09/05/2023 10:14 GMT+7

Kinh ngạc vì nhiều sinh viên gen Z không chào thầy cô

Theo một giảng viên, các bạn trẻ chỉ thích học với các thầy cô có ngoại hình trẻ trung, vui vẻ, cho đề càng dễ, càng ít buộc phải tư duy càng tốt.

Dán mắt vào "dế" ngay cả khi đi chơi với bạn bè, người thân hay ngồi học trong lớp là điều không quá xa lạ với giới trẻ hiện nay - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Dán mắt vào "dế" ngay cả khi đi chơi với bạn bè, người thân hay ngồi học trong lớp là điều không quá xa lạ với giới trẻ hiện nay - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Thống kê thời gian gần đây cho thấy tỉ lệ học sinh, sinh viên học và tốt nghiệp loại giỏi tăng chóng mặt.

Nghịch lý ở chỗ những lời than phiền về chất lượng nhân sự gen Z từ không ít công ty cũng tăng đáng kể. Đặc biệt là các đánh giá về việc yếu kỹ năng, cả thái độ của nhân sự trẻ.

Với nhiều hình thức thi và xét tuyển, cánh cổng đại học có vẻ đang rất thênh thang. Nhưng học và làm được việc còn là câu chuyện dài khi nhiều ứng viên rớt ngay vòng gửi xe vì "điểm" thái độ, kỹ năng quá thấp trước nhu cầu của thị trường lao động.

Khoảng 99% cử nhân tốt nghiệp xếp loại khá, giỏi, xuất sắc là kết quả của lần xét tốt nghiệp đợt 4 năm 2022 và đợt 1 năm 2023 của một trường đại học khá tiếng tăm ở miền Bắc. Tức là chỉ xê xích 1% tân cử nhân của trường tốt nghiệp loại trung bình!

Tôi thường buộc sinh viên đọc tài liệu trước. Khi lên lớp chỉ dành thời gian để thảo luận cùng nhau vì điều này sẽ kích thích tư duy phản biện ở người học. Thế mà cuối khóa bị "phán" là giảng viên không chuẩn bị bài kỹ!

T.Q.A. (giảng viên đại học)

Những con số bất ngờ về gen Z

Tại TP.HCM, đợt tốt nghiệp tháng 1-2023 của một trường đại học có điểm đầu vào thuộc tốp giữa, trong hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp, chỉ có 24 sinh viên tốt nghiệp loại trung bình, chiếm 1,15%. Toàn bộ số sinh viên còn lại đều xếp loại khá, giỏi và xuất sắc!

Cuối hè năm ngoái, thông tin khiến nhiều người chú ý khi có hơn 45% học sinh lớp 12 ở TP.HCM đạt kết quả học sinh giỏi!

Trong tốp 10 trường có tỉ lệ dẫn đầu, xuất hiện những cái tên của trường nhóm tốp giữa nhưng tỉ lệ học sinh đạt kết quả này xấp xỉ 80 - 96%. Tình hình này cũng không khác mấy ở nhiều địa phương khác.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có đến 16.265 giáo viên nghỉ việc và hoàn toàn rời lĩnh vực giáo dục, chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 8-2022.

Có nhiều giải thích về hiện tượng số học sinh, sinh viên loại giỏi đang "áp đảo" khắp nơi. Chẳng hạn như nhiều trường áp dụng cách tính điểm từ hoạt động nhóm, trình bày và điểm rèn luyện... bên cạnh các bài kiểm tra truyền thống trong lớp. Dẫu vậy, giảng viên lẫn nhiều người học cho rằng những lý do ấy chưa thật sự thuyết phục.

Người thở dài, kẻ cười chua chát

Giảng viên đại học T.Q.A. nói hiện nhiều trường áp dụng cơ chế sinh viên được "chấm điểm" giảng viên. Điều này về lý thuyết là tốt bởi giúp nhà trường, người dạy có thể nắm bắt những ưu điểm, khuyết điểm của mình và điều chỉnh phương pháp, kiến thức phù hợp. Tuy nhiên, việc này chỉ thật sự hiệu quả nếu người học có thái độ học tập tốt.

Theo giảng viên này, một số nghiên cứu chỉ ra tác động của mạng xã hội, gen Z có khuynh hướng bị cuốn hút bởi yếu tố thị giác, ít kiên nhẫn và thiếu tập trung. Các bạn trẻ chỉ thích học với các thầy cô có ngoại hình trẻ trung, vui vẻ, cho đề càng dễ, càng ít buộc phải tư duy càng tốt.

Không ít giảng viên cho biết hình ảnh gần 50% sinh viên ngồi trong lớp, tham gia các tiết học kỹ năng nhưng thường xuyên dán mắt vào điện thoại thay vì theo dõi bài giảng là "bình thường như cân đường hộp sữa". 

"Tôi khuyến cáo trước không được dùng điện thoại trong lớp nên từng có lần tôi nói với một sinh viên phạm lỗi rằng hoặc tôi bước ra, hoặc em bước ra khỏi lớp. Và cuối cùng tôi chính là người phải bước ra vì em ngồi trơ đó" - thầy T.N. (giảng viên một trường đại học tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhớ lại đầy chua chát.

Một số giáo viên, giảng viên cũng ám ảnh việc bị học viên thu âm, quay clip lén rồi tung lên mạng như một cách thể hiện "quyền lực của người học"! 

Mới đây, một giảng viên kể một số sinh viên trong lớp chị dạy thường bận đồ pajama đi học! Dù đã góp ý nhiều lần song các bạn hầu như không bận tâm, chẳng thay đổi. 

Vậy là một số thầy cô chọn giải pháp thôi lên lớp dạy hết giờ thì về, cho điểm càng cao sẽ càng "an toàn" cho mình dù họ thừa biết làm thế sẽ để lại hệ lụy lâu dài.

Lao động trẻ đang "mất điểm"!

Sẽ rất chủ quan và không công bằng khi nói lý do phần lớn ở người trẻ hay "dế" (ngôn ngữ người trẻ nói về chiếc điện thoại di động) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự học, thui chột dần các kỹ năng. Chưa kể, những vấn đề này xảy ra ở giới trẻ nhiều nơi chứ không riêng gì Việt Nam.

Một khảo sát thực hiện với sự tham gia của 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp được công bố trên tạp chí danh tiếng Fortune (Mỹ) ngày 26-4 vừa rồi cho biết gần 75% nhà quản lý khẳng định gen Z là nhóm lao động khiến họ cảm thấy khó cộng tác nhất, 49% luôn thấy nản lòng hoặc thậm chí thất vọng. 

Còn nhật báo Wall Street Journal thậm chí giật tít "Khi các sếp muốn có nhân sự chăm chỉ, họ tuyển lao động có tuổi!" trên một bài báo vào tháng 4-2023.

Theo bài báo, "điểm trừ" của lao động có tuổi là mất nhiều thời gian hơn để nắm bắt công việc, công nghệ nhưng họ làm việc chăm chỉ hơn, ít đi trễ hay nghỉ đột xuất, ít chăm chăm lướt mạng xã hội cả ngày. Nhiều công ty dần có xu hướng tuyển lao động lớn tuổi vì thái độ làm việc chỉn chu, có đạo đức nghề nghiệp.

Dưới góc nhìn của một người làm nhân sự, có nhiều cơ hội tiếp xúc với gen Z, chị Nguyễn Đinh Hoàng Yến - trưởng phòng tiếp thị và đối ngoại (ManpowerGroup Việt Nam) - cho biết theo nhiều nghiên cứu, gen Z (chỉ những cá nhân sinh 1997 - 2012) dự kiến chiếm khoảng 30% lực lượng lao động trong nước vào năm 2025. 

Gen Z lớn lên trong thời đại công nghệ bùng nổ, tiếp xúc với nhiều thành tựu khoa học, giáo dục phát triển nên cũng hình thành nhiều kỹ năng vượt trội hơn so với các thế hệ đi trước. Chẳng hạn các bạn giỏi công nghệ, ngoại ngữ, nhanh nhẹn, cá tính mạnh...

Tuy vậy, quá trình tiếp xúc và làm việc với nhiều bạn thế hệ Z, chị Hoàng Yến cùng đồng nghiệp nhận thấy một bộ phận gen Z đang bị mai một những kỹ năng rất quan trọng như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. 

"Các bạn thường rất nóng vội, mong sớm nhìn thấy kết quả mà ít kiên nhẫn hay cầu thị. Chưa kể khả năng thương lượng và thuyết phục cũng đang là "điểm chết" của không ít bạn thế hệ này" - chị Yến nói.

Kinh ngạc vì nhiều sinh viên không chào thầy cô!

Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Diệp Quý Vy (ĐH Quốc gia Úc) nói các em sinh viên hiện nay bớt dè dặt, cởi mở và tự tin hơn trong giao tiếp với thầy cô là một thay đổi đáng mừng. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều trong thái độ giao tiếp của không ít bạn sinh viên hôm nay khiến chị bất ngờ.

"Tôi thật sự kinh ngạc khi thấy nhiều sinh viên không chào thầy cô dù đối diện trước mặt. Thời của chúng tôi, chỉ mới thấp thoáng bóng thầy cô là đã chào thật xa, thậm chí một số bạn còn né đường khác, một phần vì sợ nhưng phần nhiều do kính trọng thầy cô. Nói tôi cổ hủ cũng được nhưng tôi thấy nhớ sự rụt rè, lễ phép của sinh viên thế hệ trước đây" - chị Quý Vy bộc bạch.

Gen Z đi làm: Thích ‘bật sếp’, ‘nhảy việc’ có phải là phản biện?Gen Z đi làm: Thích ‘bật sếp’, ‘nhảy việc’ có phải là phản biện?

‘Tư duy phản biện là rất quan trọng khi làm việc, nhưng các bạn trẻ hãy cố gắng hiểu tư duy phản biện một cách khoa học chứ không phải thích là bật sếp, nhảy việc. Cái đó rất nguy hại, nguy hiểm’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên