Ngày ấy, khi đang độ tuổi 18, tôi - một cô gái - tự đánh giá mình khá ngoan hiền, đầy mơ mộng và có phần kiêu hãnh về bản thân. Thành tích học tập bấy giờ của tôi khá ổn: một học sinh luôn có điểm số khá cao trong lớp.
Tôi luôn cảm thấy mình giỏi giang và hơn người khác. Trong lớp, những bạn nào học yếu kém luôn bị tôi dành cho những ánh mắt coi thường và ít khi gần gũi giúp đỡ họ, đôi khi tôi còn hiếp đáp họ nữa.
Nhưng mẹ tôi lúc ấy chỉ là một người buôn gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối ở chợ đò. Ba tôi thì quần quật bên những chuyến xe hàng, hằng ngày chở nắng mưa đi khắp cái thành phố nhỏ bé nơi chúng tôi sống.
Tôi cũng tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều để sau này đỡ đần cho cha mẹ, bù đắp những cơ cực mà họ đã chịu vì anh em tôi, một phần cũng vì tôi muốn mình phải thật giàu sang để con tôi sau này không phải mặc cảm về ba mẹ như tôi hiện giờ.
Tuổi 18 - cái tuổi của những rung động bồng bột đầu đời, cộng thêm việc chứng kiến sự sung túc của bạn bè, nhiều lúc tôi có những suy nghĩ lạc lối về số tiền mà hằng ngày ba mẹ phát cho tôi.
Tôi nghĩ ba mẹ mình thật keo kiệt với con cái, không thương tôi như ba mẹ của lũ bạn thương chúng. Những suy nghĩ vẩn vơ kẹt đâu đó trong đầu tôi, ngay cả trong những ngày sách vở bận rộn để chuẩn bị thi đại học.
Ngày thi đại học cũng đã đến, tôi tự tin bước vào kỳ thi, nghĩ rằng với sức học hiện có, mình sẽ có kết quả cao nên thậm chí không cặm cụi dò kết quả như bao thí sinh khác.
Ngay khi thi xong, tôi tự thưởng cho mình, bắt đầu sắm sửa quần áo, làm đẹp cho bản thân để được bằng bạn bằng bè và gây chú ý với đối tượng mà tôi thầm thương trộm nhớ. Nhưng thời đó, ba mẹ cho tôi rất ít tiền để tiêu xài, lấy tiền đâu mà mua đồ đẹp.
Một lần nọ, vô tình biết được tiền mẹ cất ở ngăn tủ quần áo, tôi âm thầm lấy một ít đi mua đồ, biện minh là mượn tạm nhưng lại gần như không có ý định trả lại. Bởi tôi nghĩ đó là phần tiền lẽ ra ba mẹ phải thưởng cho tôi trong thời gian cố gắng học hành vừa qua.
Tháng 7 tới, vào một ngày trời sắp chuyển mưa, tôi nhận được cú điện thoại của một người họ hàng báo tin điểm thi của tôi không cao, đồng nghĩa với việc tôi thi rớt đại học.
Mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt. Tôi còn tưởng là mình nghe nhầm. Ngay lúc đó, mẹ tôi phát hiện bị mất khoản tiền. Đắng cay là mẹ nghi ngờ anh trai tôi.
Mẹ chọn cách im lặng, nằm im trên giường gặm nhấm hai nỗi đau lớn cùng lúc: tôi thi rớt đại học và anh trai tôi lấy cắp số tiền.
Mẹ nằm yên, không một tiếng khóc, một tiếng nấc, trên gương mặt ốm yếu hai hàng nước mắt lặng lẽ tuôn. Đó là lúc tôi nhìn thấy trọn vẹn một gương mặt hằn những nét khắc khổ của mẹ.
Bình thường tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc, tôi luôn thấy mẹ là người phụ nữ cứng rắn nhất. Chắc chắn đó là giọt nước mắt đắng cay nhất của cuộc đời mẹ. Nhưng tôi, hèn nhát, sợ hãi, đã không dám nói với mẹ một lời xin lỗi, dù biết chính mình đã cùng lúc gây ra cả hai tội lỗi làm mẹ đau đớn đến vậy.
Hôm đó, trời bắt đầu rơi những giọt mưa nặng hạt, tôi chạy thật nhanh ra ngoài, chạy như để trốn những tội lỗi mình vừa gây ra cho mẹ, vừa chạy tôi vừa khóc thật lớn, những hạt mưa rơi hòa với dòng nước mắt khiến mặt tôi rát bỏng, rát như những vết thương mẹ tôi đang chịu đựng.
Tôi dằn vặt và hận bản thân, khinh ghét chính mình vì sự hèn nhát, vì nỗi oan tôi gieo cho anh trai mình, vì những thất bại học hành, vì những ngạo mạn chủ quan mà tôi trả giá tức thì. Tôi biết mình đã sai ở đâu...
Sau đó là những chuỗi ngày ân hận và dằn vặt trong im lặng. Tôi không dám nói thật nhưng bắt đầu thay đổi tâm thức.
Tôi đăng ký vào lớp học khóa tu mùa hè ở một chùa trong thành phố. Tôi ăn chay, đi chùa đọc kinh sám hối và xin được quy y là phật tử. Tôi giúp ba mẹ công việc nhà nhiều hơn, không còn cãi lại lời ba mẹ như xưa nữa.
Tới lúc ấy, tôi thấu hiểu nỗi cực nhọc của cha mẹ mình và sự hi sinh của ba mẹ cho anh em tôi, tôi hiểu là mình đang may mắn nhường nào. Tôi thay đổi thực sự, tính kiêu ngạo ngày trước bây giờ đã nhường chỗ cho sự khiêm tốn và chịu trách nhiệm.
Rồi cũng tới ngày tôi lên Sài Gòn học đại học theo nguyện vọng hai. Nhưng hành trang tôi mang theo không còn những kiêu căng háo thắng, chỉ còn lại sự điềm đạm, khiêm nhường, biết trên biết dưới và biết chia sẻ với mọi người xung quanh mình.
Tôi viết những dòng này như một lời thú nhận và xin lỗi muộn màng tới mẹ, nhưng cũng như một đúc kết quý giá mà tôi muốn chia sẻ: Ta phải biết trân quý những gì mình đang có, và bên cạnh sự cố gắng, luôn phải biết mình biết ta, biết quan tâm tới mọi người xung quanh, khi ấy ta mới có được hạnh phúc thực sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận