) hay Trung Quốc với nhiệm vụ mỹ miều "cải thiện trải nghiệm người dùng".

Sử dụng công nghệ hiệu quả

- Thiết lập cụ thể giới hạn thời gian để sử dụng thiết bị công nghệ, MXH.

- Không sử dụng công nghệ, MXH khi đang học tập hay làm việc quan trọng.

- Dành nhiều thời gian vào các hoạt động ngoài đời thật.

- Tránh việc sử dụng công nghệ trước khi đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ tốt hơn.

- Tìm kiếm và sử dụng các ứng dụng, nội dung giáo dục thay vì chỉ thuần giải trí.

TS NGUYỄN VINH QUANG (sáng lập viên Tổ chức hướng nghiệp Mr.Q)

Cần khách quan khi nhận định về một thế hệ

Chúng ta cần khách quan, tránh định kiến với gen Z bởi mỗi thế hệ đều có những đặc trưng riêng. Gen Z là một thế hệ đa tài, đa năng. Vốn dĩ được sinh ra trong môi trường tiếp xúc với công nghệ rất sớm, các bạn có những kỹ năng nổi trội lẫn kỹ năng cần được hỗ trợ để hoàn thiện.

Họ là những người nhanh nhạy, thông minh, nắm bắt nhiều thông tin và rất độc lập. Nhưng cũng chính vì thế các bạn cần học hỏi thêm cách chọn lọc, sử dụng thông tin một cách hữu ích, kết nối thông tin để trở thành kiến thức thật sự bổ ích.

Bởi thế giới online có thể là "xã hội" của riêng mình nhưng thế giới thực tế là nơi luôn cần sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố cảm xúc, trí tuệ, tư duy khác nhau.

Chị NGUYỄN THỊ AN HÀ (giám đốc marketing và hợp tác chiến lược, Talentnet Corp.)

Kỹ năng gen Z dần đánh mất: Đắm đuối với mạng xã hộiKỹ năng gen Z dần đánh mất: Đắm đuối với mạng xã hội

Không thể tách rời "dế" (điện thoại). Ăn, ngủ, sống cùng mạng xã hội (MXH) gần như trở thành công thức chung, điển hình của thế hệ Z khắp nơi chứ không chỉ trong nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên