27/08/2024 06:25 GMT+7

Giữ mình tránh bị lừa đảo khi tìm việc làm trực tuyến

Tìm được việc làm ngày càng khó khăn hơn, ngay cả khi thị trường lao động dường như rất sôi động. Đây là tình huống mà những kẻ lừa đảo rất muốn lợi dụng.

Lưu ý gì để tránh bị lừa đảo khi tìm việc làm trực tuyến? - Ảnh 1.

Nếu bạn vẫn không chắc chắn về tính hợp pháp của một công ty, bạn nên tìm kiếm tên công ty cùng với cụm từ 'lừa đảo' (scam) trên Google - Ảnh: LinkedIn

Một mánh khóe phổ biến là những kẻ lừa đảo giả làm nhà tuyển dụng và liên hệ với bạn mà không báo trước, bao gồm trên các trang tìm việc như Indeed và LinkedIn, hoặc thậm chí qua tin nhắn WhatsApp để dụ dỗ bạn, với một cơ hội việc làm mà bạn chưa hề ứng tuyển.

Sau đó chúng có thể yêu cầu bạn gửi tiền hoặc thông tin cá nhân, theo Amanda Augustine -  một chuyên gia nghề nghiệp tại TopResume, hoặc tuyên bố rằng trước nhất bạn cần phải hoàn thành khóa đào tạo hoặc dịch vụ huấn luyện, để đủ điều kiện cho vị trí tuyển dụng. Đây là một nỗ lực "săn mồi" để bán sản phẩm của chúng cho bạn, cô nói.

Mặc dù các nhà tuyển dụng thật thường liên hệ ngẫu nhiên với các ứng viên tiềm năng, nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa họ và những kẻ lừa đảo: "Họ sẽ thẳng thắn với bạn", theo Phoebe Gavin - một huấn luyện viên nghề nghiệp và lãnh đạo.

Hãy cảnh giác nếu việc làm trông quá hoàn hảo

Nếu một tin tuyển dụng "có vẻ quá tốt, không tin nổi", thì có lẽ đúng là như vậy, Augustine nói. Điều này bao gồm cả những vị trí hứa hẹn sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền nhanh chóng. Trong những trường hợp "làm giàu nhanh", Augustine cảnh báo rằng hãy tránh xa.

Hãy cẩn trọng nếu một công ty nhanh chóng đưa ra lời mời làm việc mà không qua quy trình thẩm định tiêu chuẩn. Quy trình hợp pháp nên yêu cầu ít nhất một cuộc phỏng vấn, ngay cả khi chỉ qua điện thoại, cô ấy nói.

Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn không đảm bảo rằng vị trí đó là có thật. Một số người tìm việc bị lừa đã chia sẻ trải nghiệm của họ về các cuộc phỏng vấn giả mạo trên mạng xã hội.

LinkedIn đã chặn hơn 63 triệu tài khoản giả mạo trong nửa cuối năm 2023, theo báo cáo cộng đồng gần đây nhất của nền tảng này, đồng thời xóa hơn 108 triệu nội dung spam và lừa đảo trong cùng kỳ.

Cuối cùng, nếu một nhà tuyển dụng liên hệ với bạn về một công việc hấp dẫn bất thường mà bạn chưa từng ứng tuyển, "bạn cần phải đặc biệt cảnh giác", Augustine nói.

Đặt câu hỏi về mô tả công việc mơ hồ hoặc không tồn tại

Đôi khi kẻ lừa đảo sẽ khăng khăng rằng họ không thể cung cấp bất kỳ chi tiết nào vì tin tuyển dụng là bảo mật. Nhìn chung nếu một công ty không thể đưa ra mô tả công việc, đó là một dấu hiệu cảnh báo lớn. Một số công ty giữ bí mật các vị trí công việc cấp cao, nhưng sẽ bắt đầu tiết lộ nhiều chi tiết hơn về vai trò khi quy trình phỏng vấn diễn ra.

"Nếu bạn không ở cấp giám đốc trở lên và có người liên hệ bạn về một vị trí bí mật, có lẽ đó là một trò lừa đảo. Không có lý do gì để một công ty phải giữ bí mật về việc tuyển dụng một vị trí nhân viên cá nhân hoặc cấp quản lý", Gavin nói. "Chỉ có những vị trí cấp cao mới có thể có một số hậu quả về quan hệ công chúng nếu người ta biết rằng họ đang tìm kiếm ứng viên".

Đối với các vị trí công việc không có lý do để được giữ bí mật chặt chẽ như vậy, cần phải có bản mô tả công việc chính thức. Bạn cũng nên cảnh giác với những mô tả công việc "rất mơ hồ" và không cung cấp đủ thông tin về chức danh công việc, địa điểm, trách nhiệm và tiêu chí tuyển dụng.

Một bản mô tả công việc đầy lỗi chính tả và sai sót cũng có thể là dấu hiệu của một trò lừa đảo. Tuy nhiên vì các công cụ mới được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo như ChatGPT có thể khắc phục các lỗi ngữ pháp trong văn bản, nên yếu tố này đang trở nên ít nổi bật.

Kiểm tra dấu vết trực tuyến của công ty

Bạn có thể xác định được sự hiện diện trực tuyến của công ty như hồ sơ LinkedIn, trang web hoặc trang mạng xã hội. Nếu hoàn toàn không có dấu vết trực tuyến nào về công ty này, hoặc thực sự có rất ít khi bạn tìm kiếm trên Google, đây là dấu hiệu đáng lo.

Gavin gợi ý bạn nên yêu cầu nhà tuyển dụng tiềm năng hướng dẫn bạn truy cập trang web của họ, nơi bạn có thể kiểm tra xem thông tin về công việc có được đăng không. Kiểm tra kỹ bất kỳ liên kết nào bạn nhận được, đảm bảo chúng không chuyển hướng đến một trang web lừa đảo.

Hãy cẩn trọng nếu một nhà tuyển dụng không sử dụng địa chỉ email công ty. Bạn có thể gặp phải các nhà tuyển dụng bên thứ ba sử dụng tài khoản Gmail, nhưng các nhà tuyển dụng nội bộ thường có địa chỉ email của công ty.

Đồng thời, hãy cẩn thận với các email có lỗi chính tả hoặc tên công ty bị "giả mạo" - nhìn sơ qua thì giống, nhưng hơi khác so với tên doanh nghiệp thực tế, theo hướng dẫn của trang Indeed về việc tìm kiếm việc làm an toàn.

Nếu bạn vẫn không chắc chắn về tính hợp pháp của một công ty, Augustine gợi ý bạn nên tìm kiếm tên công ty cùng với cụm từ "lừa đảo" (scam) trên Google. Việc tìm kiếm có thể cho thấy lịch sử hoạt động không trung thực, nếu đó là một doanh nghiệp bất hợp pháp từng lừa gạt trước đây.

Tìm việc online: "Hãy chậm lại" và đừng nản lòng

Áp lực và sự gấp gáp của việc tìm kiếm việc làm có thể khiến những người cẩn thận nhất mất cảnh giác và vội vàng rơi vào một thỏa thuận lừa đảo. Gavin cho rằng điều quan trọng là phải chậm lại khi ai đó liên hệ với bạn về một cơ hội.

"Hãy chậm lại một chút. Nếu đó là cơ hội hợp pháp, nó sẽ không biến mất chỉ trong một giờ. Công ty sẽ không thể tìm ứng viên, phỏng vấn, đưa ra lời đề nghị, đàm phán và ký kết chỉ trong một giờ", cô nói. "Điều đó là vì lợi ích tốt nhất của bạn, và bạn cũng không mất gì khi dành thời gian để xác minh rằng đó là một người thật, đang làm việc thay mặt cho một tổ chức thật".

Augustine khuyên bạn nên ghi lại tất cả các vị trí mà bạn đã ứng tuyển. Một số kẻ lừa đảo sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng bạn đã ứng tuyển cho vị trí của họ và tận dụng sự thiếu tổ chức của bạn để lừa bạn vào bẫy tuyển dụng.

Bất chấp những rủi ro tràn lan trên mạng, Gavin khuyên không nên để nỗi sợ hãi bị lừa đảo ngăn cản bạn tận dụng LinkedIn, bởi đó là công cụ tuyển dụng quan trọng nhất trên Internet hiện nay.

Lưu ý gì để tránh bị lừa đảo khi tìm việc làm trực tuyến? - Ảnh 2.Người than khó tìm việc sau tuổi 30, doanh nghiệp tìm mỏi mắt không thấy ứng viên phù hợp

Trước chuyện lao động 38 tuổi nằm trong 5 người già nhất một doanh nghiệp 200 lao động, Tuổi Trẻ Online trò chuyện cùng một số đơn vị, doanh nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên